Từ Núi Ngọc – Hàm Rồng đi men theo đê tả ngạn sông Mã khoảng 3 cây số là du khách có thể gặp bến đò Đại rồi từ đây theo con đường, hai bên có những hàng dừa ngát xanh và trĩu quả không xa là đến cổng làng Bột Thượng – Cổ Quăng, địa danh mà cả Xứ Thanh gọi là làng Quan Trạng, ngôi làng thuộc xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hoá. Không biết tự bao giờ ở miền đất văn hiến này đã có câu ca:
Trai thời chiếm bảng đề danh
Gái thời dệt vải vừa lanh (nhanh) vừa tài
Làng Bột Thượng – Cổ Quăng (còn có tên khác là Kẻ Quăng) ngày trước là lỵ sở của huyện Hoằng Hoá. Ngày hội tế thành hoàng, ngày đón các đại khoa vinh quy cảnh trong làng thật đúng với câu: Ngựa xe như nước, áo quần như nêm. Còn những ngày thường, trong làng luôn rộn rã tiếng thoi đưa dệt vải. Ký ức của những người lớn tuổi vẫn còn đậm nét hình ảnh các thiếu nữ của làng cổ cao ba ngấn, áo dài mớ bảy mớ ba, ngồi dệt vải tại các dãy nhà hai bên đường làng. Người làng Quăng đẹp nổi tiếng xứ Thanh. Đến nay vẫn còn lưu giữ câu: Trai Yên Thái, Gái chợ Quăng.
Khu di tích lịch sử văn hoá quốc gia danh nhân văn hoá Nguyễn Quỳnh tại làng Bột Thượng, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá.
Người làng Cổ Quăng – Bột Thượng, xã Hoằng Lộc rất tự hào về làng Quan Trạng quê hương đất hiếu học của mình.
Thông thường các ngôi đình trong hệ thống làng xã Việt Nam, người ta làm để dùng vào việc tế tự thành hoàng của làng. Nhưng ở làng Cổ Quăng – Bột Thượng, đình làm còn có thêm chức năng là nơi vinh danh những bậc đại khoa. Truyền thống của làng là Trọng khoa hơn trọng hoạn (Quý người đỗ đạt hơn là quý người chức tước quan lộ).
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá kiến trúc thì Bảng Môn Đình của làng Quan Trạng là một trong hai ngôi đình có kiến trúc đặc biệt ở Việt Nam. Đó là Đình Bảng ở Từ Sơn, Bắc Ninh và Bảng Môn Đình ở Hoàng Hoá, Thanh Hóa.
Bảng Môn Đình được xây dựng từ thế kỷ XV thời Lê Sơ, thờ Đại tướng quân Nguyễn Tuyên, công thần triều Lý đã giúp vua Lý Thái Tông bình định và giữ yên bờ cõi phía nam của Đại Việt. Theo Thần phả, vua Lý Thái Tông trên đường đi dẹp giặc Chiêm Thành đã đóng quân tại vị trí của Bảng Môn Đình. Ngài được phúc thần báo trong mơ sẽ thu nhận được nhân tài. Hôm sau, ngài mở hội tuyển võ gặp được Nguyễn Tuyên. Nguyễn Tuyên theo ngài đi đánh dẹp lập được công lớn. Nhà vua ban cho làng Cổ Quăng bốn chữ Địa Linh Nhật Kiệt. Bốn chữ này được khắc thành đại tự thờ trong đình Bảng Môn.
Văn bia ở miếu làng được khắc dòng chữ: “Hình thế thì có núi Phong Châu làm án, có dòng sông Mã uốn quanh, non sông đúc kết khí thiêng, sinh trưởng nhân tài anh tuấn… kẻ sỹ nhiều người đỗ đạt, danh tiếng lẫy lừng đứng hàng đầu châu Ái mà sánh chung cả nước”.
Trong Bảng Môn Đình ngoài bức đại tự Địa Linh Nhân Kiệt còn có hai bản Thúc Ước Văn. Trước cửa đình có tấm bia lớn khắc danh tính của mười hai vị đại khoa và Hòn đá Sư lộ.
