Việc tham khảo và ứng dụng tư tưởng của Hồ Chí Minh vào văn hóa doanh nghiệp và đời sống doanh nhân ngày nay là một vấn đề sâu sắc và có ý nghĩa rất quan trọng trong doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và thay đổi nhanh chóng của thế giới hiện đại. Trong tập hợp các Tư tưởng của Bác thì “Đoàn kết” không chỉ là nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia mà còn có thể được áp dụng trong kinh doanh, qua đó giúp xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp đoàn kết, hợp tác và phát triển bền vững.
Trong bài tham luận này, chúng tôi sẽ phân tích và đánh giá vai trò của đoàn kết được nêu trong tư tưởng Hồ Chí Minh đối với doanh nghiệp, doanh nhân nói chung và Hội Doanh nhân Nam Định tại Hà Nội nói riêng, trong điều kiện hiện nay. Bài tham luận gồm ba phần chính: khái quát tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết; Ứng dụng tư tưởng đoàn kết trong văn hóa doanh nghiệp hiện đại; và những kết quả từ hoạt động đoàn kết của Hội Doanh nhân Nam Định tại hà Nội, những thách thức cũng như cơ hội trong việc áp dụng những tư tưởng này.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết
Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng của mình qua việc xây dựng và củng cố sự đoàn kết trong kháng chiến cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước. Bác tin rằng sức mạnh của đoàn kết có thể giúp vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Đối với Người, đoàn kết không chỉ là sự thống nhất trong hành động mà còn là sự thống nhất trong tư tưởng và mục tiêu.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết không chỉ phản ánh trong chiến lược đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn có vai trò, ý nghĩa trong nhiều lĩnh vực, có giá trị ứng dụng mãi mãi về sau, trong đó có lĩnh vực kinh doanh.
Sinh thời, Người từng nói rất nhiều về đoàn kết, như: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Hay Người cũng nói: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”,.. Điều này không chỉ là khẩu hiệu mà còn là phương châm hành động, được Người áp dụng nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Để minh họa, Bác đã từng sử dụng hình ảnh chiếc đũa để nói về sức mạnh của đoàn kết. Người phân tích việc bẻ một chiếc đũa thì rất dễ, nhưng khi bẻ một bó đũa thì không thể. Điều này minh họa rõ ràng sức mạnh của sự đoàn kết – mỗi người có thể yếu đơn lẻ, nhưng khi đoàn kết lại với nhau thì trở nên mạnh mẽ và không thể bị khuất phục.
Bản chất và ý nghĩa của Đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết không chỉ là sự gắn kết giữa các cá nhân mà còn là sự liên kết giữa các nhóm, các tầng lớp trong xã hội, với mục tiêu chung là lợi ích dân tộc và tiến bộ xã hội. Đoàn kết theo Người không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà còn vươn ra tầm quốc tế. Ý nghĩa sâu sắc nhất của đoàn kết mà Người nhấn mạnh là khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc, dẫn dắt đất nước thoát khỏi ách thống trị và nghèo đói, tiến tới tự do, độc lập và thịnh vượng. Nhìn rộng ra, chúng ta thấy rõ Bác Hồ đã rất quan tâm đến vấn đề đoàn kết trong nội bộ cộng đồng, trong nội bộ tổ chức,.. và các cộng đồng, các tổ chức khác nhau,.. điều này gợi mở cho các doanh nhân, doanh nghiệp nhiều bài học quý báu về đoàn kết.
Thực tiễn áp dụng tư tưởng đoàn kết trong các hoạt động của Bác
Trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Điển hình là việc Người khởi xướng và thúc đẩy các phong trào đoàn kết như Mặt trận Dân tộc Thống nhất, Mặt trận Tổ quốc, nhằm huy động và tập hợp sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân trong các giai đoạn cách mạng khác nhau. Người cũng đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, coi đây là nền tảng để xây dựng và phát triển đất nước. Những trường học, những lớp tập huấn được mở ra không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là nơi để giáo dục tinh thần đoàn kết, yêu nước trong mỗi con người.
