(VHDN) – Trong lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) diễn ra ngày 27/4 vừa qua do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố. Hải Phòng bứt tốc lên vị trí thứ hai, đạt vị trí cao nhất từ trước đến nay nhờ những cố gắng trong thuận lợi hóa môi trường kinh doanh tại địa phương.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Lê Văn Thành cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố tới dự Lễ cắt băng và khánh thành cầu Rào
Sự bứt phá ngoạn mục của Hải Phòng là thành quả đến từ rất nhiều nỗ lực của thành phố, là sự đoàn kết của toàn thể chính quyền và nhân dân nhằm phát huy được nguồn “sức mạnh nội sinh” một cách hiệu quả. Diễn đàn Doanh nghiệp-Kỳ Văn hóa Doanh nhân đã có cuộc trao đổi với Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng để biết rõ hơn về những thành quả, chính sách và những giải pháp mà thành phố đã áp dụng thành công trong thời gian qua cũng như phương hướng hoạt động trong thời gian tới.
PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về các thành tựu mà thành phố đạt được trong năm qua?
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng
Ông Nguyễn Văn Tùng: Năm 2021, trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội. Kinh tế thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng, cao hơn mức bình quân chung cả nước và các tỉnh, thành phố khác:
– Theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê, Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố GRDP (giá so sánh năm 2010) ước tăng 12,38%, đứng đầu cả nước và gấp gần 5 lần bình quân chung cả nước (GDP cả nước tăng 2,58%).
– Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 18,15% so với cùng kỳ năm trước, gấp 3,78 lần mức tăng chung của cả nước (4,8%). Trong bối cảnh một số địa phương giảm rất sâu thì chỉ số IIP của Hải Phòng tiếp tục duy trì ổn định, tăng trưởng, đây cũng là mức tăng trưởng thuộc tốp cao trong các tỉnh, thành phố.
– Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 95.680 tỷ đồng, tăng trên 13% so với năm 2020, vượt trên 24% so với dự toán Trung ương giao và vượt 6,9% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt trên 57.888 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm 2020, vượt trên 16,9% dự toán Trung ương giao, tăng 9,2% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao; thu nội địa đạt trên 36.642 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm 2020, vượt trên 39,4% dự toán Trung ương giao và vượt 4,7% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao.
– Kim ngạch xuất khẩu đạt 25,77 tỷ USD, tăng 25,84% so với cùng kỳ, bằng 115,56% kế hoạch năm.
– Đặc biệt thu hút đầu tư nước ngoài đạt 5,3 tỷ USD, gấp 3,25 lần so với cùng kỳ, dẫn đầu cả nước.
– Thành phố đã tổ chức khởi công, khánh thành nhiều công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực giao thông, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và tạo điều kiện cho nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội của thành phố phát triển.
Hoàn thành, đưa vào khai thác trục đường Hồ Sen – Cầu Rào 2 đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Văn Linh đến đường Tô Hiệu; cầu Dinh; cầu Quang Thanh; tuyến đường nối từ nút giao Nam cầu Bính đến Ngã 4 đường Tôn Đức Thắng – Máng Nước – Quốc lộ 5; mở rộng đường xuyên đảo Cát Hải (Cái Viềng – Mốc Trắng); cải tạo, nâng cấp đường 356 (đoạn từ ngã ba Hiền Hào đến ngã ba Áng Sỏi, huyện Cát Hải).
Khởi công các dự án, công trình như Trung tâm Hành chính – Chính trị quận Ngô Quyền; xây dựng 3 tòa nhà hỗn hợp Hoang Huy Commerce tại phường Kênh Dương và phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền; tuyến đường từ đường bộ ven biển (Km1+00) đến Ngã Ba Vạn Bún (đường Lý Thái Tổ), quận Đồ Sơn.
Nổi bật trong năm 2021, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các sở, ban, ngành thành phố, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, thành phố Hải Phòng đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Nghị quyết sẽ là công cụ pháp luật quan trọng để Hải Phòng phát triển bứt phá và trở thành động lực tăng trưởng của cả nước.
Hải Phòng phát huy sức mạnh nội sinh – Ảnh Vũ Dũng
PV: Theo ông thì yếu tố cốt lõi nào quyết định đến việc Hải Phòng đạt được những thành tựu đó?