Như vậy, nét đặc sắc của Bảng Môn Đình vừa là nơi vừa tế thành hoàng Đại tướng Nguyễn Tuyên, vừa làm địa điểm sinh hoạt văn hoá làng xã, nơi hội tụ rèn đức nhân tài, đức hạnh của làng. Các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá cho rằng, chính từ hoạt động thứ hai này mà đình làng Cổ Quăng có tên là Bảng Môn (cửa để khai tâm và đợi đón các nhà khoa bảng).
Lịch sử khoa bảng của làng Quan Trạng được khởi nguồn từ năm Hồng Đức thứ 12 (1481) với sự đăng quang của tiến sỹ Nguyễn Nhân Lễ. Từ bấy cho đến khoa thi Hán học cuối cùng (1919) làng Quan Trạng có mười hai vị đại khoa. Trong số này bảy vị có tên bảng vàng bia đá ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Với truyền thống trọng khoa hơn trọng hoạn, thời trước mỗi khi làng họp về đại sự và bình văn chương, trong đình được chia ra các chiếu rõ ràng thứ bậc: Trung đình, nơi gần sát với bệ tế, dưới bức đại tự Địa Linh Nhân Kiệt dành cho các vị đại khoa (tiến sỹ), dưới tiếp đó là các vị đỗ hương cống, cử nhân; tả đình dành cho những người đỗ tú tài; hữu đình là nơi dành cho các nho sinh có phẩm hạnh tốt chưa thi đỗ hoặc không đỗ.
Ở làng Quan Trạng còn lưu truyền một giai thoại (giai thoại này trong tỉnh Thanh nhiều người cũng thuộc và được in trong quyển Văn hoá làng của Ty Văn hoá Thanh Hóa, năm 1983). Đó là câu chuyện của Hoàng giáp Nguyễn Bá Nhạ, người đỗ thứ hai khoa thi Đình năm Thiệu Trị thứ 3 (Quý Mão – 1843), lúc mới hai hai tuổi với một viên mệnh quan hàm Thượng thư của triều đình nhưng chỉ đỗ Cử nhân, người cùng làng với Hoàng giáp Nguyễn Bá Nhạ. Tuy chức vụ trong triều thấp hơn viên thượng thư này nhưng ông Hoàng giáp Nguyễn Bá Nhạ khi về làng tế Thành Hoàng vẫn được làng mời ngồi ở chiếu đại khoa (Trung đường). Viên Thượng thư – cử nhân đương nhiên là phải ngồi chiếu dưới.
Đường dừa ở Làng Quan Trạng.
Do bụng dạ hẹp hòi khi về triều, viên thựơng thư nọ đã dùng quyền lực đẩy Hoàng Giáp Nguyễn Bá Nhạ đi tiền quân hiệu lực dẹp giặc sơn lâm ở Quảng Ngãi, nơi ma thiêng nước độc. Hoàng giáp Nhạ không đắn đo gì lên đường ngay. Sau đó, viên thượng thư có hối cho người đi gọi lại nhưng Hoàng giáp Nguyễn Bá Nhạ khảng khái nói: “Chết thằng Nhạ nhưng không chết Hoàng Giáp”. Quả nhiên sau đó, Hoàng giáp Nguyễn Bá Nhạ đã ngã nước (bệnh sốt rét rừng) mà chết nhưng giai thoại về ông thì “vẫn còn trơ trơ” mãi cho đến ngày nay. Hoàng giáp tiến sỹ Nguyễn Bá Nhạ đã thể hiện khí phách của kẻ sỹ làng Cổ Quăng, làng Quan Trạng:
Địa vị quân tử hương, thanh danh sở tụy
Nhân tại văn hiến ấp, phong tiết từ trì
(Tạm dịch: Đất sinh người quân tử tiếng thơm tụ hội/ Người ở làng văn hiến khí tiết vững bền).
Khí tiết ấy hội tụ đỉnh cao ở Trạng Quỳnh mà nhờ nó làng Cổ Quăng – Bột Thượng được mệnh danh là làng Quan Trạng.
