Bình Dương

Vì sao Bình Dương lại được nhiều nhà đầu tư FDI lựa chọn  

9:19 sáng | 26/10/2023

Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với hơn 56,2 tỷ USD (chiếm 12,7% tổng vốn đầu tư cả nước). Bình Dương đứng thứ hai với gần 39,7 tỷ USD (chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư cả nước). Thứ ba là Hà Nội với trên 38,8 tỷ USD (chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư cả nước)…

Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại so với dự báo do ảnh hưởng từ xung đột Nga – Ukraine, trong khi cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát có nguy cơ dẫn đến suy thoái ở các nền kinh tế lớn nhưng trong hai năm trở lại đây Bình Dương có những tín hiệu vui trong thu hút FDI. Chỉ riêng trong năm 2022, đầu tư FDI vào Bình Dương đạt hơn 3,1 tỷ USD, trong đó có dự án lớn như nhà máy hơn 1 tỷ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch)… Trong 2 tháng đầu năm 2023, Bình Dương thu hút hơn 340 triệu USD vốn  FDI, bằng 441% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Bình Dương luôn dẫn đầu cả nước về chất lượng cơ sở hạ tầng

Có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Bình Dương, tiêu biểu là Đan Mạch, Hà Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Các nhà máy FDI chủ yếu đầu tư trong khu công nghiệp (chiếm 67% tổng vốn đầu tư). Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương, Đài Loan (Trung Quốc) đứng đầu với 865 dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 6,278 tỷ USD; Nhật Bản đứng thứ 2 với 341 dự án, tổng vốn đăng ký 5,89 tỷ USD và Singapore đứng thứ 3 với 278 dự án, tổng vốn đăng ký 5,41 tỷ USD. Lĩnh vực đầu tư tập trung chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo với 3.541 dự án, tổng vốn đầu tư 29,16 tỷ USD, chiếm 73,4% tổng số vốn đầu tư đăng ký. Kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,36 tỷ USD, chiếm 18,5%.

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương cũng đã khởi công xây dựng mới khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) 3 và tiếp tục mở rộng quy mô một số khu công nghiệp khác. Để phát triển cơ sở hạ tầng, ngoài việc mở rộng quốc lộ 13 lên 8 làn xe để kết nối với vùng Đông Nam bộ, tích cực triển khai đường vành đai 3, 4 TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng tích cực xây dựng nhiều tuyến đường mới trong tỉnh để thúc đẩy đầu tư. Tiêu biểu như đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, đường ĐT746… 

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã thu hút hơn 4.100 dự án FDI với hơn 40 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI. Bình Dương là một trong những địa phương phát triển mạnh về công nghiệp với 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp, tổng diện tích hơn 13.600 ha. Quy mô kinh tế tổng sản phẩm năm 2022 đạt hơn 459.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 7.000 USD/năm. Bình Dương đang từng bước tạo lập hệ sinh thái công nghiệp – công nghệ cao với các dự án đem lại giá trị gia tăng cao và ít gây ô nhiễm môi trường. Với những thành tựu đó, tỉnh Bình Dương luôn được đánh giá là tỉnh có tiềm năng kinh tế cao, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Xây dựng thành phố thông minh tiêu biểu

Về xây dựng môi trường sống tốt cho dân cư, từ năm 2016, Bình Dương đã triển khai Đề án xây dựng Thành phố thông minh. Năm 2018, tỉnh này vinh dự trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và là thành viên của Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF). Bình Dương cũng là địa phương đầu tiên của Việt Nam được vinh danh là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới (Smart21); trong 3 năm liên tiếp đạt Top 7 Cộng đồng thông minh thế giới (năm 2019 – 2020 và 2023).

Theo thống kê, Bình Dương xếp vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành về sức hút người nhập cư, trở thành “mảnh đất lành” của nhiều người bởi dễ kiếm được việc làm, chi phí sinh hoạt, nhà trọ thấp hơn nhiều so với TP.Hồ Chí Minh. Bình Dương có nhiều nhà máy, tạo được nhiều việc làm cho đông đảo công nhân, lao động. Đến nay, Bình Dương cũng là tỉnh đầu tiên không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia.

Tổng Cục Thống kê mới đây công bố kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022, được tiến hành trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, tỉnh Bình Dương có mức thu nhập bình quân đầu người đạt 8,076 triệu đồng/tháng, dẫn đầu cả nước; vượt mức 6,423 triệu đồng/người của địa phương đứng thứ hai là Hà Nội và mức 6,392 triệu đồng/người của TP.Hồ Chí Minh.

Tốc độ đô thị hóa ở Bình Dương cũng đang diễn ra rất nhanh, phát triển mạnh mẽ, hình thành nhiều đô thị hiện đại. Đến nay, Bình Dương đã có 4 thành phố, 1 thị xã đều được quy hoạch bài bản với cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng đồng nhất, định hướng phát triển theo cả chiều sâu và rộng.

Toàn cảnh Khu công nghiệp VSIP 2 tại TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với quy mô rộng 1.000 ha

Tiếp tục thu hút đầu tư mạnh mẽ

Theo báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến nay, Bình Dương luôn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng tốt. Theo báo cáo PCI 2022, Bình Dương xếp thứ 3 cả nước về chất lượng cơ sở hạ tầng. Báo cáo PCI từ năm 2015 cho đến năm 2021, Bình Dương luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng cơ sở hạ tầng với số điểm trung bình hơn 80 điểm. Năm 2013 và 2014, Bình Dương xếp thứ 2 cả nước về chất lượng cơ sở hạ tầng.

Để đạt được điều đó, phải kể đến yếu tố then chốt quyết định là tư duy của lãnh đạo tỉnh với việc ban hành hàng loạt các chính sách quản lý, làm việc, nền hành chính “một cửa” đơn giản nhanh, thuận lợi cho nhà đầu tư, “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”,  đồng hành cùng doanh nghiệp.

Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt mục tiêu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại. Đến năm 2030 Bình Dương sẽ trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước.

Ông Võ Văn Minh cho biết thêm: Với phương châm trải chiếu hoa đón nhà đầu tư, Bình Dương không chỉ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mà doanh nghiệp trong nước cũng đến đăng ký để đầu tư các dự án quy mô lớn. Chính quyền tỉnh luôn không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, đơn giản trong cải cách hành chính, nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thu hút nhiều doanh nghiệp đến với Bình Dương. Đồng thời, tỉnh tăng cường sự phối hợp, nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan Nhà nước; các sở, ban, ngành, địa phương; hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Dự án nhà máy Lego được khởi công vào đầu tháng 11/2022 tại Bình Dương là dự án đầu tư lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp Đan Mạch vào Việt Nam với trị giá hơn 1 tỷ USD. Dự kiến nhà máy sẽ hoạt động vào năm 2024, tạo ra tới 4.000 việc làm

                       Long Châu

  • Là một tỉnh có xuất phát điểm nền kinh tế chủ yếu nông nghiệp, sau 26 năm tái lập (tháng 1/1997), tận dụng lợi thế với quỹ đất công nghiệp mới được tạo ra, kèm theo đó là các công trình tạo lực như đường kết nối, nhà ở xã hội, sự đồng hành của chính quyền đã giúp Bình Dương được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, vươn lên đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).