Đứng chân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, những năm qua Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang (Tiwaco) luôn chú trọng đổi mới phương thức quản lý, đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cấp nước, đảm bảo cung ứng đầy đủ nước sạch phục vụ nhu cầu dùng nước của nhân dân, sự phát triển của các ngành kinh tế cũng như công cuộc thu hút đầu tư vào tỉnh nhà.
Mạnh mẽ chuyển mình
Tỷ lệ thuận với nhu cầu nhịp sống đô thị, năng lực phục vụ cũng như công suất phát nước của Tiwaco ngày càng được nâng cao. Hiện nay Công ty có tổng cộng 8 nhà máy nước mặt và 191 trạm giếng cấp nước với tổng công suất thiết kế 203.000 m3/ngày đêm, công suất khai thác 143.000 m3/ngày đêm (đạt 70,5 % công suất thiết kế). Các trạm giếng và hệ thống cấp nước của Công ty phủ khắp trên địa bàn tỉnh. Với năng lực vượt trội và mạng lưới cấp nước rộng khắp, Tiwaco luôn đảm bảo cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn Tp.Mỹ Tho cũng như các địa phương trong tỉnh.
Năm 2016 ghi dấu cột mốc quan trọng khi UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định 1921/QĐ-UBND sáp nhập Công ty TNHH MTV Cấp nước Nông thôn Tiền Giang vào Tiwaco, quản lý thống nhất doanh nghiệp nhà nước về cấp nước. Từ sau khi sáp nhập đến nay, hoạt động của Tiwaco đã dần đi vào ổn định và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Đơn vị đã đáp ứng hiệu quả nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, không có “điểm nóng” về nhu cầu sử dụng nước; chất lượng nước đảm bảo theo Quy chuẩn của Bộ Y tế. Công tác xây dựng cơ bản thực hiện đúng trình tự thủ tục, đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình. Công tác ghi thu được hiện đại hóa, chất lượng dịch vụ khách hàng từng bước được nâng cao. Các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch; tăng trưởng đều qua các năm. Cụ thể năng suất lao động tăng 11 %; số hộ sử dụng nước tăng 10 % (từ 199.000 hộ năm 2016 tăng lên 219.000 hộ năm 2019); sản lượng nước ghi thu tăng 11,5 % (năm 2016 là 35,8 triệu m3, kế hoạch năm 2019 là 40,5 triệu m3); doanh thu tăng 24,9 % (từ 261 tỷ đồng năm 2016 tăng lên 326 tỷ đồng năm 2019). Tỷ lệ thất thoát nước sạch giảm 6,2 % (từ 28,3 % năm 2016 giảm còn 22,1% năm 2019).
Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm – dịch vụ cấp nước
Những năm gần đây, tình hình hạn, mặn đối với Tp.Mỹ Tho và các huyện, thị xã phía Đông của tỉnh diễn ra rất phức tạp do sự tác động của biến đổi khí hậu; việc cung cấp nước vào mùa khô gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, vần đề nâng cao chất lượng nước và áp lực nước cung cấp, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh được Tiwaco đặc biệt chú trọng, xem đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Giám đốc Tiwaco – ông Lê Văn Khiết cho biết vào mùa khô nhu cầu sử dụng nước của nhân dân Tp.Mỹ Tho và các huyện, thị xã phía Đông của tỉnh tăng lên rất nhiều (trên 150%) so với ngày thường nên thường xảy ra hiện tượng thiếu nước cục bộ tại một số điểm cuối nguồn. Để khắc phục vấn đề này, Công ty thực hiện tiếp nhận nước từ nguồn nước của Nhà máy nước Đồng Tâm giai đoạn 1 cung cấp cho Tp.Mỹ Tho và các huyện thị xã phía Đông của tỉnh ổn định; hiện nay đã tiếp nhận hết công suất của Nhà máy nước Đồng Tâm giai đoạn 1 là 50.000m3/ngày đêm. Ngoài ra Tiwaco còn thực hiện đầu tư các dự án cấp nước nhằm nâng lượng nước và áp lực nước cung cấp đến người dân như: dự án xây dựng mạng lưới đường ống tiếp nhận nước sạch từ hệ thống cấp nước Đồng Tâm phân phối cho thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông – giai đoạn 1; dự án cấp nước cho huyện Tân Phú Đông – tỉnh Tiền Giang; dự án trạm bơm tăng áp Chợ Gạo…Xây dựng tuyến ống chuyển tải vượt sông cửa Trung; các tuyến ống chuyển tải và phân phối dọc theo các trục giao thông chính…
Về chất lượng nước, Tiwaco thực hiện giám sát nội kiểm và tuân thủ chế độ báo cáo theo Thông tư 50/TT/BYT; lắp đặt hệ thống khử Asen, hệ thống khử trùng cho các trạm giếng cấp cho khu vực nông thôn. Công ty còn hợp tác với Tập đoàn Jica của Nhật Bản nghiên cứu khử chất hữu cơ nước sông Ba Rài tại Xí nghiệp Cấp nước TX.Cai Lậy với những bước đầu thăm dò làm tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo. Chất lượng nước phát ra tại nhà máy nước Mỹ Tho, Bình Đức ổn định và đạt QCVN 01:2009/BYT; các chỉ tiêu về độ mặn được kiểm soát trong giới hạn cho phép. Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại nguồn nước và chất lượng nước trên hệ thống quản lý của Công ty là ổn định, chất lượng nước đạt theo Quy chuẩn quốc gia QCVN 01, 02:2009/BYT.
Song song với nâng cao chất lượng nước cung ứng, Tiwaco còn quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, hướng đến sự hài lòng của khách hàng. Bắt đầu từ tháng 06/2018, Công ty áp dụng ghi chỉ số đồng hồ bằng điện thoại thông minh; phát hành hóa đơn điện tử, áp dụng từ kỳ hóa đơn tháng 8/2018; áp dụng phần mềm thu tiền nước bằng điện thoại thông minh kết hợp với máy in không dây để in biên nhận thu tiền tại nhà khách hàng. Ngoài ra Tiwaco còn triển khai Cổng thông tin một cửa điện tử nhằm rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục trong các dịch vụ khách hàng như lắp đặt mới, nâng dời, kiểm định đồng hồ…; áp dụng cổng giao tiếp với các kênh thanh toán trực tuyến như qua kênh ngân hàng, Viettel pay…Bên cạnh quản lý bản đồ hệ thống mạng lưới cấp nước, tra cứu thông tin trên phần mềm TIWAGIS, Tiwaco cũng đang xây dựng bản đồ quản lý hệ thống cấp nước trực tuyến để nhân viên và người dân có thể tra cứu thông tin trên bản đồ GIS; đồng thời đang thí điểm sử dụng đồng hồ nước thông minh, tự gửi dữ liệu sản lượng nước về máy chủ trung tâm.
Ông Khiết cho biết với mục tiêu tạo sự chuyển biến trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng, thời gian tới Tiwaco tiếp tục dành sự quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng mong đợi của khách hàng. Cùng với các nhân tố khác, đây chính là chìa khóa thành công của Tiwaco nói riêng – cộng đồng doanh nghiệp nói chung trên bước đường hội nhập và phát triển.