Trong tư tưởng và hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đã để lại những bài học quý giá về tầm quan trọng của đoàn kết, một nguyên tắc mà bất kỳ tổ chức hay quốc gia nào cũng cần phải đặt lên hàng đầu nếu muốn phát triển mạnh mẽ và bền vững. Những bài học này không chỉ áp dụng trong lĩnh vực chính trị, xã hội mà còn trong mỗi cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp, nơi mà việc tạo dựng và duy trì một môi trường đoàn kết, hợp tác là chìa khóa cho thành công.
Những bài học về đoàn kết từ Hồ Chí Minh có thể được tổng hợp qua ba khía cạnh chính:
Tôn trọng và khuyến khích sự đa dạng: Hồ Chí Minh luôn khuyến khích sự đóng góp của mọi tầng lớp trong xã hội, bất kể chủng tộc, giới tính hay tôn giáo. Người coi trọng mọi đóng góp của các thành viên và tôn trọng sự khác biệt để xây dựng một tập thể mạnh mẽ hơn; Trong doanh nghiệp điều này được hiểu là doanh nghiệp cần sự đóng góp của mọi thành phần;
Thực hành lãnh đạo phục vụ: Lãnh đạo theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phục vụ nhân dân, không phải để nhân dân phục vụ lãnh đạo. Trong doanh nghiệp, điều này có thể được hiểu là các Chủ doanh nghiệp phải đặt lợi ích chung của tổ chức lên trên hết và tạo điều kiện cho nhân viên phát triển.
Xây dựng lòng tin: Bác luôn nhấn mạnh lòng tin trong mọi hoạt động. Trong một doanh nghiệp, điều này đòi hỏi sự rõ ràng trong cơ chế chính sách, giúp xây dựng niềm tin và sự cam kết từ phía nhân viên.
Ứng dụng tư tưởng Đoàn kết trong văn hóa doanh nghiệp hiện đại
Đoàn kết trong nội bộ mỗi doanh nghiệp.
Tư tưởng đoàn kết của Bác có thể được hiểu là sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên trong doanh nghiệp, từ đó tạo ra một môi trường làm việc thân thiện, hỗ trợ lẫn nhau và hướng tới mục tiêu chung. Sự đoàn kết giúp cho sức mạnh được “cộng hưởng” thúc đẩy hiệu quả công việc, tăng cường khả năng đổi mới sáng tạo và nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Khi nhân viên cảm thấy mình là một phần của một tổ chức, họ thường có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào công việc, sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, đóng góp vào sự thành công chung. Điều này không chỉ giúp cải thiện năng suất làm việc (tinh thần thoải mái, chia sẻ tố kinh nghiệm,..) mà còn góp phần vào sự hài lòng và trung thành của nhân viên, từ đó giảm thiểu chảy máu chất sám, mất bí quyết công nghệ, mất bí quyết kinh doanh,.. giảm thiểu chi phí tuyển dụng và đào tạo do thay đổi nhân sự thường xuyên.
Đoàn kết giữa các doanh nghiệp.
Tư tưởng của Người không chỉ dùng lại ở đoàn kết giữa các cá nhân mà còn rất quan trọng đối với các tổ chức với nhau. Vận dụng quan điểm tư tưởng về đoàn kết Quốc tế của người – sự đoàn kết giữa các tổ chức vào vấn đề đoàn kết của các doanh nghiệp. Trong kinh doanh, ở những giai đoạn quy mô nhỏ, tổng giá trị hàng hóa không tác động nhiều đến đời sống như thời kỳ Cộng sản nguyên thủy, Chiếm hữu nô lệ, phong kiến, thì một doanh nghiệp có thể hoàn toàn độc lập, thậm chí khuynh đảo thị trường. Nhưng khi quy mô nền kinh tế bùng nổ, mỗi lĩnh vực có hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh, cạnh tranh khốc liệt, các cá mập có thể nuốt chửng cá con bất kỳ lúc nào , do đó đoàn kết không chỉ là một giá trị đạo đức mà còn là một yếu tố chiến lược, liên quan đến sự tồn vong, phát triển và thành công của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Các biện pháp thúc đẩy Đoàn kết trong kinh doanh
Để xây dựng văn hóa đoàn kết trong doanh nghiệp, lãnh đạo cần chú trọng đến việc tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, thân thiện, ở đó mọi ý kiến đều được lắng nghe và tôn trọng. Các hoạt động tập thể như team building, tập huấn, dã ngoại,.. không chỉ giúp các thành viên trong tổ chức hiểu nhau hơn, mà còn tạo cơ hội để họ cùng nhau giải quyết các thách thức, từ đó củng cố tinh thần đoàn kết.
