Tin nổi bật

Bà Đặng Thị Ngọc Bích, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Khai Minh, Hiệu trưởng Trường TH  – THCS – THPT Phan Chu Trinh: “Sản phẩm của chúng tôi là con người…”

7:43 sáng | 18/11/2022

VHDN – Ở TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương có một ngôi trường tự hào mang tên nhà chí sĩ Phan Chu Trinh với câu nói nổi tiếng của ông “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”. Kể từ ngày thành lập đến nay, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích giáo dục rất đáng khích lệ trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho địa phương. Kết quả giáo dục hơn 10 năm qua là một minh chứng cho sự nghiệp trồng người, sự kết tinh công sức của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ công nhân viên nhà trường. Nhân kỷ niệm ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam ( 10-11) và ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), Văn hóa Doanh nhân đã có buổi trò chuyện với Bà Ðặng Thị Ngọc Bích, Chủ tịch HÐQT Công ty Cổ phần Khai Minh, Hiệu trưởng Trường TH  – THCS – THPT Phan Chu Trinh – người sáng lập và dành cả cuộc đời tâm huyết với ngành giáo dục như một sứ mệnh.

Chân dung bà Đặng Thị Ngọc Bích, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Khai Minh, Hiệu trưởng Trường TH  – THCS – THPT Phan Chu Trinh

PV: Thưa bà, trước lúc đi vào chủ đề của câu chuyện hôm nay, bà có thể hoài niệm về “làng quê êm đềm bên Ngã ba Cây Điệp” và gia đình mình!

Bà Đặng Thị Ngọc Bích: Vâng, tôi sinh ra ở làng quê thanh bình bên Ngã ba Cây Điệp nổi tiếng, nay là phường Tân Đông Hiệp, TP. Dĩ An. Gia đình tôi có bảy anh chị em, nhưng chỉ có đứa con gái thứ sáu da ngăm đen, chiều cao khiêm tốn ( 1m54) đó là tôi.

Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống học tốt và nề nếp, nên các anh chị em tôi luôn tự giác và thi đua nhau học. Nhờ đó, tôi luôn năng nỗ, nhiệt huyết và được thầy cô thương mến.

PV: Bà có thể cho biết cơ duyên nào đưa bà đến với nghề giáo, thưa bà!

Bà Đặng Thị Ngọc Bích: Tốt nghiệp trung học, tôi vào Cao đẳng Sư phạm Sông Bé. Những lần đi thực tập, lên lớp nhìn các em say mê nghe giảng bài thương các em vô cùng, tình yêu học sinh, yêu nghề đã ăn sâu trong tôi từ lúc nào không biết. Sau mỗi đợt kiến tập, thực tập tôi đã cảm nhận được tình yêu thương giữa thầy, trò, đồng nghiệp. Càng hiểu rằng mọi thành công có được khi có một tập thể đoàn kết thì mỗi cá nhân phải tích cực. Hai năm học cao đẳng rồi cũng qua nhanh, chúng tôi được ra trường sớm vì nhu cầu cấp bách “thiếu giáo viên trầm trọng”. Tôi chọn nghề giáo cũng một phần vì ba tôi rất yêu nghề này.

Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính chụp hình cùng các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số Trường Phan Chu Trinh

PV: Từ một nhà giáo bà rẽ lối khoác áo doanh nhân, đây là một quyết định táo bạo ở thời điểm đó. Vậy đâu là niềm tin để bà hướng tới, thưa bà!

Bà Đặng Thị Ngọc Bích: Tôi chọn nghề dạy học khi kinh tế đất nước còn khó khăn nên nếm trải không ít cơ cực, vất vả của giáo viên thời bao cấp. Tuy xuất thân trong gia đình trung lưu, nhưng cuộc đời tôi có những tháng ngày lăn lộn giữa vòng xoáy mưu sinh, chắt chiu từng đồng để vừa nuôi con vừa giữ lửa yêu nghề. Và rồi, chính trong những ngày gian khó đó, hàng đêm tôi thầm nghĩ, người thầy giáo không giàu bằng việc dạy thêm, mà giàu vì biết dùng trí mà kinh doanh. Ý tưởng muốn xây trường học bắt đầu nhen nhóm trong lòng tôi từ những ngày đầu như thế. Cho đến năm 2010 nhờ vào quỹ đất ba mẹ để lại, vay thêm ngân hàng, bạn bè chúng tôi tiến hành xây dựng ngôi trường mang tên nhà chí sĩ Phan Chu Trinh.

