(ĐCSVN)- Ngày 22/8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật.
Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các văn, nghệ sĩ, các chuyên gia, nhà quản lý về văn hóa về những bất cập trong công tác xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định số 90/2014/NĐ- CP về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật.
Theo quy định số 90/2014/NĐ- CP tiêu chuẩn để xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật là: Đã được Giải Vàng, Giải A hoặc Giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT cấp quốc gia do Bộ VH-TT&DL tổ chức. Hoặc đã được Giải thưởng cao nhất của Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về VHNT quốc tế… Tuy nhiên, tại Hội thảo này, nhiều ý kiến cho rằng quy định phải có giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm làm tiêu chuẩn để đánh giá giá trị đặc biệt xuất sắc hoặc xuất sắc cho các tác phẩm là chưa phù hợp. Cụ thể, với những tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn trước giải phóng miền Nam, tác phẩm mặc dù rất có giá trị nhưng do giai đoạn này đất nước có chiến tranh, ít có các cuộc thi được tổ chức hoặc do điều kiện khách quan nên không có các cuộc thi sáng tác về VHNT hàng năm đối với một số lĩnh vực…Nếu vì các tác phẩm này không có giải thưởng của Bộ VH-TT&DL và các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương theo quy định mà không xét sẽ bỏ sót việc tôn vinh nhiều tác phẩm thực sự có giá trị trong đời sống xã hội.
Cũng theo quy định hiện hành, những tác phẩm được “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật phải có tỉ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng các cấp đạt 90% trở lên mới được trình cấp cao hơn. Hầu hết các nghệ sĩ tham dự Hội thảo đều cho rằng tiêu chuẩn này là quá cao dẫn tới làm khó các nghệ sĩ.
Ông Trần Hữu Sơn- Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: “Khi xét giải tỉ lệ 90% số phiếu là quá cao. Nếu chỉ vì cảm tính mà một người không bỏ phiếu là tác phẩm dù có chất lượng tới đâu cũng có thể bị trượt oan. Và như vậy có nghĩa là mỗi lá phiếu của mỗi thành viên trong Hội đồng đều mang tính quyết định.Theo ông Trần Hữu Sơn tỉ lệ xét giải nên để 75% là vừa phải.
Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng vì tỉ lệ phiếu các cấp phải đạt 90% trở lên nên nhiều người đến vòng Hội đồng Nhà nước rồi mà vì thiếu 1 phiếu lại trượt như vậy sẽ bỏ sót những tác phẩm giá trị thực sự có chất lượng, đồng thời lại tạo điều kiện cho những tác phẩm của những tác giả có thể vận động hành lang tốt…
Cùng với việc giảm tỉ lệ dưới 90% thì nhiều đại biểu dự Hội thảo cho rằng, cần nâng cao chất lượng của Hội đồng cấp Nhà nước. Hiện nay, 28 thành viên của Hội đồng này thuộc nhiều Bộ, ngành, và các chuyên ngành khác nhau trong đó có cả Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Theo nhiều đại biểu, thành viên của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nên nằm trong Hội đồng cơ sở, vì chức năng chủ yếu là xét về nhân thân.
Sau Hội nghị, các ý kiến góp ý sẽ được Bộ VH-TT&DL tổng hợp và đề xuất sửa đổi. Dự kiến, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật sẽ được áp dụng năm 2020./.
Theo dangcongsan.vn