Bên cạnh đó, việc thực hiện công bằng, minh bạch trong mọi chính sách và quyết định của doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin và sự đoàn kết trong tổ chức. Lãnh đạo nên là tấm gương về sự chân thành, công bằng và trách nhiệm, từ đó lan tỏa những giá trị này đến toàn thể nhân viên.
Các chương trình phúc lợi, chính sách chăm sóc nhân viên cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa đoàn kết. Khi nhân viên cảm thấy mình được quan tâm và trân trọng, họ sẽ tự nguyện gắn bó và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.
Đối với sự đoàn kết của các doanh nghiệp, vấn đề nằm ở chính người đứng đầu. Họ cần nhận thức rõ vai trò của đoàn kết, đưa ra chính sách của doanh nghiệp mình để thực thi đoàn kết với các doanh nghiệp khác – “buôn có bạn bán có phường”. Có thể theo nhiều hình thức như tham gia lập thành các nhóm, các hội, cao hơn là các liên hội, hiệp hội, đặc biệt không chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp cùng ngành mà cần liên kết với các doanh nghiệp khác ngành từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác sâu hơn, rộng hơn trên cơ sở tôn trọng, chia sẻ, công bằng, minh bạch và hợp tác cùng có lợi.
Những thách thức
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh gay gắt, việc áp dụng tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh vào hội doanh nghiệp nói chung và Hội Doanh nhân Nam Định tại Hà Nội nói riêng (Hội DN NĐHN) đối mặt với không ít thách thức. Đầu tiên, sự đa dạng về lợi ích cá nhân và cạnh tranh giữa các DN thành viên có thể làm suy yếu tinh thần đoàn kết. Bởi có thể vì lợi ích của Doanh nghiệp, họ sẽ bỏ qua lợi ích chung của tổ chức và cộng đồng.
Thách thức thứ hai là sự khác biệt về văn hóa và giá trị trong một môi trường làm việc đa dạng. Với sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia và đa văn hóa, việc duy trì một môi trường đoàn kết, nơi mọi doanh nghiệp cùng chia sẻ và hướng tới một mục tiêu chung, trở nên khó khăn hơn.
Thách thức thứ ba là sự rủi ro khi các nhân viên đã đoàn kết và muốn chống lại chủ doanh nghiệp, khi đó rủi ro vô cùng lớn, bởi nhân viên có thể ngầm chống đối gây thiệt hại cho doanh nghiệp như bán bí quyết, trục lợi, làm hỏng hàng hóa,.. câu kết với bên ngoài để phá hoại doanh nghiệp. Trong Hội nếu thiếu sự minh bạch công tâm, cũng sẽ dẫn đến một nhóm các doanh nghiệp sẽ co cụm để đi theo lợi ích riêng, không chia sẻ nữa, câu kết với bên ngoài trục lợi từ Hội (bán thông tin),..
Cuối cùng, thách thức cũng đến từ việc thiếu hiểu biết hoặc nhận thức không đầy đủ về tư tưởng của Bác về đoàn kết. Điều này đòi hỏi phải có nỗ lực không chỉ từ phía lãnh đạo Hội doanh nhân mà còn cả từ phía các doanh nghiệp cần phải nghiên cứu và hiểu sâu sắc hơn về vấn đề đoàn kết, từ đó điều chỉnh doanh nghiệp của mình, điều chỉnh mình để hội nhập cùng cộng đồng.
