VHDN – Nhận thức rõ, một số nội dung trong chương trình nông thôn mới có liên quan đến hoạt động của Tập đoàn Lộc Trời, bao gồm: (i) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao; (ii) Tăng cường công tác khuyến nông; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp; (iii) Phát triển kinh tế hộ, trang trại, hợp tác xã; (iv) Tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Xây dựng các điểm thu gom, xử lý rác thải ở các xã. Vì vậy, Vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nông thôn mới tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long được thể hiện trên các mặt:
Về nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất lúa gạo, lai tạo chọn lọc ra các giống lúa mới. Trước đây Tập đoàn lệ thuộc hoàn toàn vào các giống OM của Viện lúa đồng bằng sông Cửu long. Tuy nhiên hiện nay đội ngũ các nhà khoa học của Lộc Trời đã lai tạo chọn lọc thành công các giống lúa mới chất lượng cao phục vụ sản xuất. Năm giống đã được công nhận chính thức là Lộc Trời 1, Lộc Trời 2, Lộc Trời 3, Lộc Trời 4, Lộc Trời 5. Trong đó giống Lộc Trời 1 được sử dụng để sản suất ra gạo Hạt Ngọc Trời Thiên Long, đạt Top 3 gạo ngon nhất thế giới tổ chức tại Malaysia năm 2015. Một giống được công nhận cho sản xuất thử là giống Lộc Trời 88. Riêng giống Lộc Trời 88 luân canh trên vùng lúa – tôm rất phù hợp vì giống này chống chịu mặn tốt, gạo rất ngon với chỉ số đường huyết (GI) rất thấp được sử dụng để sản xuất ra gạo mầm Vibigaba.
Gần đây Lộc Trời có giống Lộc Trời 28, gạo và cơm ngon hơn giống nổi tiếng Hom Mali của Thái lan trong cuộc đấu xảo liên lục địa tổ chức từ 23 – 27/11/2018 tại Trung quốc. Bên cạnh lai tạo giống lúa mới, việc nhân giống ra khối lượng lớn phục vụ đại trà cũng là một ưu điểm trong thành tựu của Lộc Trời. Hàng năm, khoảng 50.000 tấn giống lúa cấp nguyên chủng và xác nhận được cung cấp cho nông dân trong vùng nguyên liệu của Tập đoàn và cho quảng đại rộng rãi nông dân trồng lúa.
Chân dung chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn
Bên cạnh phân bón hóa học, Lộc Trời cũng đã phát triển các sản phẩm hữu cơ cao cấp được chứng nhận theo tiêu chuẩn EU như: Phân bón hữu cơ chuyên dụng giàu kali Hi- Potassium C30; phân bón hữu cơ trung lượng Silimax; phân bón hữu cơ trung vi lượng DS Gold; phân hữu cơ giàu amino acid Rootwell; phân bón cải tạo đất từ vi sinh Rhizomix.
Tập đoàn cũng có nhà máy phân hữu cơ Ân Thịnh Điền đặt tại Hậu giang chuyên sản xuất ra các loại phân hữu cơ khoáng với tên gọi là Vian, cung cấp cho từng đối tương khác nhau như lúa, cây ăn trái, rau dưa. Phân hữu cơ Vian được sản xuất công nghiệp bằng công nghệ ATDA (Auto Thermal Aerobic Digestion) nhập từ Anh quốc. Hiện nay Lộc Trời đang có một chương trình hợp tác 2 năm (2020 – 2021) với Cục bảo vệ thực vật về việc thay thế một phần phân hóa học bằng phân hữu cơ trên lúa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
Bên cạnh các thuốc bảo vệ thực vật hóa học, Lộc Trời còn chú trọng đến nghiên cứu phát triển các sản phẩm sinh học cho bảo vệ thực vật. Các sản phẩm của Tập đoàn đã được công nhận chính thức cho sử dụng bao gồm: Trico DHCT; Trico DHCT – Phytoph; Trico DHCT Nấm hồng; Trico DHCT Lúa von.
Một tiến bộ kỹ thuật của Viện lúa quốc tế IRRI có giá trị phổ quát ở nhiều vùng trồng lúa trên thế giới cũng đã được Tập đoàn Lộc Trời ứng dụng trên vùng nguyên liệu của mình, đó là tưới nước luân phiên xen kẽ giữa ướt và khô (AWD) giúp giảm chi phí tưới nước, giảm phát thải khí nhà kính methane , giúp rể lúa phát triển mạnh bám sâu vào đất giảm đổ ngã, giảm thất thoát trong và sau thu hoạch .
Về tổ chức liên kết giữa nông dân và Tập đoàn Lộc Trời, trong lịch sử, Việt nam đã từng tổ chức hợp tác hóa nông nghiệp bắt buộc dẫn đến năng suất lao động thấp và thất bại. Tuy nhiên hiện nay với nền nông nghiệp tiểu điền, mỗi nông dân cá thể với mãnh đất nhỏ, tự quyết định trồng giống gì và kỹ thuật như thế nào nên sản phẩm làm ra không đồng nhất, khối lượng không lớn, giá trị không cao. Bên cạnh việc ký kết hợp đồng trực tiếp với nông dân cá thể, Tập đoàn đã và đang vận động nông dân làm ăn tập thể. Khi nông dân được tổ chức trong các tập thể thì việc chuyển giao khoa học kỹ thuật dễ dàng hơn, nông dân làm thống nhất đồng loạt theo qui trình của Tập đoàn nên chất lượng hàng hóa đồng nhất và có khối lượng lớn.
