Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2019 trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tầm nhìn, niềm tin và trí tuệ được phát huy từ những thành tích đã đạt được trong nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Cần Giuộc đang phát huy truyền thống anh hùng “đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, năng động, phát triển” để tận dụng, nắm bắt tốt thời cơ, đẩy lùi khó khăn, thách thức… nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra, tạo tiền đề vững chắc cho mục tiêu trở thành huyện công nghiệp vào năm 2020.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính
Thời gian qua, trên cơ sở phát huy lợi thế địa lý, huyện Cần Giuộc đã quy hoạch, phát triển, khai thác có hiệu quả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: trồng rau đạt chuẩn VietGap, nuôi tôm cua nước lợ, từng bước ứng dụng công nghệ tạo chuỗi nông sản an toàn cung ứng cho thị trường TP.Hồ Chí Minh. Cụ thể, diện tích rau màu được gieo trồng 1.750ha, trong đó diện tích trồng rau ứng dụng công nghệ cao lũy kế đến nay đạt 750ha, lãi suất cao hơn sản xuất truyền thống từ 02 đến 06 triệu đồng/1.000m2; tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ năm 2019 đến nay là 950ha, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao khoảng 180ha, lợi nhuận trung bình từ 150-200 triệu đồng/ha, đặc biệt có hộ thu lợi nhuận 500-600 triệu đồng/ha… Bước đầu cho thấy hiệu quả của các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã giúp cho nông dân tiết kiệm được chi phí, ngày công lao động trong nuôi tôm và phần lớn sản lượng rau của một số HTX, tổ hợp tác được đảm bảo đầu ra ổn định. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, xã văn hóa được tập trung thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là đã nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân và các tổ chức trong công tác huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.
Riêng hoạt động sản xuất công nghiệp – TTCN trên địa bàn huyện vẫn giữ được nhịp độ ổn định và phát triển, đóng góp tích cực cho ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt đạt 7.341 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ. Các loại hình dịch vụ phát triển nhanh, tổng doanh thu thương mại – dịch vụ trên địa bàn huyện ước đạt 2.043,7 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2019 Cần Giuộc đã cấp 260 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký 46,1 tỷ đồng; tiếp nhận đầu tư 10 dự án với diện tích 706,52ha. Ngoài ra, có 13 dự án doanh nghiệp thứ cấp đầu tư ở các khu công nghiệp đăng ký vốn cấp mới và 05 dự án điều chỉnh tăng vốn, lũy kế có 336 dự án (196 dự án FDI, 140 dự án DDI) với tổng diện tích cho thuê là 375ha, tổng diện tích nhà xưởng 315.849m2. Đặc biệt, dịch vụ logistics khu Cảng Quốc tế Long An bước đầu hoạt động, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của huyện.
Bên cạnh đó, tiến độ, kết quả thực hiện các công trình trọng điểm, chương trình đột phá đạt khá; hệ thống cung cấp nước sinh hoạt cho các xã vùng hạ cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên; quốc phòng – an ninh được giữ vững.
Thời gian tới, Cần Giuộc tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình đột phá và công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ huyện; đẩy mạnh phát triển kinh tế đúng hướng, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường; đầu tư phát triển đô thị; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ đó, thúc đẩy kinh tế phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tính đến tháng 8/2019, trên địa bàn huyện đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư 91 dự án khu, cụm công nghiệp, đô thị, dân cư, tái định cư, dân cư-tái định cư-thương mại và dịch vụ, nghĩa trang…với tổng diện tích khoảng 3.781,44 ha. Trong đó: có 07 KCN (diện tích là 1.938,66 ha); 05 CCN (diện tích 219ha); 76 dự án dân cư, tái định cư, thương mại, dịch vụ (diện tích 1.576,78ha).