Khánh Hòa sở hữu bờ biển dài, cảnh quan môi trường biển đảo đẹp và di sản văn hóa biển đảo phong phú, đặc sắc; chính vì vậy du lịch biển đảo đã trở thành thế mạnh đặc trưng của xứ Trầm Hương, góp phần không nhỏ đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tiềm năng được khai phá
Là tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung bộ, Khánh Hoà có bờ biển dài 385km, có khoảng 200 hòn đảo lớn nhỏ ven bờ và các đảo thuộc huyện Trường Sa có vị trí kinh tế, an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng. Biển Khánh Hoà có 3 vịnh được xếp vào hàng đẹp nhất nước và nổi tiếng thế giới là Cam Ranh,Vân Phong, Nha Trang với nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, nhiều bãi tắm đẹp như: Đại Lãnh, Đầm Môn (huyện Vạn Ninh); Dốc Lết, Đầm Nha Phu (huyện Ninh Hòa); Bãi Trũ – Đầm Già, Đầm Bấy, Đầm Vân (Tp.Nha Trang), Bãi Dài (huyện Cam Lâm); ngoài ra còn có nhiều bãi tắm đẹp tự nhiên trên các đảo trải dọc theo suốt chiều dài của biển từ Bắc xuống Nam.
Khánh Hòa còn là nơi hội tụ của các loài sinh vật biển, có rạn san hô phong phú và đa dạng nhất Việt Nam với 340 trong tổng số hơn 800 loài san hô cứng trên thế giới; có nhiều đặc sản như tôm, mực, cua, ghẹ và các loại cá biển nhiệt đới, đặc biệt là yến sào – một đặc sản có giá trị quý như vàng, khiến từ lâu vùng quê này được mệnh danh “xứ trầm, biển yến “. Đặc biệt tháng 3/2003, vịnh Nha Trang đã được công nhận là thành viên chính thức của CLB các vịnh đẹp nhất thế giới. Với lợi thế đó, thời gian qua Khánh Hòa đã tập trung phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn liền với hoạt động vui chơi giải trí trên biển có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Biển đảo là thế mạnh đặc trưng của du lịch Khánh Hòa và để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch dồi dào này, tỉnh đã chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù nào nhằm thu hút mạnh mẽ du khách. Cụ thể Khánh Hòa đã và đang phát triển mạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao kết hợp với vui chơi giải trí trên biển, tham quan và khám phá đại dương như: ca nô kéo dù, mô tô nước, lặn biển bằng bình khí, đi bộ dưới đáy biển, trò chơi Bay nhào trên mặt nước bằng thiết bị áp suất nước,…. Bên cạnh đó, tỉnh đã đưa vào hoạt động một số khu du lịch nghỉ dưỡng biển với quy mô lớn, có thương hiệu như: KDL Six Senses Ninh Vân Bay, L’Alyana Ninh Vân Bay Nha Trang, Khách sạn nghỉ dưỡng Vinpearl Nha Trang, Khu nghỉ dưỡng Amiana Nha Trang, Khu nghỉ dưỡng Mia, Sheraton Nha Trang, Sunrise Nha Trang, Havana Nha Trang.… ; góp phần đáng kể nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa loại hình dịch vụ, nâng cao thương hiệu Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa và đây cũng chính là những điểm nhấn thu hút du khách trong nước cũng như quốc tế đến với Khánh Hòa.
Ngoài ra việc mở các tuyến vận tải du khách bằng đường biển đảo, phát triển hạ tầng giao thông đường biển cũng được tỉnh Khánh Hòa chú trọng đầu tư. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 700 phương tiện thủy nội địa hoạt động trên 40 tuyến vận tải với tải trọng 15.500 ghế phục vụ vận chuyển du khách tham quan biển, đảo Nha Trang – Khánh Hòa. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa quan tâm đầu tư xây dựng các bến tàu du lịch để thuận tiện trong việc tiếp cận từ cảng đến các điểm tham quan du lịch. Hiện Cảng Nha Trang đang được đầu tư chuyển đổi công năng thành cảng biển chuyên dùng du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế; bên cạnh đó dự án Công viên bến du thuyền quốc tế cũng đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa vào hoạt động phục vụ thuyền buồm quốc tế đến Nha Trang – Khánh Hòa.
Lấy du lịch biển nghỉ dưỡng làm thế mạnh chủ đạo
Ông Trần Việt Trung – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết theo định hướng tại các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, XVI và XVII, du lịch luôn được xác định ưu tiên đầu tư phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến nay, dịch vụ – du lịch đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế, đóng góp 50,45% vào GDP toàn tỉnh. Góp phần làm nên thành công của du lịch Khánh Hòa, trước hết phải nói đến chiến lược khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh về thiên nhiên cho phát triển du lịch biển đảo nghỉ dưỡng cao cấp. Quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tầm nhìn cạnh tranh trong khu vực ASEAN, trong đó lấy du lịch biển nghỉ dưỡng làm thế mạnh chủ đạo.
Để chính sách đi vào thực tiễn hợp lý, không thể không kể đến sự quan tâm, đồng thuận của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong đầu tư phát triển du lịch. Từ năm 2001 đến nay, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa đã xác định phát triển du lịch là một trong những chương trình kinh tế – xã hội trọng điểm; từ đó nguồn lực được ưu tiên tập trung đầu tư, nhiều cơ chế chính sách đột phá được mạnh dạng áp dụng để tạo động lực phát triển. Cụ thể Khánh Hòa là tỉnh tiên phong thực hiện giải pháp huy động vốn bằng hình thức BT, BOT… ; áp dụng cơ chế bất động sản du lịch cùng với những hỗ trợ đất đai, đền bù giải tỏa… đã thu hút mạnh mẽ được sự tham gia của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, các dự án kinh doanh du lịch quy mô lớn.
Ông Trung cho biết để gia tăng sức hút đối với du khách, Khánh Hòa đã tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; khuyến khích đầu tư các sản phẩm dịch vụ du lịch mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm. Nghiên cứu đổi mới các hoạt động xúc tiến tại các thị trường khách trọng điểm của Khánh Hòa; tập trung giải pháp phục hồi khai thác các thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống bị giảm sút. Tạo đột phát trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ nhân sự quản lý, nhân viên phục vụ tại các cơ sở lưu trú, các công ty lữ hành… Nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch trong tỉnh; có kế hoạch gắn kết hợp lý việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, số lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới. “Mới đây, ngày 24/7/2017, Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng đã ban hành Chương trình hành động số 14-Ctr/TU thực hiện Nghị Quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện tỉnh Khánh Hòa đang triển khai xây dựng mới Quy hoạch phát triển Du lịch đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 theo hướng bền vững, từng bước đưa Khánh Hòa trở thành trung tâm du lịch của cả nước” – ông Trung thông tin.
Những năm qua, hoạt động du lịch Khánh Hòa luôn đạt mức tăng trưởng ấn tượng, các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra đều tăng bình quân từ 15 – 20%. Năm 2016, doanh thu du lịch địa phương đạt 8.378 tỷ đồng, tăng 19,97% so với 2015; tổng lượt khách đạt 4,52 triệu, tăng 10,28%; trong đó khách quốc tế đạt 1,17 triệu lượt, tăng 21%. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách đến Khánh Hòa ước đạt 2,5 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó khách quốc tế ước đạt 930.000 lượt, tăng 77 %); doanh thu du lịch 6 ước đạt 7.500 tỷ đồng, tăng gần 31%. |
Công Luận