Về chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường, khởi điểm từ vụ Đông Xuân 2012 – 2013, chương trình do Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, 22 chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật phía Nam, kết hợp cùng Tập đoàn Lộc Trời đã thực hiện tại các xã nông thôn mới. Trải qua 5 năm của giai đoạn I (2012 – 2017), chương trình đã đạt được rất nhiều thành công trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn nông dân từ khâu sử dụng nông dược an toàn hiệu quả cho đến khâu tiêu hủy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đồng thời thông qua các mô hình ruộng lúa bờ hoa để thu hút thiên địch, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, tạo cảnh quan tươi đẹp ở nông thôn. Trong giai đoạn I có 18 đơn vị tham gia, đến giai đoạn II (2017 – 2022) đã có tổng cộng 50 đơn vị tham gia. Qua 7 năm, chương trình đã đào tạo được 531 giảng viên, tổ chức 16.366 cuộc hội thảo với 658.585 nông dân tham dự tại 22 tỉnh thành. Đã xây dựng 167 mô hình tại 22 tỉnh thành trên các loài cây: Lúa, măng tây, thanh long, bưởi da xanh, xoài, vú sữa, nhãn, mãng cầu ta, mãng cầu xiêm, hồ tiêu, khoai lang, hành tím. Trên diện tích đạt 8.290ha với sự tham gia trực tiếp của 7.713 hộ nông dân. Có 756 hố chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã được xây dựng, thu gom được 60.762 kg bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng và đã thiêu hủy đúng qui trình tại nhà máy Insee Ecocycle Viet Nam.
Về sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP, bắt đầu từ năm 2016, Tập đoàn đã tiến thêm một bước mới bằng cách tham gia vào Diễn đàn quốc tế sản xuất lúa gạo bền vững SRP (Sustainable Rice Platform – www.sustainablerice.org). SRP là tổ chức được đồng sáng lập bởi Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) vào tháng 12 năm 2011. Đây là một diễn đàn đa đối tác toàn cầu bao gồm các cơ quan Chính phủ, các đơn vị thuộc khu vực tư nhân, viện nghiên cứu và các tổ chức phi lợi nhuận. Liên minh này thúc đẩy gắn kết giữa nghiên cứu, sản xuất, cơ chế chính sách, buôn bán và tiêu dùng nhằm mục đích sản xuất lúa gạo bền vững, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Số thành viên tính đến nay là trên 90. Có hai đơn vị Việt Nam tham gia SRP là Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tập đoàn Lộc Trời. Bộ tiêu chí SRP gồm 8 vấn đề và 46 tiêu chí. Mỗi tiêu chí được hưởng 1 trong các mức điểm như sau: 0-1-2 hoặc 3 tùy theo mức độ tuân thủ các tiêu chí của nông dân. Điểm được chấm sau mỗi một vụ lúa trên từng hộ nông dân.
Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Tập đoàn Lộc Trời ký kết hợp tác chiến lược phát triển bền vững giống lúa và thương hiệu gạo Việt Nam
Để khuyến khích nông dân tuân thủ thực hiện các tiêu chí theo SRP, Tập đoàn Lộc trời đã có chủ trương khuyến khích bằng cách thưởng thêm tiền đối với những nông dân trồng lúa có điểm SRP cao. Mức thưởng là nếu điểm SRP trên 85 thì được thưởng thêm 50 đồng/1 kg lúa; 90 điểm là 100 đồng; 95 điểm là 200 đồng và 98 điểm là 300 đồng. Chủ trương này được áp dụng kể từ vụ Đông Xuân 2018 – 2019. Tổng số tiền thưởng dành cho năm 2019 là 3 tỷ đồng. Trong vụ Đông Xuân 2018 – 2019, tổng cộng có 254 nông dân trong 5 vùng nguyên liệu được thưởng theo điểm SRP. Có 231 nông dân đạt từ 85 – 90 điểm, được thưởng 50 đồng/1 kg lúa tươi. Có 23 nông dân đạt từ 90 – 95 điểm được thưởng 100 đồng /kg. Tổng số tiền thưởng đã chi trong vụ Đông Xuân 2018 – 2019 là 366.245.350 đồng.
Về hiệu quả kinh tế trồng lúa theo hướng áp dụng công nghệ cao, trồng lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận, gia tăng thu nhập gia đình góp phần để đạt được tiêu chuẩn kinh tế trong chương trình nông thôn mới. Trong năm 2015, tổng diện tích gieo trồng vùng nguyên liệu lúa gạo của Tập đoàn đạt mức 92.000ha. Kể từ vụ Hè Thu 2014, vùng nguyên liệu tại huyện Thoại Sơn được thí điểm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Tổng diện tích gieo trồng lũy kế qua 9 vụ trồng lúa theo hướng công nghệ cao từ năm 2014 đến năm 2017 là 1.748,5ha. Nông dân trồng lúa theo hướng công nghệ cao là nông dân trong mô hình được so sánh với nông dân trồng lúa truyền thống bên ngoài mô hình. Tập đoàn Lộc Trời mua lúa chất lượng cao canh tác theo hướng công nghệ cao với giá cao hơn lúa trồng theo tập quán phổ biến.
Quang Hiệp