Là tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch phong phú, với những nét độc đáp về văn hóa, xã hội…- Thời gian qua Bạc Liêu đã không ngừng khai thác hiệu quả những lợi thế đó. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tỉnh nhà. Để hiểu rõ thêm “hành trình” mà Bạc Liêu đã đi qua, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng Ông Thái Quốc Lưu – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu.
Ông Thái Quốc Lưu – Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Bạc Liêu
Sau 6 năm triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch, Ngành đã có nhiều khởi sắc?
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, sự phối hợp của các ngành, các địa phương và nỗ lực của toàn xã hội, đã đưa Ngành du lịch Bạc Liêu phát triển bền vững. Các chỉ tiêu chủ yếu về du lịch đều có bước tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Trong giai đoạn 2011 – 2016, doanh thu du lịch – dịch vụ đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng trung bình hàng năm hơn 15%. Lượng khách du lịch đến Bạc Liêu mỗi năm đều tăng, đến năm 2016 đã đón trên 5.000.000 lượt, trong đó có 160.000 lượt khách quốc tế. Dự kiến năm 2017, doanh thu du lịch – dịch vụ đạt khoảng 1.200 tỷ đồng tăng hơn 02 lần so với năm 2011; khách du lịch đạt khoảng 1.400.000 lượt, tăng 2,5 lần so với năm 2011.
Hạ tầng du lịch tiếp tục được cải thiện, các dự án văn hóa, du lịch mới được đầu tư xây dựng và hoàn thiện đã tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, đặc sắc. Phải kể đến là Quảng trường Hùng Vương, Đền thờ Bác, Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử và nhạc sỹ Cao Văn Lầu… Cùng nhiều cá nhân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án đầu tư du lịch Bạc Liêu (tổng số vốn trên 5.000 tỷ đồng). Điển hình là Dự án nâng cấp, tôn tạo khu nhà Công tử Bạc Liêu; Xây dựng khu du lịch, khu vui chơi giải trí tại phường Nhà Mát; Khu du lịch sinh thái Hồ Nam… Đi liền đó là nhiều khách sạn có quy mô khá, đáp ứng nhu cầu của du khách được ra đời như khách sạn Trần Vinh, khách sạn Ngân Trang, khách sạn NEW PALACE, Khách sạn Công tử Bạc Liêu… với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hạn chế của Bạc Liêu là vị trí địa lý cách xa các trung tâm KT-VH của cả nước. Do vậy, muốn thu hút được nhiều du khách, Bạc Liêu cần tạo thêm các điểm nhấn mới, những sản phẩm, địa danh du lịch mới ?
Chính vì nhận thức được điều này, Bạc Liêu đã xác định cần tạo nên những điểm nhấn mới, mang bản sắc riêng của địa phương. Thông qua hình thành nên những công trình, sản phẩm du lịch độc đáo. Đó là Quảng trường Hùng Vương có các kiến trúc độc đáo như cây đờn kìm cách điệu, Nhà hát 3 nón lá đạt kỷ lục Việt Nam; Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu như một Bảo tàng về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; Biển nhân tạo Nhà Mát hiện đại nhất khu vực ĐBSCL… Cũng nhờ vậy mà Bạc Liêu đã được Hiệp hội du lịch ĐBSCL quyết định công nhận có 8 Điểm du lịch tiêu biểu và là tỉnh có số điểm du lịch tiêu biểu nhiều nhất Vùng ĐBSCL hiện nay. Trên đà phát triển này, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án du lịch tạo điểm nhấn, điểm khác biệt để không trùng lắp với các sản phẩm du lịch trong vùng, tạo tính cạnh tranh và thu hút khách du lịch cao.
Ngoài đầu tư cho cơ sở hạ tầng, việc xây dựng môi trường du lịch thân thiện, hiếu khách, đậm đà chất Miền Tây cũng là yếu tố quan trọng. Ông nghĩ sao về điều này?
