Tin tức VCCI

Tháo gỡ “điểm nghẽn” để ngành in phát triển

3:41 sáng | 25/08/2017
VCCI nhận định, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 60/2014/NĐ-CP về hoạt động in cơ bản đã sửa đổi theo hướng tích cực và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn cần rà soát và bãi bỏ các quy định có tính chất hạn chế quyền tự do kinh doanh.
 

Nhiều quy định tại dự thảo về hoạt động in đang bị “thừa” và hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp

Trả lời Công văn số 1553/BTTTT-CXBIPH của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 08/5/2017 về việc đề nghị góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in, VCCI đã có những kiến nghị liên quan đến một số tồn tại trong quy định có tính chất hạn chế quyền tự do kinh doanh, thủ tục đăng ký hoạt động cơ sở in thiếu minh bạch và nội dung nhiều biểu mẫu trong dự thảo đang bị “thừa”.

Nhiều quy định hạn chế quyền tự do kinh doanh 

VCCI kiến nghị, bỏ điều kiện đối với người đứng đầu cơ sở in “có trình độ cao đẳng trở lên về ngành in hoặc được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in” tại điểm e khoản 1 Điều 11 Nghị định 60. Theo đó nội dung của Nghị định này cần được rà soát và bãi bỏ các quy định có tính chất hạn chế quyền tự do kinh doanh.

Về điều kiện người đứng đầu cơ sở in, theo quy định tại khoản 9 Điều 1 dự thảo thì người đứng đầu cơ sở in loại sản phẩm (báo, tạp chí, các ấn phẩm báo chí khác theo quy định của pháp luật về báo chí; tem chống giả) phải có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in hoặc Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in.

 Như vậy, so với Nghị định 60, dự thảo đã bỏ điều kiện người đứng đầu ngành in đối với các cơ sở in loại sản phẩm mẫu biểu giấy tờ do cơ quan nhà nước ban hành; hoá đơn tài chính, các loại thẻ,giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá (không bao gồm tiền).

 VCCI nhận định, điều này đồng nghĩa với việc, tất cả các quy định liên quan đến điều kiện người đứng đầu ngành in đều phải được bãi bỏ. Nhưng hiện tại dự thảo mới chỉ bãi bỏ một số mà không phải tất cả là chưa thực hiện triệt để theo nội dung của Nghị quyết 19. Và việc giữ yêu cầu trình độ, chứng chỉ của người đứng đầu đối với in hai loại sản phẩm trên (vì các sản phẩm này có ảnh hưởng đến văn hoá, tư tưởng, an ninh quốc phòng) là chưa hợp lý, ít nhất ở các góc độ: các sản phẩm báo chí, tem chống giả khi được đặt in phải có các giấy tờ kèm theo (bản sao có chứng thực giấy phép hoạt động báo chí đối với sản phẩm in là báo, tạp chí; bản sao có chứng thực giấy phép xuất bản bản tin đối với sản phẩm in là bản tin và các ấn phẩm báo chí khác; đối với tem chống giả do cơ quan nhà nước ban hành phải có bản sao, có chứng thực quyết định ban hành mẫu tem chống giả.

 Về các loại giấy tờ này VCCI đánh giá, các sản phẩm trước khi đặt in đã được kiểm soát về tính hợp pháp, phù hợp của nội dung sản phẩm in. Do đó, yêu cầu cơ sở in/người đứng đầu in phải kiểm soát nội dung của các sản phẩm in này là không cần thiết và chưa phù hợp.

Ngoài ra, VCCI cũng cho biết đã ghi nhận nhiều ý kiến từ Hiệp hội và doanh nghiệp đánh giá rằng việc tập huấn và cấp chứng chỉ cho người đứng đầu cơ sở in trong thời gian qua chỉ đơn thuần là cập nhật các quy định của pháp luật chứchưa mang lại lợi ích cho việc điều hành hoặc kiểm soát hoạt động của cơ sở in.

Nên bỏ hoàn toàn yêu cầu giấy phép nhập khẩu thiết bị in

Hiện nay, dự thảo đã bỏ yêu cầu cấp phép nhập khẩu đối với các thiết bị gia công in, tuy nhiên theo VCCI cho rằng dự thảo nên mở rộng xem xét về việc bỏ toàn bộ giấy phép liên quan đến nội dung này. Theo đó, tại Điều 27 Nghị định 60 xác định các loại thiết bị in phải được cấp phép nhập khẩu nhưng lại không quy định về tiêu chí cấp phép đối với các loại máy móc này.

VCCI đánh giá nếu dự thảo đề xuất chính sách đối với hoạt động máy móc thiết bị in như nêu trên là chưa rõ ràng. Ngoài ra, VCCI cũng nhấn mạnh, cần phải đánh giá một cách cẩn trọng về tác động của việc thay đổi phương thức quản lý đối với hoạt động nhập khẩu thiết bị in, giữa mục tiêu quản lý và chi phí xã hội phải bỏ ra đặc biệt là những rào cản về thủ tục hành chính mà doanh nghiệp đang phải thực hiện để nhận diện tính hợp lý của chính sách này. 

Bởi, thời điểm Nghị định 60 chưa có hiệu lực (1/11/2014) việc nhập khẩu thiết bị in là tự do, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và góp phần tăng trưởng ngành in. Đây là một ngành công nghiệp hỗ trợ hiếm hoi ở Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Một trong những nội dung hạn chế của Nghị định 60 nữa đó là quy định về các đối tượng được nhập khẩu thiết bị in. VCCI nhận định, hiện nay, theo Khoản 2 Điều 27 của Nghị định này vẫn xác định đối tượng được nhập khẩu thiết bị in dựa vào chức năng, ngành nghề kinh doanh là chưa phù hợp với tinh thần của Luật doanh nghiệp 2014 . Bởi nếu chiếu theo Luật này, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành nghề kinh doanh. Theo đó, hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh không còn đặt ra yêu cầu về việc xem xét ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp theo giấy phép kinh doanh mà theo tinh thần “doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm”. 

VCCI cho biết thêm, nếu dự thảo đóng khung các đối tượng được cấp phép nhập khẩu thiết bị như hiện nay là đã hạn chế hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (không thuộc đối tượng trên), trong khi cơ chế quản lý hiện tại của hoạt động in đang được kiểm soát khá chặt chẽ từ chủ thể in đến sản phẩm in. Do đó, giới hạn hay kiểm soát chặt chủ thể nhập khẩu in là quá mức cần thiết, nên VCCI kiến nghị bỏ quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 60.

Theo vcci.com.vn