Cơ hội và triển vọng
Bên cạnh những thách thức, việc áp dụng tư tưởng đoàn kết vào doanh nghiệp, đặc biệt khi tham gia các Hội doanh nghiệp cũng mang lại nhiều cơ hội quý giá. Đó là doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường, có cơ hội nhận được sự hỗ trợ về kinh nghiệm, thủ tục pháp lý, có cơ hội để hợp tác để nâng cao năng lực, để tập hợp lực lượng (như liên danh đấu thầu,..) cung cấp đầu vào, đầu ra,.. giới thiệu khách hàng, bán chéo sản phẩm,..
Trong nội tại của mình tư tưởng đoàn kết chính là khuyến khích sự hợp tác và làm việc nhóm, từ đó tăng cường hiệu quả và năng suất làm việc. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của bất kỳ tổ chức nào trong thời đại toàn cầu hóa. Hơn nữa, đoàn kết cũng góp phần tạo dựng hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp trong mắt đối tác và khách hàng. Ngoài ra, việc áp dụng tư tưởng đoàn kết còn giúp doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh. Trong một thế giới ngày càng liên kết chặt chẽ, khả năng hợp tác và làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu chung sẽ là chìa khóa để tồn tại và phát triển.
Thực tiễn và kết quả từ hoạt động Đoàn kết trong doanh nghiệp
Đoàn kết trong nội bộ doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã thành công trong việc áp dụng tư tưởng đoàn kết vào văn hóa doanh nghiệp của họ và đã thu được những kết quả đáng kể. Ví dụ, tại Google, văn hóa làm việc đoàn kết, hợp tác được thể hiện qua không gian làm việc mở, các chương trình chia sẻ kiến thức và hợp tác xuyên suốt, những buổi brainstorming định kỳ giúp mỗi nhân viên có cơ hội đóng góp ý tưởng và cùng nhau giải quyết vấn đề.
Tại Việt Nam, Viettel là một ví dụ điển hình về việc áp dụng tư tưởng đoàn kết Hồ Chí Minh. Viettel đã xây dựng một bộ 8 giá trị cốt lõi, trong đó đề cao tính kỷ luật (mà kỷ luật là sức mạnh của Quân đội), đồng thời xây dựng môi trường làm việc với rất nhiều chương trình như đào tạo, nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa cho nhân viên, tạo điều kiện để họ có thể cống hiến lâu dài và phát triển cùng Tập đoàn. Những chính sách này không chỉ giúp cải thiện hiệu suất làm việc mà còn tăng cường sự gắn kết giữa nhân viên với doanh nghiệp, làm tiền đề để Viettel vững bước vươn xa và phát triển như ngày nay.
Những kết quả tích cực này cho thấy rằng, khi doanh nghiệp coi trọng và đầu tư vào việc xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, họ không chỉ cải thiện được hiệu quả kinh doanh mà còn tạo ra một thương hiệu tốt, thu hút và giữ chân nhân tài. Điều này cũng phù hợp với tư tưởng của Hồ Chí Minh về sự đoàn kết, khi Người luôn nhấn mạnh rằng chỉ có sự đoàn kết mới tạo ra sức mạnh, và sức mạnh đó là nền tảng cho mọi thành công.
Đối với hoạt động đoàn kết giữa các doanh nghiệp
Trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp (VUCA), doanh nghiệp ngày càng đối mặt với nhiều thách thức và cạnh tranh, việc áp dụng và phát huy tư tưởng đoàn kết sẽ là chìa khóa giúp các doanh nghiệp không còn nhỏ bé nữa, thậm chí nếu số lượng doanh nghiệp đủ lớn, họ sẽ trở thành một thế lực, một đối trọng với các doanh nghiệp lớn, từ đó làm bàn đạp giúp họ không chỉ vượt qua khó khăn, mà còn phát triển bền vững và tạo dựng một môi trường kinh doanh tốt hơn cho chính họ. Đây là bài học mà mỗi doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp SME đều có thể học hỏi và áp dụng để đạt được thành công trong bối cảnh hiện nay.
