VHDN – Với quyết tâm trở lại Top 10 cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Bình Dương xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số là một giải pháp căn cơ, lâu dài cần thực hiện quyết liệt.
Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị
Chiều 2/11, tại Trung tâm Hành chính tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị bàn giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI của Bình Dương năm 2023 và những năm tới.
Tham dự hội nghị có ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI; ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; các chuyên gia của VCCI cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, Liên đoàn Doanh nghiệp (DN), các hội doanh nhân và các hiệp hội ngành hàng tỉnh Bình Dương.
Theo báo cáo kết quả công bố của VCCI, Chỉ số PCI tỉnh Bình Dương năm 2022 đạt 65,13 điểm (giảm 4,48 điểm), xếp thứ 36/63 tỉnh, thành trong cả nước (giảm đến 30 bậc so với năm 2021).
Tại hội nghị, các sở, ngành và chuyên gia của VCCI đã tập trung phân tích làm rõ những khó khăn, hạn chế, tồn tại khiến các chỉ số thành phần PCI của tỉnh bị sụt giảm thứ hạng. Trên cơ sở đó, đề ra một số giải pháp đổi mới, nâng cao các chỉ số, nhất là chỉ số thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn trong thời gian tới.
Đại diện doanh nghiệp tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, kết quả Chỉ số PCI năm 2022 cho thấy điểm số và thứ hạng của tỉnh bị sụt giảm mạnh, đây là lần sụt giảm hạng sâu nhất trên bảng xếp hạng PCI của tỉnh so với các tỉnh, thành trong cả nước từ trước đến nay. Do đó, để cải thiện Chỉ số PCI tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giải pháp tập trung cải thiện mạnh các chỉ số thành phần có điểm số thấp và duy trì, phát huy các chỉ số thành phần có điểm số bằng, cao hơn điểm số trung vị cả nước.
Ông Võ Văn Minh nhấn mạnh: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sôi động, kết quả cải thiện Chỉ số PCI của các địa phương trên phạm vi toàn quốc đang rất nhanh chóng thì Bình Dương càng cần nỗ lực và quyết tâm nhiều hơn nữa. Để nâng cao Chỉ số PCI, thời gian tới, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Các đại biểu thảo luận hội nghị
Kết luận hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI cho rằng cải thiện Chỉ số PCI là làm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hài lòng. Và để làm được điều này, Bình Dương cần tập trung vào những vấn đề doanh nghiệp đang gặp khó khăn, làm sao để thủ tục hành chính được giải quyết nhanh hơn, cán bộ, công chức phải có tinh thần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư nhiều hơn.
Minh Châu
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI kết luận hội nghị:
Để nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ cần sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh mà cần sự nỗ lực của tất cả các sở, ngành, địa phương. Vì lĩnh vực PCI đo lường liên quan tới thủ tục đầu tư kinh doanh ở hầu hết các sở, ngành, lĩnh vực và chính quyền cơ sở. Số lượng doanh nghiệp ở Bình Dương lớn hơn rất nhiều các địa phương khác. Do đó, số lượng hồ sơ mà một sở, ngành của tỉnh phải giải quyết mỗi ngày có khi bằng các địa phương khác xử lý trong một tháng. Vì thế, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng Bình Dương cần chú trọng vào ứng dụng công nghệ thông tin triệt để nhằm giải quyết thủ tục hành chính một cách nhanh chóng. Ngoài ra, tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển kinh doanh; tăng cường phối hợp, nâng cao tính chủ động, hiệu quả trong quản lý điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ…