Tin nổi bật

Những nỗ lực của VCCI trong hành trình đồng hành cùng doanh nghiệp Việt

6:38 sáng | 29/09/2022

VHDNNgày 27/4/1963, thay mặt Hội đồng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký quyết định số 58-CP thành lập Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đổi tên thành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vào năm 1982.

 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là tổ chức quốc gia tập hợp, đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các quan hệ trong nước và quốc tế; Thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp; xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học – công nghệ và các hoạt động kinh doanh khác của cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài; Xúc tiến, thúc đẩy xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp.

VCCI hoạt động phi lợi nhuận và độc lập, không dưới sự chỉ đạo của bất kỳ chính phủ nào. VCCI có tư cách pháp nhân và có quyền tự chủ về tài chính. VCCI còn là một tổ chức bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Ra mắt Ban Chấp Hành khóa mới tại Đại hội đại biểu VCCI lần thứ VII nhiệm kỳ

2021-2026

VCCI mở rộng và thúc đẩy quan hệ  thương mại giữa Việt Nam  với các nước

Ngay từ khi thành lập, mục đích của VCCI đã được xác lập rất rõ. Chính vì vậy, VCCI đã thể hiện được vai trò của mình là làm cầu nối để liên kết các doanh nghiệp và hiệp hội các doanh nghiệp đang ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Việc liên kết lại sẽ giúp các doanh nghiệp thêm vững mạnh hơn và phát triển bền vững hơn.

Trong những năm trở lại đây, VCCI ngày càng thể hiện và khẳng định được vị trí của mình trong việc xúc tiến các mối quan hệ. Hỗ trợ hoạt động thương mại, đầu tư và hợp tác khoa học công nghệ cũng như các hoạt động kinh doanh khác, đem đến sự thay đổi tích cực và lớn lao cho nền kinh tế của Việt Nam.

Trong từng thời kỳ phát triển của đất nước, nhiệm vụ của VCCI luôn bám sát, gắn liền với yêu cầu nhiệm vụ của đất nước nhằm tìm ra phương hướng đẩy mạnh nền kinh tế một cách hiệu quả nhất. VCCI không chỉ duy trì mà còn mở rộng và thúc đẩy các mối quan hệ  thương mại giữa Việt Nam  với các nước, chủ yếu là các nước nằm ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của đất nước.

Trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh, Việt Nam còn bị nhiều thế lực thù địch thực hiện nhiều chế độ cấm vận kinh tế, quan hệ ngoại giao còn chưa được mở rộng. VCCI đã thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng là thông qua giao lưu kinh tế để mở rộng, khai thông thị trường các nước tư bản chủ nghĩa, phá thế bao vây cấm vận và đặt nền móng xây dựng quan hệ buôn bán, giao lưu thương mại với các nước. Bên cạnh đó VCCI còn tiến hành triển khai các cuộc khảo sát, nghiên cứu thị trường, tìm hiểu luật lệ buôn bán quốc tế để chuẩn bị tốt cho công cuộc mở rộng hoạt động kinh tế, đưa nền kinh tế Việt Nam tiến sâu vào nền thương mại quốc tế.

Sau khi khai thông thị trường các nước Tư bản, VCCI đã đạt được một số thành tựu vượt trội. VCCI lại tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ mới đáp ứng với tình hình mới của đất nước sau khi thống nhất năm 1975. Ở giai đoạn này, VCCI tập trung vào mở rộng hoạt động ngoại thương của Việt Nam đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước, phát triển các ngành công nghiệp để tái thiết và phát triển kinh tế  sau  chiến tranh.

VCCI lại tiếp tục tạo bước phát triển mới khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới năm 1986. Với bề dày kinh nghiệm thúc đẩy hợp tác với các nước có nền kinh tế thị trường, VCCI là một trong những tổ chức đi đầu trong việc thực hiện đường lối đổi mới và đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ thương mại, buôn bán giữa Việt Nam với các nước cũng như kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong giai đoạn này, VCCI gần như là cửa ngõ duy nhất nối liền hoạt động thương mại,  hợp tác, đầu tư giữa Việt Nam với nước ngoài. VCCI đã đi tiên phong trong việc khai phá và mở rộng thị trường quốc tế, kể cả những thị trường mà Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao như Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Giai đoạn 1993 tới nay, VCCI hoạt động dưới hình thức của một tổ chức độc lập với hai chức năng cơ bản là chức năng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, tham mưu, tư vấn cho Chính phủ và chức năng xúc tiến thương mại, đầu tư. Việc bổ sung thêm chức năng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của VCCI. Với tư cách là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp  Việt Nam, VCCI đã góp phần thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, trở thành cầu nối quan trọng giữa Nhà nước và doanh nghiệp cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra thành công vào cuối tháng 12 năm 2021 đã xác định nhiệm vụ mới trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến đổi nhất là vừa trải qua sự càn quét khắc nghiệt của đại dịch COVID-19. Đại hội xác định Tầm nhìn và Sứ mệnh của VCCI trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, đó là Tầm nhìn: Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng.

VCCI tiếp tục thực hiện Sứ mệnh liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới. Đại hội cũng xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ mới.

VCCI luôn nỗ lực để đổi mới sáng tạo, kết nối các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước, góp phần giúp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững của đất nước.