Bằng việc xác định được điểm “nghẽn” là hạ tầng giao thông còn yếu, Long An đang tập trung mọi nguồn lực cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm.
02 chương trình đột phá, 03 công trình trọng điểm
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Long An xác định 3 công trình trọng điểm: Đường tỉnh 830, đường Vành đai Tp. Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây và Trục giao thông hạ tầng đô thị Tiền Giang – Long An – Tp. Hồ Chí Minh; và 02 chương trình đột phá: huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.
Về tiến độ thực hiện, Sở KH-ĐT Long An thẳng thắn nhìn nhận tiến độ triển khai 03 công trình trọng điểm chưa đạt yêu cầu của kế hoạch.
Cụ thể, đối với đường vành đai Tp. Tân An và dự án cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, hiện tỉnh đang tiến hành công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng, dự kiến đoạn từ QL 1 đến đường ĐT. 827A sẽ khởi công vào tháng 10/2019. Trong khi đó, công trình trục hạ tầng giao thông đô thị kết nối Tp.HCM-Long An-Tiền Giang đã hoàn tất quy hoạch hướng tuyến, nhà đầu tư đang nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư. Riêng đối với công trình đường tỉnh 830, tiến độ có phần khá hơn và dự kiến hoàn thành trong năm 2019.
Liên quan đến công tác huy động nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, hiện tỉnh đã hoàn thành 7/12 công trình, 5 công trình đang triển khai, 01 đang chuẩn bị đầu tư và 01 đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và hoàn chỉnh thủ tục để khởi công.
Đối với chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, hiện 15/15 huyện, thị, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc, xác định cụ thể vùng đề án để triển khai. Kết quả ban đầu là khả quan, tạo được sức lan toả và sự ủng hộ của người dân. Nhiều hộ dân đã học tập, đầu tư nhà lưới và hệ thống tưới tiết kiệm.
Đối với các dự án đầu tư tư nhân, hiện nay tỉnh cũng đã kêu gọi được và đang tiến hành các thủ tục để tiếp nhận, triển khai các dự án của các nhà đầu tư lớn như Vingroup, Becamex-VSIP, Ecoland…
Nâng cao chỉ số PCI, tăng cường thu hút đầu tư
Một loạt các giải pháp quyết liệt từ cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đến phát triển hạ tầng giao thông…đã được tỉnh chú trọng triển khai nhằm tạo điểm thu hút mới cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Mục tiêu của Long An là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, khắc phục những bất cập và thiếu sót để nâng cao chỉ số PCI.
Từng địa phương, cơ quan đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao chỉ số PCI và công tác hỗ trợ doanh nghiệp, công khai và kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Điểm nổi bậc trong chỉ số PCI 2018 của Long An chính là sự năng động của lãnh đạo trong việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Hiện nay, trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính từ 18 sở, ngành. Thời gian thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư được rút ngắn từ 35 ngày xuống còn 20 ngày; thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư là 10 ngày làm việc; các thủ tục hành chính đối với lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp giảm từ 3 ngày làm việc xuống còn 1 ngày.
07 nhóm giải pháp tạo đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội
Với phương châm: “xem khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng là khó khăn của tỉnh, thành công của họ cũng chính là thành công của tỉnh”, Long An đã xác định bảy nhóm giải pháp chính làm đòn bẩy phát triển kinh tế – xã hội: phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN); tạo quỹ đất sạch phát triển KCN-CCN; thu hút đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN-CCN; phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong và ngoài KCN-CCN; thu hút đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp vào KCN-CCN; liên kết phát triển KCN-CCN và đổi mới công tác quản lý nhà nước về KCN-CCN.
Việc xác định các nhóm giải pháp này sẽ giúp Long An hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch đề ra, hướng đến phát triển nhanh và bền vững. Hiện tỷ trọng nông nghiệp chiếm 15%, công nghiệp 50%, dịch vụ 35%, Long An phấn đấu trở thành đầu tàu kinh tế khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Để đạt mục tiêu này, Long An sẽ tiếp tục tạo các bước đột phá trong thu hút đầu tư và giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, môi trường. Tiếp đến là thu hút mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước cũng như nguồn lực xã hội thông qua các kênh đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật khác theo hướng hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, tỉnh sẽ không ngừng cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, giảm đến mức thấp nhất chi phí và thời gian cho các DN đến Long An đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.
Minh Tuấn