Chiều 15/4/2025, tại Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Doanh nhân (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) phối hợp với Hội Nữ Trí thức Hà Nội tổ chức Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân năm 2025 với chủ đề “Kinh doanh có trách nhiệm”.
Toàn cảnh Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân năm 2025, chủ đề “Kinh doanh có trách nhiệm”
Diễn đàn được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy văn hóa kinh doanh vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tại diễn đàn, gần 200 đại biểu gồm các nhà quản lý, chuyên gia, Lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp, Doanh nhân… đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về văn hóa doanh nhân, đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh gắn với kinh doanh có trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tới dự sự kiện có ông Phan Xuân Thủy – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI, TS. Nguyễn Thị Minh Hà – nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Hà Nội, TS. Lương Minh Huân – Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI), bà Vi Thanh Hoài – Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch); lãnh đạo, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp, chuyên gia, hội doanh nhân, sinh viên…
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI phát biểu
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI cho biết: Chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là phát triển kinh tế luôn đi đôi với phát triển văn hóa, bảo đảm công bằng xã hội, thương yêu, tôn trọng con người, lấy người dân làm chủ thể và là mục tiêu phát triển bền vững. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Trong hành trình xây dựng và phát triển đất nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang không ngừng lớn mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, điều làm nên bản sắc và sức mạnh nội lực thực sự của một doanh nghiệp không chỉ nằm ở quy mô tài sản hay doanh thu, mà còn nằm ở chính văn hóa của doanh nghiệp đó – những giá trị mà doanh nghiệp lựa chọn, nuôi dưỡng và lan tỏa.
Nghị quyết 41-NQ/TW đã đưa ra nhiệm vụ: Xây dựng văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới. Xây dựng những giá trị, các chuẩn mực của văn hóa kinh doanh quốc gia chính là yếu tố cốt lõi để thành công, “văn hóa soi đường doanh nhân đi”.
Để xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh phải bắt đầu từ doanh nhân và doanh nghiệp. Đối với doanh nhân, năm 2022, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức kinh doanh gồm: (1) tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; (2) tuân thủ pháp luật; (3) minh bạch, công bằng, liêm chính; (4) sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; (5) tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (6) yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Sáu quy tắc này cũng đã được đưa vào sách giáo khoa Giáo dục Kinh tế và pháp luật 11 để dạy cho các em học sinh. VCCI cũng đang tích cực triển khai thực hiện đề án “Thúc đẩy xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2024-2030” mà hoạt động diễn đàn hôm nay là một trong số những hoạt động này.
VCCI đã xác định việc xây dựng và phát huy văn hóa kinh doanh, đạo đức, văn hóa doanh nhân là một trong ba nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ này. Chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng chuẩn mực đạo đức kinh doanh, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm xã hội, nâng cao năng lực quản trị, và gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc trong môi trường kinh doanh hiện đại.
Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VCCI. Trong những năm qua VCCI đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động để vận động, nâng cao hiệu quả trong việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại các doanh nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như của toàn nền kinh tế.
Tôi mong rằng, từ diễn đàn này, những câu chuyện, những kinh nghiệm quý báu sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn nữa, góp phần hình thành nên một cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn có bản lĩnh, có đạo đức, có trách nhiệm – một cộng đồng doanh nghiệp thực sự là trụ cột của nền kinh tế và là niềm tự hào của đất nước.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phan Xuân Thủy – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh: VCCI là tổ chức tập hợp sức mạnh của các doanh nghiệp trong cả nước, đã tiên phong thúc đẩy văn hóa kinh doanh Việt Nam để các doanh nhân, doanh nghiệp hướng tới “Lợi ích hài hòa – Phát triển bền vững”, vì mục tiêu “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”. Điều này hoàn toàn phù hợp với đường lối của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy con người làm trung tâm.
Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương
Ông Phan Xuân Thủy – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh: VCCI là tổ chức tập hợp sức mạnh của các doanh nghiệp trong cả nước, đã tiên phong thúc đẩy văn hóa kinh doanh Việt Nam để các doanh nhân, doanh nghiệp hướng tới “Lợi ích hài hòa – Phát triển bền vững”, vì mục tiêu “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”
VCCI trong thời gian vừa qua đã tích cực và quyết liệt trong việc khởi xướng, lan tỏa và tổ chức các hoạt động thúc đẩy xây dựng và thực hành đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, và hôm nay là một sự kiện tiếp nối với chủ đề ý nghĩa và cần thiết: “Kinh doanh có trách nhiệm”. Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh là những yếu tố nền tảng góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập bền vững.
