Chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất khí, điện, đạm là những ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực công nghiệp – xây dựng và là một trong những động lực quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Cà Mau.
Công nghiệp, thương mại tăng trưởng ổn định
“Nhìn chung trong thời gian qua, tuy tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, cùng với sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy và UBND tỉnh nên các lĩnh vực của ngành Công thương vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định”, ông Nguyễn Văn Đô – Giám đốc Sở Công thương Cà Mau phấn khởi cho biết.
Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp tăng dần qua từng năm, cụ thể chỉ số phát triển công nghiệp năm 2017 tăng 3,11%, năm 2018 tăng 8,16%. Trong năm 2018, công tác tiếp nhận và vận hành Nhà máy Xử lý khí (GPP) Cà Mau là một điểm nhấn, có tác dụng nâng tầm chuỗi giá trị Khí – Điện – Đạm Cà Mau. Năm 2018, GPP Cà Mau đã sản xuất được khoảng 165.014 tấn bao gồm sản phẩm LPG và condensate.
Năm 2019, các sản phẩm chủ yếu: sản lượng chế biến tôm ước đạt 157.419 tấn, đạt 109,39% kế hoạch, tăng 5,45 % so cùng kỳ,; Sản lượng khí thô thương phẩm ước đạt 1.949 triệu m3, đạt 97,45% kế hoạch, tăng 7,26% so với cùng kỳ; Sản lượng điện sản xuất ước đạt 7.556 triệu kWh, đạt 94,45% kế hoạch, tăng 2,57% so cùng kỳ; Sản lượng đạm ước đạt 860.173 tấn, đạt 107,52% kế hoạch, tăng 6,65% so cùng kỳ; Sản lượng khí hóa lỏng ước đạt 146.205 tấn, đạt 86% so với kế hoạch, bằng 92,51% so cùng kỳ.
Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.168,1 triệu USD, đạt 97,34% kế hoạch, tăng 3,55% so với cùng kỳ. Trong đó: tôm chế biến ước đạt 1.115,24 triệu USD, đạt 95,32% kế hoạch, tăng 1,82% so với cùng kỳ; phân đạm ước đạt 52,86 triệu USD, đạt 176,2% kế hoạch, tăng 62,35% so với cùng kỳ.
Đảm bảo mạng lưới năng lượng
Hệ thống lưới điện nông thôn được ưu tiên đầu tư, nhất là các xã phấn đấu xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới, trong giai đoạn 2016-2019 đã đầu tư, cải tạo: 576,4 km đường dây trung thế, 824,7 km đường dây hạ thế, tổng công suất trạm biến áp 54,2 MWA với tổng vốn đầu tư 587,5 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho người dân, góp phần tăng tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn tỉnh đạt 305.513/305.654 hộ, giảm 19.167 hộ dân sử dụng điện chia hơi so với năm 2015; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện tăng từ 97,5% lên 99,93%; chương trình điện khí hóa nông thôn, lưới điện được kiện toàn, cung cấp điện năng khá ổn định và liên tục, cơ bản đáp ứng nhu cầu cho các hoạt động kinh tế, xã hội, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; đặc biệt là đảm bảo phụ tải cho nhu cầu nuôi tôm công nghiệp, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đồng thời, hằng năm Công ty Điện lực Cà Mau đảm bảo thực hiện theo chi đúng chỉ đạo của Tổng Công ty Điện lực miền Nam về quy định việc áp giá bán lẻ điện theo quy định của Bộ Công Thương cho các cho các thành phần mua điện.
Theo ông Nguyễn Văn Đô, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo quy hoạch được phê duyệt là rất lớn, để phát huy tiềm năng lợi thế tạo cơ sở pháp lý nhằm thu hút nhà đầu tư, tỉnh cơ bản đã chủ động lập xong các quy hoạch điện gió và điện mặt trời. Trong thời gian vừa qua, tỉnh Cà Mau đã tiếp và làm việc với rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu các dự án năng lượng tái tạo cũng như các dự án điện khí LNG, đến nay đã có trên 30 nhà đầu tư chính thức tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án với tổng công suất khoảng 12.000MW, cụ thể: điện gió có 29 dự án được nhà đầu tư đề xuất với tổng công suất 6.050 MW (có 08 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng công suất 550MW đang triển khai đầu tư); điện mặt trời nối lưới có 03 dự án được nhà đầu tư đề xuất với tổng công suất 1.450MW, điện khí LNG có 2 nhà đầu tư đề xuất với tổng công suất 4.500 MW. Về tiềm năng phát triển năng lương mặt trời áp mái, với quy mô diện tích nhà xưởng, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn, các doanh nghiệp đang tiếp cận nghiên cứu lắp đặt, tính đến cuối năm 2019 đã có 178 khách hàng (tổ chức, cá nhân) đầu tư lắp đặt với tổng công suất 2,59 MWp sử dụng công tơ 02 chiều để hòa lưới điện quốc gia, dự kiến đến 2020 phát triển thêm khoảng trên 4MWp.
Nâng cao hạ tầng thương mại
Cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh được đầu tư, phát triển, nhiều chợ được đầu tư nâng cấp, mở rộng theo hướng hiện đại phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nhân dân, nhất là chợ đạt tiêu chí nông thôn mới. Hàng hóa nội địa luôn phong phú, đa dạng, được hỗ trợ, khuyến khích sử dụng thông qua các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, đến nay trên địa bàn tỉnh có 72 chợ; có 46/82 xã có chợ xã và liên xã, chiếm 56,1%.
Hình thức phân phối hàng hóa đa dạng hơn, trên địa bàn tỉnh có 04 Trung tâm thương mại, 04 siêu thị và nhiều cửa hàng tiện lợi đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. Hoạt động giao thương trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, mạng lưới thương mại bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng hàng hóa được củng cố và ngày càng mở rộng về quy mô, hình thức phân phối.
Cà Mau hiện nay có trên 23.000 cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động, trong đó gần 4.400 doanh nghiệp và 18.600 hộ kinh doanh cá thể, tổng vốn đầu đăng ký trên 27.600 tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 80% phần lớn là lĩnh vực dịch vụ, thương mại, sửa chữa…. đóng góp gần 60% vào chỉ số tăng trưởng kinh tế địa phương.
Theo Sở Công thương, thông qua nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, địa phương hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trong hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Các cơ sở CNNT được đầu tư, trang bị thêm nhiều máy móc, thiết bị ứng dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại tham gia vào quá trình sản xuất, góp phần hình thành nên các sản phẩm ngày càng chất lượng, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng cả về chất lẫn lượng, gia tăng thị trường tiêu thụ không chỉ trong và ngoài tỉnh mà nó còn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương và giải quyết các vấn đề việc làm cho lao động nông thôn.
Thy Đỗ