Theo ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chưa bao giờ vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân hiện diện rõ nét trong nền kinh tế Việt Nam như hiện tại.
Tuy nhiên, sức mạnh của khu vực đang được coi là một động lực quan trọng của nền kinh tế lại đang trông vào sự quyết liệt trong hành động của Chính phủ kiến tạo và đồng hành với doanh nghiệp.
“Sức nóng” của người đứng đầu
Thưa ông, chưa bao giờ giới doanh nhân nhắc nhiều đến Chính phủ kiến tạo như hiện tại. Cũng có nghĩa họ đang trông chờ rất nhiều vào những cam kết hành động vì sự phát triển của người dân, doanh nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra và kiên quyết thực hiện kể từ khi nhậm chức. Thực tế, họ đang cảm nhận những gì về Chính phủ kiến tạo, thưa ông?
– TS Vũ Tiến Lộc: Giới kinh doanh vẫn đang nhìn thấy sức nóng trong quyết tâm cải cách của Thủ tướng Chính phủ. Sức nóng này đã duy trì suốt từ lần gặp đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vào tháng 4.2016 đến nay. Chính sức nóng này đã lan tỏa tới cộng đồng kinh doanh, tạo sự hứng khởi, niềm tin vào hoạt động của Chính phủ mới.
Trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 vào tháng 5.2017 vừa rồi, sức nóng này lại được đẩy lên, với những cam kết, hành động của người đứng đầu Chính phủ.
Mọi người hẳn còn nhớ, ngay tại hội nghị đó, sau khi nghe báo cáo của VCCI về gánh nặng chi phí mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải gồng mình chịu đựng đang cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã xác định năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Và hành động đầu tiên cũng bắt đầu từ Thủ tướng, khi ông ký Chỉ thị 20 về việc tránh thanh-kiểm tra chồng chéo giữa các đơn vị thanh tra liên ngành ngay tại hội nghị.
Có thể nói, sau chỉ đạo rà soát toàn bộ hệ thống quy định và ban hành 50 nghị định về điều kiện kinh doanh trong năm 2016, cam kết giảm chi phí cho doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2017 đã tạo nên hình ảnh rất mới của Chính phủ kiến tạo và hành động vì sự phát triển của người dân và doanh nghiệp.
Mới nhất, vào cuối tháng 8 vừa rồi, Chính phủ cũng đã yêu cầu cải cách toàn diện công tác quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành của các bộ quản lý ngành, cần được thực hiện nghiêm túc và có chuyển biến ngay từ năm 2017.
Có lẽ phải nhắc lại con số thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương về tổng chi phí kiểm tra chuyên ngành một năm mà các doanh nghiệp đang phải bỏ ra để tuân thủ các quy định liên quan để thấy hết ý nghĩa của yêu cầu trên. Số chi phí này lên tới 14,3 ngàn tỉ đồng và 28,6 triệu ngày công.
Niềm tin của giới đầu tư, kinh doanh được khơi dậy, thúc đẩy nhờ những hành động như trên.
Trong xu thế này, sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân là tất yếu, thưa ông?
– TS Vũ Tiến Lộc: Không còn rào cản nào đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là về tư duy. Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã chứng tỏ điều này.
Có nhiều thuật ngữ lần đầu tiên được gắn với khu vực kinh tế tư nhân, như xác định kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đặc biệt, Nghị quyết đã ghi rõ xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng…
Sự thay đổi đột phá về tư duy, quan điểm với khu vực tư nhân rất rõ ràng. Và điều này tác động tích cực tới Chính phủ kiến tạo, hành động, tạo nền tảng vững chắc để Thủ tướng Chính phủ phất cao ngọn cờ cải cách, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, cải cách thể chế để phục vụ sự phát triển lành mạnh của kinh tế tư nhân.
Đặc biệt, sự lui chân của Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh đang rất mạnh. Trong hai tháng vừa qua, Chính phủ đã ký ban hành các danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước cần thoái vốn thuộc các bộ, ngành, địa phương và cả Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Danh mục không chỉ có tên, tuổi mà còn xác định rõ lộ trình thoái vốn, tỉ lệ vốn nhà nước sẽ thoái.
Như vậy, cùng với danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa trong giai đoạn 2017-2020 phân theo từng năm, việc lần đầu công bố các danh mục trên phát đi thông điệp rất mạnh mẽ từ Chính phủ. Đó là Nhà nước sẽ không tham gia vào những ngành, lĩnh vực khu vực doanh nghiệp tư nhân có thể làm được. Không những thế, một chiến lược tổng thể trong cơ cấu lại tài sản của Nhà nước cũng được đưa ra ánh sáng, tạo điều kiện để giới đầu tư tư nhân có chiến lược đầu tư dài hạn và có cơ sở.
Tôi muốn nhắc lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ trong lần làm việc với Bộ Công Thương về cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương. Đó là Nhà nước sẽ không đi bán bia, bán sữa.
Không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, Nhà nước cũng đang lui chân dần khỏi các dịch vụ công và cả việc xây dựng, vận hành trung tâm hành chính công. Trung tâm hành chính công ở Quảng Ninh là ví dụ.
