VHDN – Từ mô hình quản trị độc lập sang tập trung, từ giải quyết thách thức nội bộ tập trung vào hệ thống, quy trình, công nghệ, hệ thống kiểm soát…sang tiếp cận bằng văn hoá, TNG đã định hình nền tảng văn hoá doanh nghiệp với tên gọi “văn hoá 5568”, giúp TNG tái cấu trúc thành công doanh nghiệp.
Văn hoá – la bàn định hướng phát triển
Theo cánh nhìn nhận của lãnh đạo Công ty Cổ phần và Thương mại TNG (TNG), một khi khởi đầu bằng văn hoá doanh nghiệp, nó sẽ tạo ra một ngôn ngữ đặc trưng, ngôn ngữ này đóng vai trò là la bàn định hướng cho các quyết định và cách thức giải quyết vấn đề để tạo ra những thay đổi cho doanh nghiệp.
Thay vì thực hiện mô hình quản trị từ các công ty con hoạt động độc lập, TNG đã chuyển sang mô hình tập trung. Đối với các thách thức nội bộ, TNG cũng chọn hướng tiếp cận bằng văn hoá thay vì tập trung vào hệ thống, quy trình, ứng dụng công nghệ, hệ thống kiểm soát, KPIs…Cách tiếp cận này đã giúp TNG tạo ra chất kết dính – một trong những nấc thang đầu tiên để TNG tái cấu trúc doanh nghiệp thành công.
Kết quả của cách tiếp cận này đã cho ra đời nét văn hoá đặc trưng của TNG với tên gọi “văn hoá 5568”. Văn hoá này hiện đã được áp dụng rộng rải trong toàn bộ hệ thống của TNG.
“Văn hoá 5568” không chỉ là một con số đơn thuần, nó đại diện cho 5 giá trị cốt lõi, 5 loại hình văn hoá, 6 hành vi lãnh đạo và 8 nguyên tắc tối thượng. Đây cũng là văn hoá tạo nên sự khác biệt của TNG.
Kể từ thời điểm áp dụng “văn hoá 5568”, TNG đã chứng kiến những thay đổi tích cực. Nhân viên chủ động hơn trong công việc, họ thay đổi tư duy và cách thức làm việc. Bất chấp thế hệ và tuổi tác, tất cả đều nói chung một ngôn ngữ nhờ sợi dây văn hoá. Chính ngôn ngữ này đã tạo ra một diện mạo mới cho TNG và đã đi vào cuộc sống của hàng nghìn nhân viên tại tập đoàn này.
Sau hơn 5 năm, văn hoá doanh nghiệp đã trở thành trợ thủ đắc lực đóng góp lớn vào thành công của TNG. Một mặt giúp lãnh đạo TNG phát huy tình thần “làm gương”, mặt khác truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho tất cả cán bộ nhân viên.
Gia tăng trải nghiệm nhân sự
Xác định văn hoá là một công cụ quản trị hiện đại, TNG tập trung đầu tư các điểm chạm văn hoá nhằm gia tăng trải nghiệm cho nhân viên. Để thực hiện việc này, TNG tiến hành nâng cấp phiên bản mã gene văn hoá, tạo nguồn năng lượng mới thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh hơn nữa.
Đó cũng là lý do mà chuỗi 3 điểm chạm – 3 trụ cột văn hoá của TNG ra đời. Mục tiêu là đưa văn hoá đi vào suy nghĩ và tiến tới hành động cho từng cán bộ nhân viên. 3 trụ cột này bao gồm TNGenZ (điểm chạm văn hoá kinh doanh); TNGShare (hướng đến cộng đồng); TNGMei (ngày hội truyền thống, điểm chạm cảm xúc cho nhân viên).
Không dừng lại ở đó, hàng năm, các điểm chạm văn hoá được biến hoá theo các chủ đề riêng. Chẳng hạn, TNGMei 2021 là đại nhạc hội khơi nguồn cảm xúc bất tận, thì TNGMei 2022 là bùng nổ tương tác với chủ đề “Interact” lan tỏa tinh thần tương tác, gắn kết, trong khi đó TNGMei 2023 mang đến sự hứng khởi nhưng vẫn đong đầy cảm xúc để cùng nhau mở khóa phiên bản mã gen nâng cấp của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, TNG đã tiến hành nâng cấp mã gene văn hoá từ phiên bản 5568 thành phiên bản ROX, mã gene mới này mang các đặc tính Mạnh hơn – Gọn hơn – Nhạy hơn. Phiên bản mới ROX cũng giúp TNG củng cố sức mạnh nội bộ, phát huy nội lực mở ra giai đoạn phát triển mới.
Thay đổi nhân sự, kiên định giá trị
Ngay từ những ngày đầu thành lập, các nhà sáng lập Tập đoàn TNG đã xác định “kinh doanh kết hợp cải thiện đời sống cộng động và giải quyết các vấn đề xã hội” là triết lý kinh doanh của TNG.
Sau gần 3 thập kỷ, TNG luôn kiên định theo đuổi mục tiêu này. Dù chiến lược kinh doanh có thể thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn phát triển, nhân sự cũng có thể thay đổi theo để đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhưng TNH luôn kiên định giá trị đã đề ra: mang tới cuộc sống thuận ích cho xã hội.
Ông Đào Đức Thanh – Trưởng ban KTNB đại diện TNG nhận giải thưởng Top 100 Doanh nghiệp bền vững Việt Nam năm 2024.
Theo quan điểm của lãnh đạo TNG, cuộc sống thuận ích không thể tách rời các giá trị nhân văn bền vững như sản phẩm xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường…
Cách đây gần 15 năm, TNG đã ưu tiên phát triển các khu công nghiệp (KCN) xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Tập đoàn cũng đã và đang thúc đẩy phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái tại các KCN nhằm giảm thiểu phát thải Carbon.
Giá trị vì cộng động cũng được tập đoàn thể hiện thông qua việc tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo thông qua các dự án điện gió và điện mặt trời. TNG luôn giữ trong tâm mục tiêu phát triển bền vững lâu dài, mục tiêu này càng trở nên quan trọng khi tập đoàn đề ra tham vọng tăng trưởng mạnh mẽ. Sau gần 30 năm hoạt động, TNG đã biến phát triển bền vững thành lợi thế cạnh tranh của tập đoàn.
ĐỨC QUÂN
Với những nỗ lực đầu tư mạnh mẽ vào phát triển văn hoá doanh nghiệp, phát triển bền vững, TNG đã được vinh danh nhiều giải thưởng uy tín như “Nơi làm việc tốt nhất châu Á”; top 24 doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh tại Việt Nam năm 2022; giải thưởng uy tín Asia – Pacific Stevie Awards vinh danh ở hạng mục “Thành tựu về đổi mới nhân sự” nhờ sáng kiến “Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp trở thành sức mạnh để gắn kết nội bộ”. Và gần đây nhất là “Top 100 doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024” (CSI). Đây là lần thứ 8 TNG được vinh danh doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.