Ai cũng biết Trạng Quỳnh là nhân vật nhuốm màu văn học dân gian và những chuyện về Trạng Quỳnh (43 truyện) là mảng văn học Trạng Quỳnh cũng như nhà thơ Hồ Xuân Hương và mảng văn học Hồ Xuân Hương. Nhưng người ta cũng không thể bỏ qua mối liên hệ giữa Trạng Quỳnh và cụ Hương cống Nguyễn Quỳnh, một nhà nho tiết tháo, không thích đường quan lộ ở thời vua Lê – chúa Trịnh, Nguyễn Quỳnh được mệnh danh là một trong Tứ hổ Tràng An. Ở làng Quan Trạng hiện vẫn còn đền thờ Nguyễn Quỳnh. Hậu duệ của ngài là cố nhà văn Nguyễn Đức Hiền đã sưu tập, nghiên cứu, giới thiệu những tác phẩm và tư liệu rất quý xung quanh nhân vật Trạng Quỳnh – Nguyễn Quỳnh.
Hiện tại hàng năm có hàng vạn du khách về thăm Bảng Môn Đình và đền thờ Trạng Quỳnh – Nguyễn Quỳnh, đặc biệt là vào mùa thi cử, trai thanh gái lịch ở nhiều phương trời tấp nập tìm đến để xin trạng, xin các vị đại khoa phù hộ vận hội vượt Vũ Môn.
Kế thừa truyền thống hiếu học của các bậc tiền nhân được phát lộ từ thế kỷ thứ XV dưới triều vua Lê Thánh Tông huy hoàng, ngày nay, người làng Quan Trạng hết sức đầu tư chăm lo sự nghiệp học của con cháu.
Tiếp xúc với thầy giáo Nguyễn Trường Thành, nguyên hiệu trưởng Trường phổ thông cơ sở Tố Như, chúng tôi thấy nghiệp học ở làng Quan Trạng có những thành tựu đáng kinh ngạc.
Trường PTCS Tố Như hiện nay có tiền thân là trường trung học dân lập (cấp 2) được thành lập năm 1947 lấy tên là trường Trung học Nghĩa Hưng. Người sáng lập là cụ Lê Huy Cận, một nhân sỹ của làng. Hiệu trưởng đầu tiên là thầy Nguyễn Danh Biển, hậu duệ của Hoàng giáp Tiến sỹ Nguyễn Bá Nhạ. Từ năm 1947 đến nay, trường dân lập Nghĩa Hưng rồi sau là Trường cấp 2 Tố Như đã khai tâm để sản sinh ra gần 100 giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ.
Trong căn phòng truyền thống của trường THCS Tố Như, lịch sử khoa bảng của làng Quan Trạng được lưu giữ đầy ấn tượng. Tên tuổi của mười hai bậc đại khoa trong hơn bốn trăm năm trường ốc Hán học, tính từ năm 1481- 1919 khoa thi Hán học cuối cùng) và danh tính của hơn một trăm giáo sư, phó giáo sư tiến sỹ đỗ đạt trưởng thành từ sau Cách mạng tháng Tám được nêu trên các bảng vàng. Nhiều kỷ vật của các vị khoa bảng được bài trí trang trọng, trong đó có những tài liệu quý như học bạ của phó giáo sư tiến sỹ Hoàng Kỳ được cấp ngày 15/10/1948 có lời phê của thầy chủ nhiệm: “Trò Hoàng Kỳ quốc văn học khá, thông minh; toán khá lắm, có óc thông minh; lý hoá chăm chỉ, hiểu nhiều đầy tương lai; Pháp văn thông minh, chăm chỉ…”.
Những con người tài năng hé lộ từ buổi thiếu thời như Hoàng Kỳ đã có những đóng góp lớn cho đất nước sau này: Giáo sư Nguyễn Xuân Đặng nổi tiếng với những bản thiết kế xây dựng các công trình thủy lợi lớn, Phó giáo sư Nguyễn Bính, người cựu chiến binh chống Pháp đi cùng nhóm các nhà khoa học thiết kế chế tạo thành công thiết bị xung điện để vô hiệu hoá và gây nổ thủy lôi, bom từ trường của giặc Mỹ năm 1972.
Cống hiến này của các ông đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Ở làng Quan Trạng, hỏi thăm về nghiệp học người dân hào hởi kể về những gia đình tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân.
Gia đình cụ Nguyễn Thế Hồng là được xem là đầu bảng.