Ông Nguyễn Văn Tùng: Cần phải khẳng định rằng những thành tựu trên là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, đồng thuận, ủng hộ của nhân dân thành phố.
Hải Phòng xác định kiểm soát tốt dịch bệnh là nền tảng để khôi phục, phát triển kinh tế. Toàn hệ thống chính trị thành phố đã tập trung cao độ, tổ chức thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố tiếp tục đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện; luôn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cùng với đó, thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là “vốn mồi” lan tỏa động lực cho các lĩnh vực phục hồi và phát triển, đồng thời tiếp tục triển khai nhiều dự án hạ tầng quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, Thành phố luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, nhất là trong quá trình xây dựng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Cầu Hoàng Văn Thụ – Ảnh Đỗ Trọng Luân
PV: Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế của đất nước. Hải Phòng không nằm ngoài những khó khăn chung đó. Xin ông cho biết những biện pháp được Hải Phòng áp dụng để không những vượt qua khó khăn mà còn đạt được sự tăng trưởng ấn tượng về kinh tế?
Ông Nguyễn Văn Tùng: Hải Phòng được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch, và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngay trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Những biện pháp mà Hải Phòng áp dụng hiệu quả trong thời gian qua:
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, sáng tạo, linh hoạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới:
– Thành phố đã ban hành quy định chính sách đặc thù trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
– Tập trung triển khai thần tốc tiêm vắc xin phòng Covid-19 với tinh thần “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”. Hiện Thành phố đã cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người trên 18 tuổi và cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, đang triển khai tiêm liều vắc xin bổ sung, nhắc lại và tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
- Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh:
– Thành phố lần đầu tiên triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương (DDCI), là cơ sở để thúc đẩy sự cạnh tranh, thi đua, đồng thời phân tích, nghiên cứu khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng công tác điều hành kinh tế của các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện.
– Thành lập Tổ công tác giải quyết trình tự, thủ tục các dự án phát triển du lịch trên địa bàn thành phố; Tổ công tác đặc biệt của Ủy ban nhân dân thành phố về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân vị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
– Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế thành phố đã ký kết Quy chế phối hợp về việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cấp mã số thuế liên thông giữa các đơn vị, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
Trong năm 2021 đã có 3.023 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 30.633,762 tỷ đồng, tăng 3,99% về số doanh nghiệp và tăng 8,19% về số vốn so với cùng kỳ; có 1.659 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thành lập mới, tăng 7,31% so với cùng kỳ.
– Công tác xúc tiến đầu tư được triển khai thực hiện chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới, đa dạng; việc tiếp đón, cung cấp thông tin về môi trường đầu tư được thực hiện thông qua nhiều hình thức như trực tiếp, trực tuyến, đăng tải thông tin trên các cổng thông tin điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng. Năm 2021, Hải Phòng là địa phương có lượng vốn FDI đứng đầu cả nước. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc vốn FDI vẫn tiếp tục chảy vào Hải Phòng cho thấy môi trường đầu tư của Hải Phòng được đánh giá cao về độ an toàn và ổn định.
Nhờ vậy, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của Hải Phòng đã vượt lên xếp vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố, đạt 70,61 điểm, tăng 05 bậc xếp hạng và 1,34 điểm so với năm 2020.
- Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là “vốn mồi” lan tỏa động lực cho các lĩnh vực phục hồi và phát triển, đồng thời tiếp tục triển khai nhiều dự án hạ tầng quan trọng, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Trong năm 2021, Thành phố đã giải ngân kế hoạch vốn năm là 14.482,955 tỷ đồng, đạt 196,6% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (7.338,041 tỷ đồng) và 90,8% so với kế hoạch vốn Ủy ban nhân dân thành phố giao (15.878,955 tỷ đồng), là 1 trong 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch.
Cầu Rào ngày Thông xe. Ảnh Vũ Dũng
PV: Theo ông, lĩnh vực nào được xác định là thế mạnh của kinh tế Hải Phòng? Cần phải có những quan tâm, hành lang pháp lý gì để phát huy được sức mạnh tiềm năng của những ngành mũi nhọn đó?
Ông Nguyễn Văn Tùng: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã xác định 03 trụ cột kinh tế của thành phố gồm: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại.
