Với sự vào cuộc rốt ráo của cả hệ thống chính trị trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tích cực đồng hành vượt khó cùng doanh nghiệp…, hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận thời gian qua đã có sự bứt phá ngoạn mục, đưa địa phương này trở thành điểm đến mới tin cậy của nhà đầu tư. Thừa thắng xông lên, chính quyền tỉnh vẫn đang nỗ lực đổi mới và cải cách trên mọi phương diện nhằm gia tăng sức hút môi trường đầu tư, từng bước hoàn thiện hình ảnh của Bình Thuận trong mắt các nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước. Đó cũng là nội dung trao đổi chính của giữa phóng viên Tạp chí Văn hóa Doanh nhân với Giám đốc Sở Kế hoạch&Đầu tư tỉnh – ông Lê Tuấn Phong.
PV: Ông đánh giá như thế nào về thành quả thu hút đầu tư mà Bình Thuận đạt được những năm gần đây?
Ông Lê Tuấn Phong: Với nỗ lực khai thác và phát huy triệt để mọi tiềm năng lợi thế sẵn có, đồng thời tăng cường quảng bá, kêu gọi đầu tư tại các hội nghị xúc tiến đầu tư kết hợp với đẩy mạnh công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư…, thời gian qua tình hình thu hút đầu tư vào Bình Thuận đã có nhiều khởi sắc, nguồn vốn thu hút đầu tư năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể năm 2015, toàn tỉnh thu hút được 75 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 8.578,4 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2014; tương tự năm 2016 tỉnh thu hút 115 dự án với tổng vốn đăng ký 28.235 tỷ đồng, tăng hơn 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2016 và 10 tháng đầu năm 2017 thu hút 155 dự án với tổng vốn đăng ký 48.979 tỷđồng, tăng 1,7 lần so với cả năm 2016.
Với chính sách “mở toang cửa” đón nhà đầu tư, trong thời gian tới Bình Thuận luôn chào đón và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn; đồng thời cam kết sẽ không có bất cứ trở ngại nào về TTHC. Ngoài ra để gia tăng sức hút của môi trường đầu tư, tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp tích cực đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách TTHC để khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển; từng bước xây dựng Bình Thuận trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của nhà đầu tư.
PV: Công nghiệp năng lượng tái tạo là một trong ba ngành kinh tế chủ lực của Bình Thuận. Vậy thời gian qua việc mời gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh này được tỉnh triển khai đạt hiệu quả ra sao?
Ông Lê Tuấn Phong: Trước đây đặc trưng khí hậu nhiều nắng và gió của Bình Thuận gây khó khăn cho phát triển kinh tế địa phương nhưng nay những bất lợi này đã dần trở thành lợi thế của tỉnh trong phát triển năng lượng sạch. Hiện thế mạnh đặc thù này đã giúp Bình Thuận thu hút được nhiều dự án đầu tư về điện mặt trời, điện gió góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Cụ thể về điện gió, hiện trên địa bàn tỉnh có 20 dự án điện gió với tổng công suất đăng ký đầu tư 1.057,1 MW được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu và cấp Giấy CNĐT, Quyết định chủ trương đầu tư. Đến nay đã có 3 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất 60 MW đã hoàn thành, phát điện (Phong điện 1 – Bình Thuận (giai đoạn 1 – 30MW), điện gió đảo Phú Quý (6MW), điện gió Thuận Bình (giai đoạn 1- 24MW); điện gió Thuận Thiên Phong đang triển khai thi công; các dự án còn lại đang triển khai các thủ tục đầu tư.
Về điện mặt trời, hiện có 7 dự án được UBND tỉnh cấp Giấy CNĐT và Quyết định chủ trương đầu tư với diện tích 684 ha, công suất 427,48 MW. Các dự án này đang triển khai các thủ tục về đất đai, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, cấp phép xây dựng.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho 50 dự án tiến hành nghiên cứu khảo sát, đo nắng, nghiên cứu lập dự án với diện tích khoảng 6.637 ha, công suất khoảng 4.447 MW. Hiện các dự án này đang triển khai lập hồ sơ nghiên cứu khảo sát trình cơ quan có thẩm quyền xem xét bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
PV: Bình Thuận được nhà đầu tư biết đến với cam kết nổi tiếng “Gỡ đinh dưới tấm thảm thu hút đầu tư” theo chỉ đạo của Chính phủ. Dưới góc độ cải thiện môi trường đầu tư, cam kết này sẽ được tỉnh tiếp tục triển khai như thế nào?
