“Mục tiêu của chúng tôi chính là lấy chất lượng đào tạo và đạo đức nghề nghiệp làm mục tiêu phấn đấu – Đó cũng là yếu tố quyết định sự sống còn của Trung tâm” – Ông Chung Thành Ngà, Giám đốc Trung tâm đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải Bình Định nhấn mạnh. Không những thế, bằng việc xây dựng cách làm mới, mang nét riêng, Trung tâm sẽ còn tiếp tục tự hào là nơi đào tạo lái xe có chất lượng tốt nhất tại Bình Định.
Vượt khó
Theo Quyết định số 371/QĐ-UB vào ngày 02/03/1996, Trung tâm đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải Bình Định được thành lập. Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, đơn vị đã gặp nhiều khó khăn, khi chỉ có 08 CBVC (07 Đảng viên) nhưng lại không có môi trường vật chất tối thiểu cần thiết (như mặt bằng trụ sở, tài sản, kinh phí thường xuyên) để hoạt động. Song, với tinh thần “tự thân vận động”, đơn vị đã tự mình lựa chọn hướng đi riêng. Cụ thể, Trung tâm vừa thuê mặt bằng, nhà xưởng; vừa tuyển thêm giáo viên dạy thực hành lái xe; vừa vận động CBCNV đóng góp tiền cho đơn vị mượn để thực hiện kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu (như cải tạo nhà xưởng thành nơi làm việc, phòng học, xưởng thực tập; mua lại một số bàn ghế, dụng cụ thiết bị, bàn ghế của học sinh làm xưởng, phòng làm việc; mua 12 xe ô tô các loại đã qua sử dụng để sửa chữa, hoán cải thành xe ô tô tập lái các hạng B, C, D và hạng E). Từ năm 1999 trở đi, nhiệm vụ đào tạo nghề lái xe cơ giới đường bộ luôn được Trung tâm thực hiện tốt.
Không những thế, đơn vị cũng đã thực hiện ứng dụng thiết bị mới và CNTT để đưa dần công tác sát hạch lái xe theo hướng tự động hóa đảm bảo kết quả sát hạch chính xác và khách quan nhất. Trung tâm cũng đã tiến hành xin chủ trương thành lập dự án xây dựng trung tâm sát hạch – cấp giấy phép tập trung tại Bình Định (đã hoàn thành dự án vào tháng 05/2005, với tổng mức đầu tư là 13,53 tỷ đồng) – Điều này đã đáp ứng tốt tính tiện ích, tiết kiệm được chi phí và thời gian cho CBCNV nhân dân tỉnh khi có nhu cầu học, sát hạch cấp giấy phép lái xe. Cùng dự án khu nhà hai tầng (diện tích 1,269m2) và dự án khu nhà 4 tầng (diện tích 2,308 m2) đã và đang tạo dựng diện mạo Trung tâm ngày càng hiện đại. Đặc biệt, trong tháng 08/2016 vừa qua, Dự án đầu tư nâng cấp, bổ sung phương tiện, thiết bị chấm điểm tự động sát hạch lái xe đã được đơn vị thực hiện từ sát hạch lý thuyết đến sát hạch kỹ năng lái xe trong hình và trên đường giao thông công cộng.
“Không mệt mỏi”
Đi lên từ con số “0”, đến nay Trung tâm đã đầu tư một số tài sản cần thiết cho nhiệm vụ với giá trị trên 277 triệu đồng. Có lẽ khó khăn lớn nhất của đơn vị chính là việc thu hút lực lượng học viên. Như ông Ngà nói “Thế trận cứ dồn thế trận, khó khăn cứ chồng chất lên nhau; nhưng có lẽ động lực để đơn vị vượt qua chính là tinh thần đoàn kết, luôn kề vai sát cánh của cả tập thể; họ đã không ngần ngại chọn lọc, học hỏi kinh nghiệm để xây dựng nên một “thương hiệu” riêng của Trung tâm. Hiện đơn vị vẫn sẽ tiếp tục thực hiện phương châm “vừa xây dựng, vừa thực hiện đào tạo; đào tạo để xây dựng, xây dựng để phục vụ cho đào tạo”. Thay mặt Ban lãnh đạo, tôi xin trân quý tấm lòng và công sức lao động của các anh em. Đây chắc chắn sẽ là niềm động lực đáng quý, để chúng tôi tiếp tục phát huy tốt hơn nhiệm vụ của mình”
Hiện đơn vị đã và đang thực hiện liên kết đào tạo với các Trường (như Trường Cao đẳng nghề GTVT Đường thủy II. Trường Đại học GTVT Hà Nội; Trường Cao đẳng GTVT II…). Bằng sự cố gắng, bền bỉ và tinh thần đoàn kết, vị thế Trung tâm đã dần được củng cố, dần đáp ứng tốt yêu cầu phát triển ngày càng cao của Ngành. Tin chắc rằng trên “hành trình” này, đơn vị sẽ còn từng bước trở thành thương hiệu đào tạo đáng tin cậy, xứng đáng với những giá trị mà thế hệ đi trước đã gầy dựng nên./.
Bảo Châu – Minh Kiệt