Đối với công nghiệp công nghệ cao: Thành phố tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn như: công nghiệp ô tô, chế tạo máy, điện tử tin học và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao… Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp công nghệ cao. Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 07/4/2022 về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đối với cảng biển – logistics: Tập trung phát triển, hiện đại hóa cảng biển, dịch vụ logistics. Khởi công dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4, 5, 6 thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Rà soát quy hoạch, thực hiện di dời, sắp xếp lại các bến cảng cũ, thu hút các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực để đẩy nhanh đầu tư mới các khu, cụm cảng, đặc biệt là cảng tổng hợp quốc tế Nam Đồ Sơn.
Để đáp ứng nhu cầu giao thông, vận tải hàng hóa từ các bến cảng biển khu vực Lạch Huyện, cần đầu tư hệ thống giao thông đường bộ phía sau các bến cảng khu vực Lạch Huyện và Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2, trước mắt tập trung đầu tư đoạn đường từ bến cảng số 2 đến bến cảng số 6; kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà ga hàng hóa, trung tâm logistics phục vụ hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Cầu Tân Vũ Lạch Huyện – Cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á
Đối với du lịch – thương mại: Thực hiện hiệu quả Kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch Hải Phòng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Mở rộng phạm vi, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển mạnh các loại hình, sản phẩm du lịch, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển 03 sản phẩm du lịch cốt lõi: du lịch biển đảo, du lịch thể thao và du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong năm 2022, tập trung khởi công, đẩy nhanh tiến độ một số dự án phát triển du lịch như: Dự án xây dựng tuyến cáp treo Cát Hải đến Cát Bà, dự án Cát Bà Amatina (khu đô thị Cái Giá) của Vinaconex, tổ hợp khách sạn Khu du lịch Đồi Rồng, dự án khu đô thị dịch vụ du lịch khoáng nóng Xuân Đám; sân golf Đồ Sơn, Xuân Đám…
Đồng thời, phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức quảng bá du lịch, trao đổi thông tin, xúc tiến điểm đến, những nét đặc trưng chung của 2 địa phương, nhất là quảng bá giá trị nổi bật của Khu dự trữ sinh quyển thế giới – Di tích quốc gia đặc biệt, danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà và Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long – Cát Bà.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Thành phố đang tiến hành nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do tại Hải Phòng để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ theo quy định. Việc đề xuất cho phép nghiên cứu, xây dựng Khu thương mai tự do tại thành phố Hải Phòng không chỉ phù hợp với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố trong giai đoạn mới, mà còn là yêu cầu được Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra với thành phố là phải đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phải trở thành một động lực tăng trưởng của vùng và của cả nước; phải trở thành phố cảng biển lớn, mở cửa ra bên ngoài, “ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á”.
Bên cạnh đó, Thành phố đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, coi đây là “chìa khóa” để thích ứng và vượt qua thách thức do dịch Covid-19.
PV: Mục tiêu mà Hải Phòng đặt ra trong năm 2022 là gì và có điểm nhấn nào khác biệt không, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tùng: Kế thừa những thành tựu của năm 2021, trong năm 2022 Thành phố đặt mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe Nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 03 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại, phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 13% trở lên, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 19 – 20%, sản lượng hàng qua cảng đạt 168 triệu tấn, thu hút trên 4,5 triệu lượt khách du lịch.
Điện Gió – Đình Vũ, Cát Hải
Thành phố đã xác định Chủ đề năm 2022 “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị – Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu – Thực hiện chuyển đổi số”. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 03 về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án thực hiện một số nội dung để xây dựng Chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025. Theo đó, thành phố xác định chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp, phấn đấu trở thành địa phương dẫn đầu trong top thành phố số của Việt Nam.
Hải Phòng – Trung tâm y tế của vùng Duyên Hải
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là nền tảng để phát triển thành phố thông minh nên Hải Phòng đã dành nguồn lực đáng kể để đẩy mạnh chuyển đổi số: trong năm 2022 đầu tư khoảng 300 tỷ đồng để xây dựng cơ sở dữ liệu, dự kiến cả nhiệm kỳ 2021-2025 sẽ chi từ nguồn ngân sách thành phố khoảng 3.000 tỷ đồng và huy động nguồn lực từ doanh nghiệp và người dân khoảng 12.000 tỷ đồng. Thành phố sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào thành phố.
Xin trân trọng cảm ơn Ông!
Khu công nghiệp Nam Đình Vũ
Khôi Mai