Tin nổi bật

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch FIATA

7:39 sáng | 24/07/2024

Chủ tịch FIATA Turgut Erkeskin khẳng định Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm logistics của khu vực, đề xuất hỗ trợ phát triển ngành này.

Tại cuộc gặp của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 9/7, Chủ tịch Liên đoàn các hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) Turgut Erkeskin nhấn mạnh vai trò quan trọng của logistics trong bối cảnh hiện nay và đề nghị Chính phủ Việt Nam ủng hộ tổ chức thành công Đại hội thế giới FIATA năm 2025 tại Hà Nội với chủ đề chính “Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Liên đoàn các hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) Turgut Erkeskin

Ông đánh giá cao Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến 2045, đặc biệt là các cam kết về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chủ tịch FIATA khẳng định Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới, cần huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển ngành này.

Được biết, FIATA được thành lập ngày 31/5/1926, là một tổ chức phi chính phủ, có tư cách thành viên đại diện cho các nhà giao nhận vận tải, logistics ở khoảng 150 quốc gia.

Thành viên của FIATA bao gồm 113 thành viên hiệp hội và hơn 5.500 thành viên cá nhân, đại diện tổng thể cho một ngành gồm 40.000 công ty giao nhận và logistics trên toàn thế giới. Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) là thành viên chính thức của FIATA, đại diện cho ngành dịch vụ logistics Việt Nam từ tháng 5/1994.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét thành lập cơ quan chỉ đạo về dịch vụ logistics với bộ máy chuyên môn đủ mạnh để giúp Chính phủ phát triển lĩnh vực này.

Ông đề nghị FIATA hỗ trợ phát triển nhân lực cho ngành logistics Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp.

Đồng thời hỗ trợ tư vấn và chia sẻ thông tin về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đồng thời chú trọng phát triển logistics nông, công nghiệp và đội tàu biển Việt Nam.

Chính phủ cam kết đồng hành cùng các đối tác trong và ngoài nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và dịch vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực logistics.

Hiện tốc độ tăng trưởng logistics của Việt Nam đạt trung bình 14 – 16% mỗi năm. Ngành này đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, đạt gần 700 tỷ USD trong năm 2023.

Trong nửa đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 370 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và xuất siêu 11,63 tỷ USD. Chính phủ Việt Nam đang triển khai xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics thời kỳ 2025 – 2035, tầm nhìn đến 2045.

Để thực hiện chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó dịch vụ logistics là một trong 18 chủ đề trọng tâm của kế hoạch.

Trong những năm qua, Việt Nam đang trở thành tâm điểm thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Đáng chú ý, ngành logistics được các chuyên gia kinh tế đánh giá là điểm sáng với khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước, khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Việt Nam.

Với những con số trên, các chuyên gia dự báo thời gian tới, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa ngành logistics nhờ các đặc điểm địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ và hàng loạt chính sách thúc đẩy đầu tư từ Chính phủ.

Tại toạ đàm “Phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh và công bố FIATA World Congress 2025” do Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và VCCI phối hợp tổ chức ngày 9/7, Chủ tịch FIATA Turgut Erkeskin cho biết thêm: chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn, xanh hơn là mục tiêu quan trọng mà FIATA đang hướng đến.

Ông Erkeskin cũng chỉ ra thách thức khi di chuyển hàng hóa qua các quy trình hải quan khác nhau giữa các quốc gia. Nếu có thể dùng số hóa để giải quyết vấn đề này, đó sẽ là một ý tưởng tuyệt vời.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho biết chuyển đổi xanh với ngành logistics cần hướng tới việc chuyển đổi năng lượng cho các phương tiện sử dụng năng lượng.

Hiện nay, các phương tiện vận tải hành khách cỡ nhỏ đã bước đầu chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, nhưng các phương tiện vận tải hàng hóa, vận tải lớn vẫn chưa chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Các doanh nghiệp có thể tìm cách tiết kiệm năng lượng trong quá trình hoạt động như sử dụng các phương tiện có hiệu suất cao hơn.

VHDN