Ông Lê Tuấn Phong: Những năm vừa qua, Bình Thuận phát triển khá toàn diện trên mọi lĩnh vực. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo, hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh và tạo thuận lợi để thu hút đầu tư. Nhờ đó, 10 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có 155 dự án được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy CNĐT với tổng vốn đăng ký 48.979 tỷ đồng, tăng 70% so với cả năm 2016. Lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 1.390 dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký 282.593 tỷ đồng.
Để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư kinh doanh và tiếp tục triển khai cam kết “Gỡ đinh dưới tấm thảm thu hút đầu tư” như đã thực hiện, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tích cực mở rộng hợp tác đối ngoại, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách và vốn FDI; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tốt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, doanh nghiệp phát triển kinh doanh bình đẳng và đúng quy định của pháp luật. Nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 01/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Kết luận số 371-KLTU ngày 24/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về các giải pháp hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh; Kế hoạch số 652/KH-UBND ngày 28/02/2017 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Chương trình hành động số 2390/CTr-UBND ngày 07/7/2016 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về trợ giúp và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Kế hoạch số 2284/KH-UBND ngày 31/8/2017 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ngoài ra UBND tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền; xây dựng chính quyền các cấp trong tỉnh trở thành chính quyền đối thoại, lắng nghe và đồng hành với doanh nghiệp; tạo được tinh thần cầu thị, lắng nghe trong cả hệ thống hành chính, tạo chữ tín trong giải quyết công việc, tạo động lực làm việc cho cán bộ công chức viên chức và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, gây phiền hà đến doanh nghiệp.
PV: Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Bình Thuận năm 2017, bên cạnh việc đưa ra tầm nhìn cho Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị tỉnh và các nhà đầu tư cần nâng cao chất lượng quy hoạch, coi đây là điều kiện thiết yếu của phát triển bền vững. Vậy tỉnh Bình Thuận sẽ triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng như thế nào?
Ông Lê Tuấn Phong: Xác định quy hoạch là khâu then chốt, có tính chất đột phá trong phát triển mọi mặt KT – XH , những năm qua công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn luôn được Bình Thuận quan tâm, xây dựng, tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển KT – XH địa phương, đồng thời thu hút được nhiều nguồn lực tham gia phát triển, làm cho diện mạo tỉnh nhà có nhiều đổi thay tích cực.
Đến nay, hầu hết các quy hoạch thời kỳ đến năm 2020 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt như: Quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH cấp tỉnh, cấp huyện; Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch xây dựng; Quy hoạch đô thị; Quy hoạch xây dựng nông thôn mới…đều đã được công bố công khai đầy đủ theo quy định hiện hành. Đồng thời do quy định về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch ngày càng chặt chẽ nên chất lượng quy hoạch từng bước được nâng cao. Nhìn chung, các quy hoạch được phê duyệt đã đáp ứng được nhu cầu quản lý của nhà nước về các hoạt động KT – XH và đầu tư phát triển 5 năm cũng như hàng năm. Quy hoạch của tỉnh đã có sự gắn kết trong mối liên hệ với quy hoạch vùng, ngành, khai thác được các ưu điểm, thế mạnh, tiềm năng của từng vùng, ngành và địa phương.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH của các huyện, thị xã, thành phố; các quy hoạch ngành, lĩnh vực sản phẩm chủ yếu cho phù hợp với Quy hoạch điều chỉnh tổng thể phát triển KT – XH tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chú trọng việc hoàn thiện và công khai các quy hoạch: quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, các quy hoạch phát triển đô thị, KCN, các quy hoạch ngành, sản phẩm quan trọng ưu tiên phát triển; xử lý các quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan chồng lấn với các quy hoạch khác; khắc phục tình trạng để nhà đầu tư phải chờ quy hoạch, chờ điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời tập trung đổi mới phương pháp quy hoạch; huy động sự tham gia hiệu quả của cộng đồng dân cư, sự phản biện của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch, phù hợp định hướng phát triển KT – XH và nhu cầu của thị trường.
PV: Xin cảm ơn ông!
Kim Băng