Huỳnh Dũng Nhân là cây bút phóng sự khá nổi tiếng trong nghề báo. Những tập phóng sự và sách giảng dạy kỹ năng viết phóng sự của anh được nhiều sinh viên báo chí và cả tôi xem là cẩm nang hành nghề. Qua sự giới thiệu của người bà con, tôi và anh gặp nhau trong một bữa nhậu tại nhà mẹ vợ anh ở Phổ Cường. Những lúc về Quảng Ngãi, anh luôn sắp xếp thời gian gặp gỡ anh em. Biết tin tôi vào Sài Gòn, anh điện thoại bảo đến nhà hay đưa nhau ra quán chuyện trò khá thân mật. Chốc lát, anh lướt Facebook tương tác với bạn bè đang ở đâu đó giữa cuộc đời đầy biến động. Về hưu, anh vẫn miệt mài viết lách, “truyền lửa” yêu nghề cho thế hệ trẻ. Anh viết văn, làm thơ khi trang báo không thể giãi bày hết nỗi lòng. Bạn bè xót xa khi nghe tin Nhân bị tai biến rồi mừng vui khi sau thời gian chữa bệnh, anh gượng dậy sống tiếp với niềm đam mê của mình.
Chân dung nhà báo (100 bức, khổ 70x90cm) kèm bản gốc (khổ A3 và A4); được trưng bày cho triển lãm
Dáng vẻ hiện tại ở anh vẫn thấy khoẻ mạnh, hồng hào và tươi mới ra nhiều so với khoảng thời gian bạn đọc bắt gặp những dòng viết buồn buồn trên mạng xã hội Facebook trong mùa dịch bệnh. Anh tâm sự rằng mình ”không thể ngồi yên ngày nào” sau khi bình phục, bắt gặp quả chuối nằm trên đĩa, con mèo ngáp sớm bên cửa sổ, hay dáng vẻ tất bật của bà xã trước thềm ngày mới… ông đều rung động và muốn đưa những hình ảnh bình dị đó vào tranh vẽ; Ông cho rằng, khi đôi mắt đôi tay còn cảm nhận được sự biến đổi của tạo hoá là cả một niềm may mắn, nên phải tận hưởng và lao động đến say mê cùng những đặc ân đó.
Và thế là ngoài một Dũng Nhân làm báo năng nổ, nhiệt huyết, người ta còn thấy thêm một Dũng Nhân đam mê mãnh liệt với ”nghề tay trái” của mình là hội hoạ. Tự nhận mình là ”tay vẽ nghiệp dư” vì đa phần người ta biết đến anh với vai trò là một trong những người thổi hồn vào những bài phóng sự thực tế sinh động lẫn những ”công thức” làm báo trên các giáo trình uy tín nhất tại các Trường báo Bắc Nam.
Một số phác họa chân dung trong triển lãm sắp tới
Trong tập thơ Một chút riêng tư lần này, anh đã cho in xen kẽ 3 phần thơ với 100 tấm ảnh chân dung của những bạn bè, đồng nghiệp báo chí, văn nghệ sĩ, huấn luyện viên bóng đá… Trong đó, có những người bạn gắn bó với Huỳnh Dũng Nhân suốt nhiều thập kỷ qua, cũng như những người anh thừa nhận là ”chưa gặp lần nào” như Ca sĩ Phi Nhung. Chính vì lòng mến mộ và thương tiếc nữ ca sĩ tài danh của dòng nhạc Bolero mà anh đã xúc động cầm bút phác hoạ. Anh cầm cọ vẽ chân dung bao người mà anh thương mến, vẽ áp phích chống dịch. Tranh của anh được nhiều người đánh giá có phong cách và giàu tình cảm. Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ tổ chức triển lãm “Nhà báo vẽ nhà báo” cùng bộ áp phích chống dịch Covid-19 của anh vào ngày 3.3 – 15.3 sắp đến. Đấy là tin vui đối với những người yêu mến anh. Với tôi, anh vẫn hăng say giữa cuộc đời, vẫn sống đến tận cùng với niềm đam mê của mình. Chúc anh hồi phục sức khỏe như xưa để cùng được nhậu và nghe anh mắng yêu: “Thằng ma! Uống yếu mà la hoài…”.
Triển lãm “Nhà báo vẽ”- Tác giả Huỳnh Dũng Nhân
Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022; chào mừng Đại hội lần thứ XI, Hội Nhà báo Việt Nam thành công tốt đẹp và mở đầu các hoạt động chào mừng kỷ niệm 72 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21.4.1950 – 21.4.2022), Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm “Nhà báo vẽ” cùng bộ sưu tập áp phích chống dịch Covid của tác giả Huỳnh Dũng Nhân.
Sự kiện diễn ra lúc 9h sáng ngày 03.3.2022 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam – Toà nhà Hội nhà báo Việt Nam – Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, P. Yên Hoà. Q. Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Triển lãm gồm 2 cụm tranh chính:
1. Chân dung nhà báo (100 bức, khổ 70x90cm) kèm bản gốc (khổ A3 và A4);
2. Sưu tập Tranh áp phích chống dịch và Mẫu áo dài thời trang họa tiết chống dịch của Nhà báo Huỳnh DŨng Nhân và Nhà thiết kế Minh Hạnh thực hiện trong năm 2021.
Võ Kỳ – Cỏ Trần