Vị trí trung tâm trên các tuyến giao thông quốc tế và liên vùng giúp Bình Định trở thành tuyến đường huyết mạch về phát triển kinh tế tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định
Liên kết phát triển vùng
Với vị trí trung tâm trên các tuyến giao lưu quốc tế và liên vùng gồm: trục Bắc Nam và Đông Tây, gần đường hàng hải quốc tế, cửa ngõ hướng biển của các nước trong Tiểu khu vực Mê Kông mở rộng (Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan), Bình Định hiện là tuyến đường huyết mạch phát triển kinh tế trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Về liên kết phát triển vùng, Bình Định sở hữu cảng biến quốc tế Quy Nhơn với năng lực bốc xếp 10 triệu tấn/năm, cảng này sẽ tiếp tục được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới nhằm làm đầu mối cảng biển xuất hàng cho vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia.
Để xứng với vai trò cực tăng trưởng phía Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, Bình Định đang đẩy mạnh xúc tiến các thủ tục cần thiết để sớm triển khai dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex – Bình Định. Khi đưa vào hoạt động, dự án sẽ trở thành một trung tâm tổng hợp phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ năng động và hiệu quả, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực, góp phần tăng nhanh GDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp – dịch vụ; tăng nhanh nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và tạo ra nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp.
Đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhiều năm trở lại đây, Bình Định đã nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu cá ngừ Việt Nam với mục tiêu là làm ăn lâu dài với thị trường Nhật Bản và các thị trường tiềm năng của sản phẩm cá ngừ của Miền Trung.
Ngoài ra, Bình Định cũng đóng vai trò nghiên cứu khoa học chuyên ngành, chuyên sâu thông qua Trung tâm Quốc tế gặp gỡ Khoa học và giáo dục liên ngành của Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam (do GS Trần Thanh Vân đứng đầu). Tỉnh cũng là cầu nối giao lưu, gặp gỡ tiếp xúc giữa các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Tỉnh đã đón rất nhiều các nhà khoa học danh tiếng thế giới đến tham dự hội thảo và thuyết trình, trong đó có thời điểm đón cùng lúc đến 6 nhà khoa học đạt giải Nobel. Hiện Trung tâm đã trở thành địa chỉ tuyệt vời cho rất nhiều nhà khoa học, thầy cô giáo, nghiên cứu sinh, sinh viên trong và ngoài nước về đây nghiên cứu khoa học.
Nhằm thực hiện chiến lược dài hạn cho phát triển du lịch của Bình Định, tỉnh đang tạo điều kiện cho Tập đoàn FLC phát triển dự án Bamboo Airways với tổng mức đầu tư ban đầu là 700 tỷ đồng, được sử dụng từ nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư. Trong giai đoạn đầu, Tập đoàn này sẽ sử dụng các loại tàu bay Airbus A320/A321 để khai thác các chặn bay ngắn có thời gian bay từ 1,5 – 2 tiếng. Dự kiến đến năm 2023, hãng sẽ khai thác 24 chặng bay trong nước và 16 chặng bay quốc tế với các đường bay đến các địa điểm như Tp.HCM, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quy Nhơn, Phú Quốc, Hải Phòng, Đài Loan, Hàn Quốc, Macau, Nhật Bản,… Qua đó hướng tới mục tiêu chiếm lĩnh từ 3% – 5% thị phần thị trường nội địa và quốc tế trong tổng thị trường chở khách đường hàng không tại Việt Nam.
Tăng cường thu hút FDI
Hiện Bình Định có 75 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 741,87 triệu USD; trong đó có 29 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký là 498,74 triệu USD và 46 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 243,13 triệu USD.
Từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 03 dự án FD, 01 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng 83,97 triệu USD. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp 01 dự án là dự án “Dịch vụ tư vấn và bán buôn tổng hợp” do Công ty Kato Hitoshi General Office Co., Ltd (Nhật Bản) đăng ký đầu tư với tổng vốn 30.000 USD và điều chỉnh tăng vốn cho “Dự án Avani Resort và Spa” của Công ty TNHH Du lịch Bãi Dài Quy Nhơn từ 11,95 lên 19,45 triệu USD.
Ban Quản lý KKT cấp 02 dự án là dự án “Nhà máy sản xuất viên block bê tông cao cấp” do Công ty Penta Manufacturing Systems Pty Ltd. (Úc) đăng ký đầu tư với tổng vốn 196.000 USD và dự án “Sản xuất năng lượng điện từ năng lượng gió và mặt trời tại KKT Nhơn Hội do Công ty TNHH Năng lượng Seoul (Hàn Quốc, tổng vốn 76,24 triệu USD. So với cùng kỳ 2017 thì số dự án FDI cấp GCNĐKĐT 6 tháng đầu năm 2018 giảm 3 dự án; và tổng vốn đăng ký đầu tư cấp mới và điều chỉnh tăng cũng giảm nhưng không đáng kể, giảm khoảng 10%.
Việc giám sát tình hình triển khai thực hiện các dự án FDI theo đăng ký đã được thực hiện thường xuyên tại tỉnh. Hầu hết các dự án do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp có quy mô nhỏ nhưng đều được triển khai thực hiện khá đầy đủ. Các dự án trong các KCN do BQL KKT tỉnh cấp GCNĐT đều triển khai đúng tiến độ theo Giấy chứng nhận đầu tư được cấp. Đối với một số dự án chậm triển khai, tỉnh đang tiếp tục rà soát, đôn đốc việc thực hiện các dự án và sẽ thực hiện thủ tục chấm dứt các dự án không triển khai.
Bình Định hiện nay rất chú trọng đến việc thu hút vốn đầu tư FDI, trong đó tỉnh tập trung mời gọi nhà đầu tư FDI có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn như: du lịch – dịch vụ, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hạ nguồn và và dịch vụ kèm theo, công nghiệp chế biến, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất phần mềm… Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng trí thức cao, thân thiện với môi trường sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh.
Ngoài ra, tỉnh chú trọng nhóm các nhà đầu tư vừa và nhỏ nhưng có công nghệ sạch và cao từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, các quốc gia Tây Âu và các quốc gia phát triển để vừa đẩy nhanh tiến độ lấp đầy KKT Nhơn Hội và các khu/cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hạ nguồn và các dịch vụ kèm theo, tạo tiền đề hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn.
Thúc đẩy cải cách hành chính
Tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thường xuyên tổ chức hội nghị, tiếp xúc, gặp gỡ, để lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, nhất là các chính sách thu hút đầu tư, các thủ tục hành chính (CCTTHC), các chính sách mới ban hành, thông tin về quy hoạch, kế hoạch, dự án; niêm yết công khai, cụ thể quy trình thủ tục hành chính tại trụ sở cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh công tác thông tin, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin của tỉnh, trang thông tin xúc tiến đầu tư và hợp tác, website của Sở Kế hoạch và Đầu tư, BQL Khu kinh tế.
Để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh xác định phải đi trước một bước trong chuẩn bị và hoàn thiện hạ tầng, tạo ra một môi trường đầu tư – kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn. Tỉnh đã đầu tư xây dựng các KCN, CCN và đặc biệt là KKT Nhơn Hội để tạo mặt bằng sản xuất cho nhà đầu tư và khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế của mình.
Trong năm 2018, Bình Định cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là cải thiện ứng xử của bộ máy chính quyền, CCTTHC theo hướng nhanh nhất, gọn nhất nhằm tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, đưa bức tranh kinh tế của tỉnh trở thành một trong những điểm sáng trong khu vực và trên cả nước.
Bảo Châu – Minh Kiệt