VHDN – Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” được Bộ Công thương tổ chức vào ngày 24/11 tại Hà Nội, quy tụ 300 chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu, được thực hành quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển nhất thế giới như một giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon trong dài hạn. Trong bối cảnh Việt Nam cùng nhiều quốc gia hướng về mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, định hướng hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới cần chú trọng tăng trưởng xanh, phát triển xanh góp phần thực hiện thành công chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhằm góp phần triển khai, cụ thể hóa các định hướng, mục tiêu trên, Bộ Công thương tổ chức “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu năm 2023”.
Nhằm hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26), đẩy mạnh tăng trưởng xanh, phát triển xanh, góp phần thực hiện thành công Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, Bộ Công thương phối hợp với dự án do Chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ tổ chức Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2023. Với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”, diễn đàn quy mô hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các hiệp hội và doanh nghiệp.
Việt Nam là một trong các quốc gia có những cam kết mạnh mẽ về môi trường tại COP26, trong đó có cam kết tiên phong trong chuyển đổi năng lượng, cùng với chuyển đổi xanh và chuyển đổi số. Với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, xanh hóa sản xuất phải được thực thi trong tất cả các mắt xích của các ngành sản xuất, gia tăng tỷ trọng hàng hóa sản xuất theo quy trình xanh hóa (giảm tiêu dùng nước, năng lượng, giảm phát thải ra môi trường, sử dụng nguyên liệu thân thiện, có khả năng tái chế cao…).
Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu 2023 tạo kênh đối thoại, tham vấn nhiều bên liên quan từ các tổ chức, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế để định hình, xác định các vấn đề các khó khăn, cơ hội trong phát triển thương mại xanh, đề xuất các giải pháp và chính sách hỗ trợ về thương mại xanh. Kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp đi tiên phong trong sản xuất xanh, phát triển xuất khẩu bền vững, đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh trên toàn cầu cũng được chia sẻ tại diễn đàn này.
Bắt đầu từ đầu tháng 10/2023, Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU áp dụng với các mặt hàng có lượng phát thải carbon cao gồm xi-măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, điện và khí hydro (Ảnh minh họa)
Việt Nam là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 730 tỷ USD vào cuối năm 2022, trong đó xuất khẩu 371,3 tỷ USD, tăng trưởng 10,5%.
Trong 10 tháng năm 2023, chịu ảnh hưởng từ thương mại toàn cầu thấp, tiêu dùng còn yếu, nên xuất nhập khẩu mới đạt 558 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu giảm 7,1% (cùng kỳ đạt 313,5 tỷ USD, tăng 16,2%); nhập khẩu giảm 12,3% (cùng kỳ đạt 303,9 tỷ USD). Xuất khẩu sang các thị trường chủ lực của nước ta đều giảm mạnh, như sang Hoa Kỳ giảm 15,8%, xuất khẩu sang EU giảm 8,9% (ước đạt 36,2 tỷ USD); thị trường ASEAN giảm 6,2%, Hàn Quốc giảm 3,6%, Nhật Bản giảm 4,1%…
Cùng với thắt chặt chi tiêu, các thị trường Hoa Kỳ, EU… còn gia tăng tiêu chuẩn với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là EU đi đầu thế giới trong các nỗ lực chuyển dịch xanh và trung hòa phát thải, mới nhất từ 1/10/2023, EU là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới thực hiện cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đối với hàng hóa nhập khẩu.
Cơ chế CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu như thép, xi-măng, phân bón, nhôm, điện và hydrogen. Đây là những lĩnh vực có nguy cơ rò rỉ carbon cao và có lượng khí khải carbon cao. Gần đây, 27 quốc gia thành viên EU đã bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM vào tháng 10/2023, sau đó sẽ có hiệu lực chính thức từ 2026.
Theo kế hoạch, EU đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe khác đối với hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam. Quan trọng hơn, nhiều thị trường xuất khẩu khác cũng đang có dự kiến thực hiện các chính sách tương tự EU.
Bộ Công thương cho hay, kinh doanh có trách nhiệm và bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, bởi các yếu tố này tác động đến chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm.
Thành Vinh