Để hiện thực hóa mục tiêu “kinh doanh có trách nhiệm”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị: Với doanh nhân: Coi đạo đức là “thương hiệu” cốt lõi, tuân thủ pháp luật, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chung tay giải quyết các vấn đề xã hội. Với VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp: Tiếp tục lan tỏa 6 Quy tắc Đạo đức Doanh nhân Việt Nam, kết nối doanh nghiệp với các giá trị văn hóa dân tộc. Với cơ quan quản lý: Hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững.
Thời gian qua, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã phối hợp với VCCI, các hiệp hội triển khai nhiều chương trình để nâng cao vị thế và vai trò của đội ngũ doanh nhân như: Ban Tuyên giáo, Ban Kinh tế Trung ương và VCCI đã phối hợp tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết 41/NQ-TW với trên 206 nghìn đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Đây là lần đầu tiên một Nghị quyết về doanh nhân, doanh nghiệp được triển khai với quy mô lớn như vậy. Đến nay Chính phủ, các bộ, ngành và 63/63 tỉnh thành đã ban hành chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 41, thể hiện quyết tâm, sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trong thời kỳ mới.
Ông Nguyễn Văn Chương – Tổng biên tập Tạp chí Đồ uống Việt Nam, đại diện Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) tham dự Diễn đàn
Ngày 19/5/2022, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, gồm: (1) tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; (2) tuân thủ pháp luật; (3) minh bạch, công bằng, liêm chính; (4) sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; (5) tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (6) yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Diễn đàn thu hút hơn 200 đại biểu là doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, Hiệp hôi DN trên cả nước
Diễn đàn đã nghe các nhà quản lý, chuyên gia, Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nhân chia sẻ về những giá trị căn bản của văn hóa kinh doanh Việt Nam cũng như những nội hàm của văn hóa kinh doanh, những yếu tố tác động đến văn hóa kinh doanh; kinh doanh có trách nhiệm là gì, làm sao để thực hành kinh doanh có trách nhiệm và vai trò của doanh nhân để thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm; Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của Doanh nhân… từ đó thấy rõ, doanh nhân như một lực lượng kiến tạo quốc gia và văn hóa của người lãnh đạo có thể thay đổi xã hội và đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quyết định sự sống còn của một doanh nghiệp…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới phát triển năng động, Nền kinh tế nước ta hôm nay trong kỷ nguyên mới, đang vươn mình trỗi dậy gia nhập nhóm dẫn đầu thế giới, đã xuất hiện đội ngũ các doanh nghiệp dân tộc sánh vai các doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp có triển vọng sẽ vươn lên tầm ganh đua toàn cầu. Đây cũng là sứ mệnh lịch sử của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đã xác định yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát huy đội ngũ doanh nghiệp dân tộc trong thời kỳ mới. Đặc biệt, trong những ngày cuối năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đây chính là một định hướng chiến lược dẫn lối cho các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.
Các đại biểu tham dự diễn đàn chụp ảnh lưu niệm
Tại Diễn đàn, một số doanh nghiệp có uy tín, doanh nghiệp khởi nghiệp đã có những chia sẻ về những thành công cũng như mục tiêu của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, nhất là việc nâng cao trách nhiệm đối với cộng đồng, thực hiện tốt kinh doanh có trách nhiệm, tiêu biểu như Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi, Công ty TNHH Dịch Vụ & XNK Ánh Hồng…
Các đại biểu tham dự Diễn đàn đều đánh giá cao ý nghĩa thiết thực của Diễn đàn Văn hóa Doanh nhân năm 2025, đây là dịp để các cơ quan, doanh nghiệp cũng như các doanh nhân chia sẻ, lắng nghe và tự điều chỉnh mình để kinh doanh có trách nhiệm, tuân thủ các quy định của pháp luật, sản xuất ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn, có trách nhiệm với cộng đồng vì sự phát triển bền vững và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.