Cụ Nguyễn Thế Hồng nay đã khuất nhưng sinh thời cụ làm nghề thuốc, trưởng trạm Y tế xã. Gia đình cụ có bốn người con là tiến sỹ, hai là thạc sỹ. Có lẽ đây là một gia đình có nhiều đại khoa tiến sỹ, thạc sỹ nhất cả nước chứ không riêng ở làng Quan Trạng.
Thật đáng khâm phục và cảm động khi chúng tôi đến thăm gia đình một nông dân nghèo, ông Hoàng Văn Long, ông chưa đầy 60 tuổi mà có ba con gái tốt nghiệp đại học, trong đó người con gái đầu là Hoàng Thị Loan đã đoạt giải nhất quốc gia môn Văn, người con trai út của ông cũng đã vào đại học.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Ngoan, cả hai vợ chồng đều bị tàn tật bẩm sinh, nhà rất nghèo nhưng đang nuôi hai con học đại học và một con học cao đẳng.
Có chứng kiến cảnh người nông dân làng Quan Trạng quẩy một gánh nặng xu hào ra chợ bán cả buổi được hơn chục ngàn bạc thì mới thấy họ nuôi những người con ăn học để thành cử nhân thạc sỹ, tiến sỹ nhọc nhằn và hy vọng biết nhường nào.
Tấm gương hiếu học của các danh sỹ làng Quan Trạng như là một nhân cốt tạo nên nghiệp học của cả huyện Hoằng Hoá. Từ lâu ở xứ Thanh đã có câu Văn chương Hoằng Hoá. Hiện nay trong huyện đã có đến 3127 gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình hiếu học, có đến 2063 hộ là Gia đình hiếu học vượt khó. Ông Lê Đức Kỳ, chủ tịch Hội khuyết học huyện Hoằng Hoá nói: “Truyền thống hiếu học của người Hoằng Hoá có từ xa xưa, dấu tích vẫn còn sống mãi với thời gian như Bảng Môn Đình, làng Quan Trạng, làng Khoa Bảng, Cò Nghè…. Tính đến năm 2019 toàn huyện có bốn trăm hai mươi lăm danh nhân tiêu biểu…”.
Đi trên đất làng Quan Trạng như thấy thời xa xưa các bậc đại khoa về quê vinh quy bái tổ, về Bảng Môn Đình bình văn, giảng chữ; như thấy ở một ngã ba, ngã tư của làng cô gái làng tiễn anh khoa lều chõng đi thi; như thấy bóng danh nhân lỗi lạc Trạng Quỳnh đi qua Văn chỉ của làng ngắm nhìn thế đất thế sông…
Đây nữa là hình ảnh các thí sinh nhận giải quốc gia và quốc tế. Danh sách bảng vàng đại khoa, giáo sư, phó giáo sư tiến sỹ trong phòng truyền thống của trường Tố Như!
Hình ảnh trường Tố Như, học trò nghiêm trang học tập trong các lớp có bảng chữ Tiên học lễ, hậu học văn. Học lễ và học văn ở làng Quan Trạng là học đức độ tài năng của các bậc đại khoa, các danh nhân của làng, của quê hương, đất nước để từ đây xuất hiện những con người có huyết thống tiết liệt của Trạng Quỳnh – Nguyễn Quỳnh, của Bảng Môn Đình uy nghi và rạng rỡ, biểu hiện cao nhất hồn cốt tinh hoa của một vùng Địa Linh Nhân Kiệt, Làng Cổ Quăng – Bột Thượng. Tạm biệt làng Quan Trạng tôi bỗng nhớ đến một đoạn bài thơ Về làng quan Trạng mà phần đông người yêu thơ Xứ Thanh đều thuộc: “Chẳng nhiều dừng để hỏi thăm/ Đường dừa theo đến đình làng – BẢNG MÔN/ Mái cong cánh phượng bay vờn/ Hai rồng chầu nguyệt, mấy hồn tâm linh/ Thấy như có bóng khóa sinh/ Lạy miếu Văn để lai kinh ứng tài /Thấy như võng lọng cân đai/ Thám hoa, Bảng nhãn đắc thời vinh quy/ Nghe như Quan Trạng đang về/ Tiếng cười sang sảng ngày quê hội Làng…”. ( Thơ TNT)./.
Bút ký của Lê Ngọc Minh, Trần Thị Hoài