VHDN Với gần 200 nghìn hội viên là doanh nghiệp và vẫn trên đà kết nạp thêm những hội viên mới. VCCI khẳng định vai trò của mình là tổ chức đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp không chỉ ở trong nước mà còn đưa doanh nghiệp Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026
VCCI là đơn vị tập hợp đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và tăng cường vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. VCCI đã chủ động và tham gia tích cực xây dựng và hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật – một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng đã xác định. VCCI có những sáng kiến thúc đẩy quá trình thực thi chính sách, góp phần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh như việc nghiên cứu và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 16 năm vừa qua, tạo thêm động lực và xung lực mới cho sự phát triển. VCCI cũng tích cực dẫn dắt và thúc đẩy quá trình hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam.
Với tư cách tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, VCCI đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, có nhiều đóng góp tích cực, có tính lan tỏa, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước. Cùng cộng đồng doanh nghiệp, vai trò, vị thế và uy tín của VCCI ngày càng được khẳng định, đề cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu trong Đại hội VCCI lần thứ VII: “Doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của hoạt động sản xuất, kinh doanh – là nhân tố đóng góp quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế. Tuy nhiên, để có được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đoàn kết, lớn mạnh thì vai trò của VCCI – tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động rất quan trọng” đã khẳng định rằng vai trò, nhiệm vụ, trọng trách của VCCI là rất to lớn trong đó, không thể không kể đến sự đóng góp của các doanh nghiệp là thành viên.
Không chỉ là hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và đại diện tiếng nói của doanh nghiệp Việt Nam đóng góp ý kiến cho việc xây dựng môi trường kinh doanh quốc tế thuận lợi hơn; mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư với các doanh nghiệp quốc tế thông qua mạng lưới của ICC – Tổ chức kinh doanh lớn nhất thế giới, đại diện cho hơn 45 triệu doanh nghiệp tại hơn 100 quốc gia.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, VCCI đã có những hoạt động tích cực để thích ứng với tình hình như: thành lập Hội đồng hợp tác doanh nghiệp ứng phó COVID-19; ra mắt nền tảng tương tác trực tuyến VCCI-Workplace và tổ chức các hội nghị gặp gỡ đối thoại với Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội, các hội nghị giao ban trực tuyến với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát để tổng hợp, phân loại, đề xuất giải quyết trên 600 kiến nghị của doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Công tác phát triển hội viên được VCCI chú trọng
Ngoài ra VCCI còn tham gia tích cực vào việc xây dựng các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp; theo dõi, nắm bắt việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để kịp thời phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
VCCI là cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Là nơi tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về hành lang pháp lý, chính sách và nhiều lĩnh vực khác trong kinh doanh. VCCI giải đáp các thắc mắc thông qua các nền tảng số, cổng thông tin, trực tiếp, qua điện thoại và nhiều hình thức khác. Những nỗ lực của VCCI là nhằm hỗ trợ được một cách tốt nhất, thuận lợi nhất và rõ ràng nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Phạm Anh