Cơ hội kinh doanh đang mở rộng cho khu vực kinh tế tư nhân theo bước lui chân của Nhà nước và sự hoàn thiện của cơ chế, chính sách. Nền tảng để khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam lớn mạnh, vững vàng đang được tạo lập… Nhưng, vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Nút thắt” điều kiện kinh doanh
Ông nhắc tới nhiều việc phải làm, vậy đó là những công việc gì, phải chăng vẫn là những vướng mắc trong thực thi ở cấp cơ sở như ông đã từng nói?
– TS Vũ Tiến Lộc: Tôi đã từng nói, nếu muốn biết doanh nghiệp thế nào, hãy nhìn vào hành động của từng công chức ở địa phương. Khoảng cách giữa quy định và thực thi vẫn tồn tại, cản trở hiệu lực của các chính sách tốt. Nhưng, đó chưa phải là nút thắt lớn cần phải tháo gỡ trước.
Thử nhìn lại câu chuyện của kiểm tra chuyên ngành. Hàng tỉ đồng, hàng triệu ngày công của cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan thực thi đã phải bỏ ra để tuân thủ các quy định về kiểm tra chuyên ngành, nhưng hiệu quả quản lý nhà nước lại không rõ ràng.
Ví dụ như việc kiểm tra formaldehyde trong vải nhập khẩu diễn ra vài năm, áp dụng cho 100% lô hàng nhập khẩu, với vô vàn thủ tục, nhưng tỉ lệ phát hiện vi phạm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Doanh nghiệp kiến nghị bỏ vì lãng phí, không hiệu quả, nhưng phải mất mấy năm mới thuyết phục được Bộ Công Thương bãi bỏ yêu cầu này.
Nhiều thủ tục không hợp lý, không cần thiết và quan trọng là không có hiệu quả quản lý nhà nước kiểu như trên vẫn đang tồn tại, doanh nghiệp cũng kiến nghị bỏ nhưng chưa được.
Tôi muốn nhắc lại câu hỏi của đại diện một bộ quản lý chuyên ngành, khi nghe VCCI kiến nghị bỏ xác nhận đủ điều kiện, thay vào đó là cơ quan quản lý nhà nước công bố điều kiện làm cơ sở cho doanh nghiệp tự thực hiện, việc kiểm tra chuyển sang hậu kiểm. Ông ấy thắc mắc, nếu không đóng dấu xác nhận thì cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra bằng cái gì?
Rõ ràng, nút thắt cần gỡ không chỉ là cấp thực thi, mà còn chính ở các bộ, ngành, do tư duy quản lý nhà nước không theo kịp nhận thức mới về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, vẫn nghi ngờ doanh nghiệp và coi công cụ quản lý nhà nước vẫn là các loại giấy phép, cơ chế xin-cho.
Hệ quả là sau cuộc chiến thắng lợi với giấy phép con vào cuối năm 2016, hầu như không có bộ, ngành nào thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động rà soát tiếp tục các quy định về điều kiện kinh doanh, đề xuất sửa đổi, thay thế cho phù hợp với yêu cầu mới của nền kinh tế, của quản lý nhà nước.
Phải nhấn mạnh, các “rào cản” thị trường này tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới, các doanh nghiệp start-up – chính là một động lực quan trọng của tăng trưởng.
Thủ tướng Chính phủ đã nhìn thấy thực trạng này. Trong phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật vào cuối tháng 8.2017, Thủ tướng đã một lần nữa yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh, thưa ông.
– TS Vũ Tiến Lộc: Đây là tin vui với cộng đồng kinh doanh, vì điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang bó buộc các ý tưởng sáng tạo của doanh nghiệp, thậm chí khiến doanh nghiệp không muốn làm ăn lâu dài.
Nhưng, các doanh nghiệp cần nhìn thấy sự thay đổi về tư duy quản lý nhà nước của người đứng đầu các bộ, ngành và các công chức tham gia xây dựng cơ chế, chính sách này.
VCCI và CIEM đã có nghiên cứu độc lập và trình Thủ tướng Chính phủ các đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh. Chúng ta hoàn toàn có thể cắt giảm một nửa trong số các điều kiện kinh doanh hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến quản lý nhà nước.
Tại sao cơ quan quản lý nhà nước lại buộc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách trình duyệt phương án kinh doanh? Tạo sao bắt các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm phải đầu tư thiết bị để sản xuất toàn bộ linh kiện của chiếc mũ, thay vì họ có thể sử dụng các doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu… Tại sao quy định giấy chứng nhận đủ điều kiện có thời hạn là 5 năm?
Có nhà đầu tư nào bỏ tiền đầu tư thực sự khi không dám chắc sau 5 năm họ có được phép làm nữa không… Cách thức can thiệp vào thị trường, làm méo mó thị trường còn tạo dư địa cho cơ chế xin-cho, cho các doanh nghiệp sống bằng quan hệ…
Nếu không gỡ bỏ nút thắt về tư duy quản lý nhà nước này, rất khó tạo được động lực lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân. Và doanh nghiệp tư nhân sẽ vẫn chọn nhỏ để né tránh rủi ro pháp lý. Nến kinh tế sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững nếu động lực tăng trưởng quan trọng thiếu động cơ lớn lên, mạnh hơn.
Đây là lý do các doanh nghiệp muốn nhìn thấy các hành động cụ thể từ các bộ, ngành trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cũng như các quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành. Hành động của Chính phủ sẽ quyết định hành động của cộng đồng kinh doanh.
Hiện tại, vào lúc này, các doanh nghiệp tư nhân đang thực sự muốn lớn mạnh, muốn trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế…