Đây là ý kiến của TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI tại buổi làm việc với ông Cao Đức Phát – Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương xung quanh nội dung xây dựng Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ lần 2 năm 2017.
Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ lần 2 năm 2017 dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 25-26/9 tại TP HCM. Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ban Kinh tế TƯ chỉ đạo, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng 8 tỉnh thành phố Đông Nam Bộ tổ chức.
Tại buổi làm việc, ông Cao Đức Phát mong muốn tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ lần này giữa các bên tham gia diễn đàn sẽ thảo luận tìm ra giải pháp để tạo ra sự kết nối về hạ tầng, quy hoạch, chính sách, chỉ đạo thực hiện, giám sát thực hiện… từ TƯ đến địa phương nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Nhất trí với đóng góp trên, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng cần thiết phải thành lập Hội đồng Hiệp hội Doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ với mục tiêu kết nối, liên kết tất cả các Hiệp hội trong vùng từ đó tăng cường sự phối hợp giữa các vùng.
Ông Lộc cũng nhấn mạnh tới vai trò là đầu tàu kinh tế chung của cả nước TP HCM cần phải cải thiện chỉ số PCI trong khu vực tiến tới vị trí số một, đồng thời hoàn thành mục tiêu đăng ký có 500.000 DN hoạt động hiệu quả đến năm 2020. Bên cạnh đó, TP HCM cần đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và đào tạo giám đốc DN trong khu vực để đạt mục tiêu 500.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Qua một năm triển khai, các kiến nghị được nêu ra tại Diễn đàn Đông Nam Bộ lần thứ 1 năm 2016 đã cho thấy những kết quả khả quan. Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: TP HCM và các tỉnh phụ cận trong tương lai sẽ là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và là đầu tàu phát triển kinh tế chung của cả nước.
Quy hoạch nêu rõ, vùng Đông Nam Bộ sẽ được ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị gia tăng. Phát triển công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin trở thành ngành mũi nhọn. Bên cạnh đó, hình thành vành đai công nghiệp – đô thị vùng, hạn chế phát triển thêm các khu công nghiệp trong khu vực trung tâm TP HCM.
Hiện, các cơ quan chức năng đang hoàn thiện các quy hoạch chuyên ngành cho không gian phát triển kinh tế – xã hội, nhất là quy hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển đô thị.
Nhận thức vai trò liên kết là giá trị quan trọng của diễn đàn, hiện các tỉnh đều có nghị quyết về vấn đề liên kết vùng để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường; chú trọng liên kết với các tỉnh…tạo thành chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và hiệu quả cao mới hiện đang được xúc tiến.
Đơn cử như ngày 25/4/2017, tỉnh Bến Tre tổ chức cuộc họp với 3 tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang cùng các nhóm chuyên gia nhằm tìm khả năng hợp tác phát triển vùng duyên hải phía Đông Nam Bộ.
Ngày 31/5/2017, Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ lần thứ XIV cũng đã khẳng định: Vùng Đông Nam Bộ là vùng động lực kinh tế của cả nước, đồng thời đây là một trung tâm lớn về hoạt động KH&CN. Đặc biệt, gần đây TP HCM đã nổi lên là địa phương dẫn đầu cả nước về các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Vấn đề liên kết phát triển KH&CN cũng đã trở thành nhu cầu thực tiễn của các tỉnh, thành phố trong Vùng.
Các tỉnh Đông Nam Bộ đã kiện toàn hệ thống cơ sở hiện đại, đạt tiêu chuẩn cấp khu vực. Các mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường không phải gắn kết với hệ thống vành đai các cụm, khu công nghiệp, khu chế biến tạo nên môi trường công nghiệp hiện đại, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh.
Với kết quả đạt được từ diễn đàn trước, tại diễn đàn lần này, ông Vũ Trọng Bình – Vụ trưởng Vụ địa phương (Ủy ban Kinh tế TƯ) đã đề xuất sau khi diễn đạt tổ chức, VCCI và Ủy ban Kinh tế TƯ sẽ thành lập ra các tổ công tác được phân công những công việc cụ thể nhằm trực tiếp triển khai, cụ thể hóa các kết luận tại diễn đàn. Ví dụ: Nói về thể chế vùng thì sẽ có tổ công tác làm việc tại các vùng liên kết với TP HCM và có đề xuất riêng về vấn đề nguồn vốn, hạ tầng, logistic từ đó làm việc với các bộ ngành được hiểu quả.