Áp dụng tư tưởng Đoàn Kết trong Tư Tưởng Hồ Chí Minh vào Hội Doanh nhân Nam Định tại Hà Nội
Những kết quả đạt được
Hội doanh nhân Nam Định tại Hà Nội (Hội DN NĐHN) là một tổ chức xã hội, được hình thành dựa trên sự đồng thuận tự nguyện của các Doanh nhân là người con quê hương Nam Định đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Hà Nội. Tôn chỉ của Hội chính là áp dụng tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh vào hoạt động của mình.
Tổ chức các chương trình thăm quan tìm hiểu doanh nghiệp trong và ngoài Hội; Tổ chức các chương trình đào tạo, mời diễn giả về trình bày với các Hội viên về các xu thế kinh tế, bài học kinh doanh cho các doanh nhân, doanh nghiệp,..; Tổ chức các chương trình giao lưu học hỏi giữa các Hội viên, các Hội/nhóm khác;
Tổ chức phân nhóm các Doanh nghiệp để có hợp tác chuyên sâu và Hợp tác với các Hiệp/Hội/CLB khác trong và ngoài Tỉnh;
Xúc tiến tìm kiếm cơ hội tiến tới làm việc với các cơ quan/Bộ/Ngành, Tỉnh/TP để tìm kiếm cơ hội cho các Hội viên trong Hội;
Tổ chức các chương trình từ thiện, thiện nguyện, hướng về quê hương;
Trong những năm qua Hội đã tổ chức hoạt động kết nối, trao cơ hội kinh doanh lên đến hàng nghìn tỷ đồng; Đã quyên góp đồng hành cùng Hội đồng hương Tỉnh, ủng hộ về quê hương gần 1000 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá, tu sửa công trình tâm linh như nghĩa trang, đền thờ các danh nhân,.. được nhân dân tỉnh nhà ghi nhận và đánh giá cao, từ đó tạo niềm tin từ những doanh nghiệp nhỏ gia nhập Hội. Hội cũng kết nối với nhiều Hội doanh nhân của tỉnh nhà tại các tỉnh, thành phố khác; kết nối với các Hội, hiệp hội, các tổ chức trong và ngoài nước để tìm kiếm cơ hội kinh doanh cho hội viên. Hội cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, đào tạo, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp, kiến thức kinh doanh cho các hội viên, doanh nghiệp. Từ đó tạo được sự đồng thuận, kết nối, chia sẻ nghĩa tình giữa các hội viên.
Kết luận và hướng phát triển
Áp dụng tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh vào hoạt động của Hội doanh nhân, của doanh nghiệp đòi hỏi phải có sự cam kết mạnh mẽ từ phía lãnh đạo cùng với sự đồng lòng của toàn thể thành viên. Để làm được điều này, Hội/doanh nghiệp cần phải có những chương trình, kế hoạch, cơ chế hoạt động để thúc đẩy sự tham gia và đóng góp từ nhiều doanh nghiệp, hội viên và cá nhân.
Trong tương lai, hội doanh nghiệp nói chung và Hội DN NĐHN cần nghiêm túc xem xét và tích cực hơn trong việc áp dụng các nguyên tắc đoàn kết vào chiến lược hoạt động của mình. Điều này không chỉ giúp Hội Doanh nhân nói chung và Hội DN NĐHN nói riêng cũng như các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ mà còn góp phần vào sự phát triển chung của xã hội, đúng với tinh thần và triết lý của Hồ Chí Minh.
Việc áp dụng tư tưởng đoàn kết vào văn hóa doanh nghiệp là một hành trình dài đòi hỏi sự kiên nhẫn và nỗ lực không ngừng. Tuy nhiên, với những lợi ích to lớn mà nó mang lại, đây là hướng đi đáng để các Hội doanh nhân, doanh nghiệp cân nhắc và theo đuổi trong bối cảnh kinh doanh hiện đại.
Tham luận của Đại tá, TS. Phạm Hồng Thanh, Phó GĐ Học Viện Viettel, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Nam Định tại Hà Nội tại Diễn đàn