Trước thực trạng “chảy máu nhân lực” trong ngành y tế khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đòi hỏi một khâu đột phá về chính sách và một đề án mang tầm chiến lược để thu hút và giữ chân nhân tài.
Ông Nay Phila – Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk
Cần một cơ chế đặc thù riêng
Dù đã được xác định trong nhiều Nghị quyết và chương trình triển khai nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực trong y tế, nhưng trên thực tế, tri thức trẻ có xu hướng chọn các thành phố lớn để lập nghiệp, tình trạng chảy máu “chất xám” trong lĩnh vực y tế tại khu vực Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang là bài toán nan giải.
Một lộ trình cụ thể, một quyết sách đúng đắn, dự báo và phân tích thị trường lao động mang tính thực tế cao là rất cần thiết vào thời điểm này để ngành Y tế Đắk Lắk hướng đến không chỉ phát hiện, thu hút mà còn giữ chân được những nhân tài. Để làm được việc này, ngoài việc bám sát chương trình hành động cụ thể của chính phủ về quy định khung cơ chế chính sách ưu đãi, Đắk Lắk cần một cơ chế đặc thù riêng, tiêu chí riêng mang tầm chiến lược.
Hướng tới nền y tế thông minh
Bất chấp việc ngành y tế Đắk Lắk đã chủ động áp dụng nhiều phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) trong các hoạt động khám, chữa bệnh, nhưng công tác này hiện vẫn còn nhiều bất cập tồn tại.
Phát biểu tại hội thảo giới thiệu các sản phẩm CNTT sử dụng trong ngành y tế hồi tháng 8 tại Đắk Lắk, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Nay Phi La ghi nhận một số bất cập trong việc ứng dụng CNTT trong ngành y tế tỉnh. Trong số đó, ông đặc biệt nhấn mạnh vào các hệ thống phần mềm không liên thông kết nối, thiếu cơ sở dữ liệu chung, thiếu cơ sở vật chất và hạ tầng CNTT…Ngoài ra, việc thiếu thông tin đầy đủ về bệnh nhân để đưa ra chẩn đoán hiệu quả và chính xác cũng là vấn đề cần được lưu tâm hơn. Việc thiếu hệ thống phần mềm CNTT dẫn đến tình trạng bác sĩ quá tải về giấy tờ, bệnh nhân thì phải chờ đợi lâu…
Nhằm khắc phục những bất cập trên, Sở Y tế Đắk Lắk đang hướng đến nền y tế thông minh thông qua việc ứng dụng các sản phẩm CNTT chuyển đổi sớ trong y tế bao gồm: phần mềm quản lý bệnh viện, hồ sở bệnh án điện tử…Việc ứng dụng những sản phẩm CNTT này sẽ đẩy mạnh công tác chia sẽ thông tin bệnh nhân trong phạm vi địa phương và toàn quốc, thông tin vệ bệnh án, khám bệnh và điều trị sẽ được kiểm soát chính xác, hiệu quả và bền vững hơn, đặc biệt trong bối cảnh thiếu nguồn nhân lực y tế như hiện nay.
Tăng cường ứng phó biến đổi khí hậu
Hưởng ứng kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của ngành y tế giai đoạn 2018-2030 và tầm nhìn 2050, Sở Y tế Đắk Lắk đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động và chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030.
Theo đó, giai đoạn 2019-2025, Sở Y tế Đắk Lắk tập trung nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ y tế và cộng đồng trong công tác bảo vệ sức khoẻ và ứng phó biến đổi khí hậu.
Cụ thể, Sở tiến hành lồng nghép các hoạt động truyền thông về bảo vệ sức khoẻ và ứng phó biến đổi khí hậu vào các kế hoạch truyền thông của ngành y tế, xây dựng tài liệu và chương trình tập huấn cho cán bộ y tế.
Một hoạt động quan trọng khác là tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với y tế; nghiên cứu các gỉai pháp, công nghệ sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trong các cơ sở y tế; đánh giá toàn diện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với nguồn nước, bệnh truyền nhiễm…
Giai đoạn 2025-2030, Sở sẽ triển khai các chính sách và nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu đối với ngành y tế; quy hoạch và đầu tư các cơ sở y tế, trang thiết bị đảm bảo công tác khám, chữa bệnh; nhân rộng các mô hình hệ thống y tế và cộng đồng ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu; tăng cường công tác xã hội hoá trong ứng phó biến đổi khí hậu…
Bảo Minh Quân