PV:Từ “tay ngang” qua làm kinh tế, lợi nhuận đầu tiên của bà là những gì, thưa bà!

Bà Đặng Thị Ngọc Bích: Tôi đã phải trả giá đắt cho sự thiếu hiểu biết và nóng vội của mình. Có những lúc gần như có thể mất trường vì nợ tiền ngân hàng và đứa con thân yêu này có lẽ phải vụt khỏi vòng tay… Tuy nhiên, bậc thầy về NLP – Leroy Frank Ratnam – đã giúp tôi mạnh dạn. Adam Khoo – nhà triệu phú người Singapore được tôi xem như người thầy, Geshe Michael Roach – Thạc sĩ Phật học người Mỹ đầu tiên của Tây Tạng đã giúp tôi vượt qua tất cả. Cũng nói thêm rằng, ở thời điểm khó khăn cùng cực đó, trường vừa nhận năm em đồng bào dân tộc thiểu số vào học tập, ăn ở miễn phí. Nhiều người rất lo và khuyên tôi, tạm ngưng việc nhận con em đồng bào vì đang quá khó khăn. Nhưng không! Với tôi, không có gì là không thể! Tôi nghĩ, các em đó không phải là học sinh bình thường mà là những em nghèo, mồ côi cha mẹ ở các vùng dân tộc thiểu số nên dù thiếu thốn đến mấy tôi cũng quyết tâm nuôi dạy các em ăn học hết cấp ba. Cho nên, nếu nói về lợi nhuận kinh doanh đầu tiên mà tôi thu được rất lớn, đó chính là lợi  nhuận về tinh thần. Và đây là quyết định mà tôi cảm thấy ấm lòng cho tới tận hôm nay trong buổi đầu khởi nghiệp.

Tự hào ngôi trường đẹp hàng đầu đất nước

PV: Thưa bà, nhiều năm qua vấn đề giáo dục cơ sở, giáo dục phổ thông gây nhiều tranh cãi về nội dung học tập và phương pháp giảng dạy…. Với tư cách hiệu trưởng trường tư – có tư duy đổi mới, vậy quan điểm dạy học của bà như thế nào?

Bà Đặng Thị Ngọc Bích: Với quan điểm học thật – điểm thật, tôi luôn quan tâm đến chất lượng giáo dục tại trường, đó là: Ngoài phương pháp dạy truyền thống, hiện nay trường học cần sử dụng công nghệ thông tin để đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh; Học tại trường, học trong thực tế, trong cuộc sống xã hội để giúp học sinh hiểu thấu đáo hơn. Ngoài các buổi đi thực tế, học sinh còn được học kỹ năng sống từ các thầy ở TP. Hồ Chí Minh, các trường huấn luyện theo tiêu chí quốc tế; Trường còn tổ chức các buổi sinh hoạt đạo đức, như lễ Vu Lan báo hiếu… giúp các em nhận thức và nâng cao giá trị văn hóa đạo đức của bản thân. Ngoài ra, để có cơ sở giúp các em học tốt, tôi đã kết hợp sử dụng công nghệ “sinh trắc vân tay” để biết được tâm, tính của từng học sinh. Từ đó phân ra nhóm đối tượng để giảng dạy cho các em nhanh hiểu bài hơn.

Một tiết học về công nghệ thông tin tại trường

PV: Với tư cách là một doanh nhân trong lĩnh vực giáo dục, triết lý và văn hóa kinh doanh của bà là gì, thưa bà!

