Tiền Giang

Ban quản lý các KCN Tiền Giang: Nâng chất lượng dòng vốn xứng tầm tiềm năng

2:54 sáng | 26/05/2018

Kết quả thu hút đầu tư của các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) tại Tiền Giang từ năm 2017 đến nay là rất khích lệ với tổng vốn đầu tư đạt 47.018 tỷ Đồng, 72 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhằm nâng chất dòng vốn đầu tư vào các KCN, Tiền Giang ưu tiên thu hút các ngành nghề có hàm lượng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường…

 

Đồng hành cùng DN

Trong những năm qua, các doanh nghiệp FDI trong các KCN tại Tiền Giang có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, tạo nhiều việc làm cho người lao động, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Doanh nghiệp FDI là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế Tiền Giang theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ.

Chia sẻ cùng Tạp chí Văn hóa Doanh nhân, Ông Cao Minh Tâm – Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Tiền Giang cho biết: “Các doanh nghiệp tại các KCN  Tiền Giang đã góp phần giải quyết được bài toán lao động tại địa phương. Hiện tại, gần 100 ngàn lao động làm việc tại các KCN, trong đó lao động tại địa phương chiếm 70%. Trong năm qua, tình hình sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp tại các KCN Tiền Giang là rất đáng khích lệ. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 109.523 tỷ đồng, chiếm 65,30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Xuất khẩu đạt hơn 3.888 triệu USD, chiếm 86,5% tỉ trọng xuất khẩu của toàn tỉnh. Nộp thuế gần 50% so với thuế của tỉnh Tiền Giang”.

Kết quả trên đến từ việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có sự đồng hành cùng doanh nghiệp. Tiền Giang luôn xem thất bại của doanh nghiệp là sự thất bại của chính mình. Ban Quản lý quán triệt và thực hiện tốt phương châm: “sẵn sàng phục vụ nhà đầu tư, luôn đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp”; luôn tôn trọng, cầu thị lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhanh, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Ban Quản lý đã áp dụng cơ chế một cửa, tại chỗ trong việc giải quyết TTHC và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO 9001:2008.

Công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) theo mô hình “một cửa tại chỗ”, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và hệ thống quản lý chất lượng trong công tác quản lý đã góp phần giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, tạo dựng lòng tin nơi doanh nghiệp.

CCTTHC trong thu hút đầu tư

Với quan điểm: công tác quy hoạch phải đi trước một bước, mang tính tổng thể và đồng bộ, gắn phát triển công nghiệp với phát triển đô thị và dịch vụ, bảo đảm sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tỉnh đã quan tâm đầu tư và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài KCN.

Hiện đã có 03/7 KCN và 04 CCN đang hoạt động. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đã có hạ tầng đạt 81%, trong đó phải kể đến các KCN có tỷ lệ lấp đầy cao như KCN Mỹ Tho, KCN Tân Hương (đạt 100%), KCN Long Giang (đạt trên 70%)…

Tỉnh cũng đã chủ động tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng, thúc đẩy việc hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào KCN với các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ cho KCN, xây dựng đời sống văn hoá cho người lao động tại các KCN.

Thu hút đầu tư theo quy hoạch gắn với phát triển bền vững, tập trung thu hút đầu tư vào các KCN đã hoạt động, phấn đấu đến năm 2020 lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp KCN Long Giang, tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng các KCN mới như: Tân Phước I, Bình Đông, Tân Phước II.

Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp: triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động.

Chia sẻ về định hướng thu hút các doanh nghiệp chất lượng hơn vào các KCN thời gian tới, ông Tâm cho biết: “Tiền Giang sẽ tập trung vào việc nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp vào các KCN thông qua các hình thức hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thực hiện nhất quán các chính sách hỗ trợ đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế theo tinh thần bình đẳng, giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực để phát triển. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ duy trì đối thoại, thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các vụ việc, vướng mắc phát sinh, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư đối với các vấn đề chưa thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư và luật chuyên ngành”.

PV