Trong Nghị quyết số 02-NQ/TU đã xác định phải “Nâng cao tính văn minh của du lịch Bạc Liêu, trọng tâm là xây dựng con người Bạc Liêu hiếu khách, văn minh, lịch thiệp trong phục vụ tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi đến với Bạc Liêu cảm thấy vui vẻ, thoải mái và an toàn”. Với quan điểm đó, bằng hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, Bạc Liêu đã triển khai thực hiện tốt chương trình “xây dựng người Bạc Liêu hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”, “Đất Bạc Liêu hữu tình, Người Bạc Liêu mến khách”. Tự hào mà nói thì đến hôm nay Bạc Liêu là một trong những tỉnh đi đầu cả nước chủ động xây dựng và triển khai được Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch. Quy tắc này bước đầu đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp cũng như nhân dân và du khách. Góp phần tích cực trong việc xây dựng môi trường du lịch Bạc Liêu an toàn, thân thiện.
Bên cạnh việc phát triển nội bộ ngành, thu hút khách du lịch thì vấn đề giữ gìn, bảo tồn di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… được chú trọng ra sao trong những năm qua?
Theo kết quả tổng kiểm kê di tích lịch sử – văn hóa năm 2016, toàn tỉnh Bạc Liêu có gần 100 công trình, địa điểm có dấu hiệu di tích. Và, hiện nay có 47 di tích lịch sử – văn hóa đã được xếp hạng (trong đó gồm 13 di tích quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh). Trong những năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bạc Liêu rất quan tâm chỉ đạo cho các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước và địa phương đầu tư, tỉnh cũng kết hợp với kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động chống xuống cấp, tu bổ các di tích như ở Chùa Giác Hoa, Tiên sư cổ miếu, Chùa Bang, chùa Xiêm Cán…
Để tiếp tục đưa du lịch tỉnh nhà “cất cánh”, Ngành đã có những chiến lược cụ thể nào?
Trước hết là thực hiện tốt chủ trương CCHC nhà nước. Đảm bảo 100% TTHC được niêm yết công khai, minh bạch, dễ hiểu và hướng dẫn kịp thời để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu tra cứu, tìm hiểu thông tin. Cũng như triển khai thực hiện đạt hiệu quả Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước tại đơn vị. Hiện tại, Ngành đã thành lập và đi vào hoạt động Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch để thực hiện chức năng thông tin, truyền truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm thu hút nhà đầu tư và khách du lịch đến với Bạc Liêu.
Vừa qua, trong chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã xác định “Đến năm 2020, ngành du lịch Bạc Liêu cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng; là một trong những trung tâm du lịch của Vùng ĐBSCL và nằm trong nhóm (Top) 5 tỉnh đứng đầu về du lịch của vùng. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch của tỉnh thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…”. Để thực hiện tốt chương trình này, Ngành đã xác định cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức; từ đó, huy động được nguồn lực của xã hội cho phát triển du lịch; phát động được phong trào “Nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch”. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch ; phát triển du lịch trong mối liên kết phát triển các ngành có liên quan khác. Xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào du lịch, nhất là đầu tư vào các khu vực trọng điểm, đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng. Nâng cao chất lượng phục vụ trong hệ thống khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch khác, trong hoạt động lữ hành, hướng dẫn, vận chuyển khách du lịch và các khâu đón tiếp, dịch vụ khác. Tăng cường công tác quảng bá xúc tiến du lịch để vừa giới thiệu đất nước con người Bạc Liêu với trong, ngoài nước, vừa kêu gọi thu hút đầu tư vào du lịch Bạc Liêu. Đặc biệt cần có kế hoach để tạo được một đội ngũ lao động làm công tác du lịch có đủ kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học…
Có thể khẳng định, muốn du lịch Bạc Liêu phát triển cần sự hợp nhất từ phía Nhà nước đến doanh nghiệp, và nhân dân. Nghĩa là Nhà nước phải tạo điều kiện; doanh nghiệp phải chủ động đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch; nhân dân phải luôn cố gắng minh chứng “Đất Bạc Liêu hữu tình, Người Bạc Liêu mến khách”…. Tất cả điều này sẽ đã tạo nên một diện mạo mới cho du lịch Bạc Liêu, góp phần tích cực để địa phương tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của mình ở khu vực và cả nước./.
Xin cảm ơn Ông!
Kim Kim thực hiện.