Bà Đặng Thị Ngọc Bích: Tôi coi giáo dục là sứ mệnh và là con đường tôi đã chọn. “Sản phẩm của chúng tôi là con người”. Đến nay tôi hiểu rằng cần phải làm nhiều cho giáo dục. Tôi phải làm thế nào để mọi người biết đến ngôi trường TH-THCS-THPT Phan Chu Trinh là nơi có đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, làm việc hết mình vì học sinh không riêng ở Dĩ An mà còn nhiều nơi khác nữa. Còn với học sinh của tôi – những em đã tin tưởng vào ngôi trường mang tên nhà cách mạng, tôi có sứ mệnh luôn hướng các em phát triển tốt cùng cộng đồng và rèn luyện, giáo dục các em trở thành “công dân toàn cầu”, luôn tự hào là người Việt Nam. Đây chính là giá trị cốt lõi, là văn hóa kinh doanh của công ty và nhà trường mà chúng tôi đề ra và thực hiện trong thời gian qua.

PV: Nếu muốn nói điều gì đó với lớp trẻ, bà sẽ nói gì, thưa bà!

Bà Đặng Thị Ngọc Bích: Các bạn hãy bắt tay vào làm những việc gì mà bạn thích, điều gì mà bạn muốn, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc biết dường nào và thành công thì đang trước mặt các bạn!

PV: Vâng! Xin cảm ơn câu nói sâu sắc của bà, cuộc phỏng vấn đến đây xin tạm dừng. Chúc Công ty Cổ phần Khai Minh tiếp bước thành công, chúc tập thể nhà giáo trường Phan Chu Trinh mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công./.

Mai Thanh Phong thực hiện

Bà Đặng Thị Ngọc Bích: “Các bạn hãy bắt tay vào làm những việc gì mà bạn thích, điều gì mà bạn muốn, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc biết dường nào và thành công thì đang trước mặt các bạn!”.

QUỸ HỌC BỔNG VỪ A DÍNH “ƯƠM MẦM TƯƠNG LAI”

“Ươm mầm tương lai” là dự án được Qũy Học bổng Vừ A Dính phối hợp với các trường THCS – THPT tiếp nhận các em học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết phấn đấu vươn lên trong học tập đến ăn ở, học tập miễn phí tại các trường từ  lớp 6 đến lớp 12. Hưởng ứng tinh thần nhân văn đó, ngay từ đầu trường Phan Chu Trinh đã tích cực tham gia với mong muốn được chia sẻ và giúp đỡ con em dân tộc thiểu số khó khăn được tiếp tục giấc mơ đến trường. Đến nay trường đã nhận nuôi dạy hơn 50 em, năm vừa rồi có 7 em tốt nghiệp THPT, tất cả đều vào đại học, có 2 em được tỉnh Bình Dương khen thưởng. Những năm qua, thầy và trò của trường Phan Chu Trinh, đặc biệt là các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số cùng quyết tâm thi đua dạy và học tốt, để không phụ sự kỳ vọng của xã hội, phụ huynh, xứng đáng với tinh thần của nhà chí sĩ yêu nước mà trường được mang tên: Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh.

NGÔI TRƯỜNG ĐẠT GIẢI KIẾN TRÚC QUỐC TẾ

Trường TH- THCS – THPT Phan Chu Trinh, tọa lạc tại KP Đông Tân, phường Dĩ An, TP. Dĩ An, Bình Dương là ngôi trường ngoài công lập có chất lượng giáo dục cao. Ngôi trường này do Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế, với tổng kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 120 tỷ đồng và được xem là trường thuộc tốp đẹp nhất cả nước. Trường hoạt động từ năm 2010. Năm 2012 trường vinh dự cùng lúc đạt hai giải thưởng kiến trúc quốc tế đó: giải Futur Arc (giải kiến trúc xanh Châu Á) và giải nhì WAN của Hoa Kỳ. Hiện trường có 29 lớp gồm ba cấp học, hơn 850 học sinh và 80 giáo viên, công nhân viên. Nhiều năm liền nhà trường có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT 100%, số học sinh đỗ đại học, cao đẳng trên 80%, có nhiều GVDG, CSTĐ, học sinh giỏi các cấp. Trường đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ, hai bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều bằng khen giấy khen của nhiều tổ chức từ Trung ương, địa phương.