Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận ông Nguyễn Hoàng Tân chia sẻ với Tạp chí Văn hoá doanh nhân (VCCI) về kết quả trong công tác cải thiện môi trường đầu tư cũng như kỳ vọng của tỉnh trong việc cải thiện thứ hạng PCI.
* Xin ông cho biết nỗ lực và kết quả cụ thể của Bình Thuận trong công tác đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp?
Hiện công tác tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đều được thực hiện tại một đầu mối là Trung tâm Hành chính công. UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện cải cách TTHC, trước hết là cơ chế “một cửa liên thông”, loại bỏ các thủ tục chồng chéo, giải quyết công việc cho doanh nghiệp trên cơ sở nhanh, gọn và kịp thời.
Hiện 54% doanh nghiệp trên địa bàn không cần phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký, 60% doanh nghiệp đánh giá các bộ thân thiện, 42% đánh giá thủ tục đơn giản, 66% đánh giá công việc giải quyết hiệu quả.
Chúng tôi cũng bám sát Nghị quyết 19 và 35 của chính phủ về cải thiện tốt môi trường đầu tư và hỗ trợ sản xuất kinh doanh, công khai TTHC, rút ngắn thời gian đăng ký và cấp phép kinh doanh. Hiện thời gian đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn xuống còn 5 ngày, phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư còn 30 ngày.
Trong thời gian tới, Bình Thuận tập trung giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, kiến nghị Trung ương sửa đổi những bất cập về luật và nghị định nhằm giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…
* Quan điểm của Bình Thuận đối với các dự án chậm triển khai là như thế nào?
Chúng tôi coi trọng việc tìm hiểu nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc triển khai dự án không đúng như cam kết thông qua kênh đối thoại, tham mưu với UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để kịp triển khai dự án. Đối với nhà đầu tư không có năng lực thật sự, tỉnh sẽ xem xét thu hồi dự án nhằm tránh lãng phí quỹ đất.
Năm 2018, chúng tôi đã hỗ trợ 41 dự án khởi công xây dựng và đi vào hoạt động, thu hồi 39 dự án. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục rà sóat các dự án chậm triển khai, một mặt hỗ trợ những dự án chậm triển khai có lý do chính đáng, mặt khác kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư.
* Đánh giá của ông về kết quả PCI của Bình Thuận năm 2017 và kỳ vọng vào thứ hạng năm 2018 là như thế nào?
Năm 2017, Bình Thuận đứng thứ 24/63 tỉnh thành, tăng 8 bậc so với 2016, 7 tiêu chí tăng điểm cho thấy môi trường kinh doanh đã có chuyển biến tích cực. Chi phí không chính thức được cải thiện, duy trì môi trường kinh doanh bình đẳng. Doanh nghiệp cũng có tâm lý lạc quan về triển vọng và môi trường kinh doanh tại Bình Thuận. Tuy nhiên, vẫn còn 3 tiêu chí giảm điểm và chúng tôi cần tập trung khắc phục và cải thiện quyết liệt trong thời gian tới.
Về kỳ vọng thứ hạng PCI trong năm 2018, chúng tôi phấn đấu lọt vào nhóm 20 tỉnh đứng đầu cả nước với 8 mục tiêu cụ thể: đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách TTHC; công bố đầy đủ TTHC thuộc thẩm quyền của các cấp, các dự án kêu gọi đầu tư, chính sách hỗ trợ…trên cổng thông tin điện tử các cấp, ngành; triển khai các chính sách tạo lập môi trường đầu tư công bằng; thực hiện hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học-công nghệ..); tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển cơ sở hạ tầng (khu-cụm công nghiệp, dịch vụ tiện ích, đường giao thông…); tuyên truyền và giáo dục tư tưởng cho đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao nhận thức trong thực hiện nhiệm vụ; xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp tạo sự tin tưởng cho doanh nghiệp.
* Xin ông cho biết kết quả của việc triển khai Nghị quyết 19/2018/NQ-CP liên quan đến công tác cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?
Ngay sau khi chính phủ ban hành nghị quyết, chúng tôi đã phối hợp với các bên liên quan ban hành kế hoạch hành động số 2178/KH-UBND ngày 31/5/2018. Mục tiêu chính của kế hoạch là thực hiện có hiệu quả các cơ chế và giải pháp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI. Sau hơn 6 tháng thực hiện, chúng tôi đã đạt được một số kết quả như sau:
Một là, thực hiện 20% TTHC “4 tại chỗ”, triển khai cơ chế một cửa liên thông, nâng cấp phần mềm một cửa điện tự, kiện toàn bộ máy tổ chức Trung tâm hành chính công.
Hai là, tổ chức công khai 02 buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp như đã cam kết nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ba là, tiến hành cắt giảm triệt để chi phí bất hợp lý, ngăn chặn hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, tạo dựng môi trường kinh doanh chi phí thấp.
Bốn là, đảm bảo an ninh, an toàn và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp.
Trong năm 2018, thời gian đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn xuống còn 5 này, thời gian nộp thuế và đóng bảo hiểm xã hội không quá 167 giờ/năm, cấp phép xây dựng không quá 71 ngày…
* Ông có thông điệp gì muốn gửi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước?
Bình Thuận luôn coi trọng, kêu gọi và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư, góp phần tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trọng tâm hợp tác đầu tư của Bình Thuận dựa trên tính bền vững, định hướng lâu dài, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến sâu; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng trưởng xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; du lịch – dịch vụ vui chơi, giải trí chất lượng; giáo dục, đào tạo và y tế gắn liền với ứng dụng khoa học và công nghệ. Riêng đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan tổng hợp chuyên môn về lĩnh vực đầu tư, Sở sẽ cung cấp các thông tin về danh mục đầu tư giai đoạn 2019 – 2020; đồng thời, hướng dẫn các thủ tục cần thiết cho các nhà đầu tư tiềm năng đến tỉnh tìm hiểu, nghiên cứu, ra quyết định đầu tư./.
Cám ơn Ông
Thực hiện: Bảo Minh Quân