Sa Đéc được biết đến là 1 trong 3 vùng sản xuất hoa kiểng nổi tiếng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở phát huy thế mạnh địa phương, tỉnh Đồng Tháp chọn ngành hàng hoa cảnh thành phố Sa Đéc là một trong 5 ngành hàng chủ lực thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp giúp người dân tăng thu nhập và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp đô thị.
Mô hình Nấm Linh Chi
Đảm nhận vai trò chủ đạo trong công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật của địa phương, mặc dù còn nhiều khó khăn hạn chế nhưng Trung tâm Ứng dụng Công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp (Trung tâm) đã có nhiều hoạt động góp phần vào hoạt động KHCN của tỉnh. Nổi bật ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống đã đem lại một bước tiến quan trọng cho sản xuất nông nghiệp của địa phương, thúc đẩy việc phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Được ví như “trái tim” của làng hoa Sa Đéc, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp không chỉ nỗ lực nghiên cứu, lai tạo các giống hoa mới chất lượng cao phục vụ nông dân mà còn hỗ trợ kiến thức kỹ thuật ươm trồng, bảo quản, thu hoạch theo mô hình của nước tiên tiến. Những năm qua, nhiều nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học, cấy mô, xử lý ra hoa, sâu bệnh và bảo quản sau thu hoạch từng bước được ứng dụng rộng rãi tại địa phương. Mặt khác, công nghệ nhà màng, nhà lưới với hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun, quạt đối lưu… đã và đang được đầu tư phục vụ cho sản xuất ngành hàng hoa, kiểng theo hướng công nghệ cao. Qua đó, chất lượng hoa, kiểng cũng dần được cải thiện, giúp nâng cao giá trị hoa kiểng trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu, phải kể đến như: cúc đồng tiền, cúc mini với nhiều giống có màu sắc đẹp, hoa chuông, hồng môn, hoa ly; lan Dendro, lan Mokara, lan Ý Mỹ, hoa chuông, dạ yến thảo, , cúc mâm xôi…. Các giống hoa cấy mô ra đời với ưu điểm vượt trội về màu sắc, đồng nhất kích cỡ và khả năng thích nghi cao đã mang lại giá trị kinh tế cho người dân trồng hoa, góp phần quảng bá thương hiệu hoa Sa Đéc.
Ông Phạm Hữu Phước – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp cho biết, năm 2018, Trung tâm cung ứng gần 400 ngàn cây giống cấy mô. Ưu điểm giống cấy mô sạch bệnh, cây sinh trưởng nhanh, phát triển đồng đều, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, hoa trổ đồng loạt. Vì thế, chất lượng hoa được cải thiện, người dân tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận. Trung tâm đề ra mục tiêu mỗi năm nghiên cứu đưa ra thị trường 1 – 2 giống hoa kiểng mới; cung cấp từ 1 – 1,5 triệu cây giống. Hướng tới, Trung tâm sẽ mở rộng nhà màng trồng hoa kiểng; phối hợp liên kết chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước. Đảm bảo cung ứng cây giống hoa kiểng theo đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm thực hiện chế độ ưu đãi cho bà con đặt hàng sớm hoa kiểng…
Tuy nhiên, đồng nghĩa với lượng cây giống cung ứng cho nông dân vào thời điểm trước tết lớn, thì lực lượng nhân lực lại là một trong những khó khăn hiện nay, khi mà nhân sự tại chỗ chỉ mới đáp ứng được 50% nhu cầu thị trường.
Để cho ra thị trường 1 giống hoa cấy mô đòi hỏi quy trình có khi lên đến 3, 4 năm từ khi chọn giống, cấy mô, trồng khảo nghiệm đến lúc chuyển giao cho người dân, do đó người làm công tác nghiên cứu, lai tạo nếu không có sự đam mê thì khó có thể gắn bó với công việc này. Đồng thời, nguồn kinh phí cấp cho công tác nghiên cứu đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục và cần nhiều thời gian để đầu tư. Cho nên, ngoài các nguồn kinh phí của Nhà nước đầu tư, thì việc xác định một số nhiệm vụ cần được xã hội hóa là hết sức cần thiết để Trung tâm có thêm nguồn lực hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao./.