Tin nổi bật

Bộ TT&TT chỉ đạo 6 DN công nghệ hỗ trợ VCCI chuyển đổi số

2:24 sáng | 26/08/2024

VHDN – Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo 6 doanh nghiệp công nghệ số gồm Viettel, VNPT, Mobifone, FPT, CMC và MISA trực tiếp hỗ trợ chuyển đổi số cho VCCI.

VCCI thực sự muốn thì CĐS sẽ rất nhanh

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công ký thoả thuận hợp tác giữa Bộ TT&TT và VCCI.

Trong khuôn khổ Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền (TT&TT) với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về hỗ trợ xúc tiến đầu tư – thương mại sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam phục vụ chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế số, xã hội số (KTS-XHS) giai đoạn 2024 – 2026, tầm nhìn 2030, ông Phạm Tấn Công, người đứng đầu VCCI cam kết với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trực tiếp tham gia chỉ đạo CĐS VCCI.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết VCCI muốn CĐS 1 triệu doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (SME) thì VCCI phải CĐS trước tiên.

CĐS phụ thuộc vào hàng trăm người, hàng ngàn hay cả triệu người thì khó nhưng lại rất dễ khi chỉ phụ thuộc vào người đứng đầu nên CĐS VCCI không khó khi người đứng đầu đã cam kết tham gia trực tiếp CĐS. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về CĐS mới đây đã có cuộc họp với những người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương và truyền đi thông điệp CĐS được quyết định bởi người đứng đầu khi có: (1) Thực sự muốn làm; (2) trực tiếp làm; (3) trực tiếp sử dụng (thành thạo sử dụng CNTT).

VCCI là tổ chức lâu đời, theo Bộ trưởng, việc CĐS phụ thuộc vào người đứng đầu. Chủ tịch VCCI ra quyết định, trực tiếp làm một dự án CĐS và trực tiếp sử dụng thì sẽ hiểu, trải nghiệm, rồi thúc giục 200 hiệp hội, 1 triệu DN CĐS.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: VCCI thực sự muốn thì CĐS sẽ rất nhanh với sự hỗ trợ của 6 DN công nghệ số.

Bộ trưởng khẳng định VCCI thực sự muốn thì CĐS sẽ rất nhanh với sự hỗ trợ của 6 DN công nghệ số tham gia lễ ký kết đồng hành hôm nay.

Bộ trưởng cũng cho biết CĐS khó khi không muốn làm. Bộ TT&TT vừa sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 và truyền đi thông điệp “CĐS theo nghĩa là những cái gì rất khó thì phải là rất dễ” bởi CĐS thì chuyển đổi là chính và công nghệ là để xử lý chuyển đổi.

Việc quan trọng của CĐS là làm thế nào để chuyển mọi hoạt động của tổ chức, nhân viên lên môi trường số. Việc đầu tiên để CĐS là người đứng đầu ra quyết định về việc mọi hoạt động của người nhân viên từ cấp nhỏ nhất phải được hiện diện trên môi trường số. Hiện đa phần cán bộ như VCCI đã làm việc trên máy tính, có nghĩa là đã lên trên môi trường số. Những người còn lại chưa thể thì thúc đẩy họ nhập dữ liệu công việc lên môi trường số vào cuối ngày. Sau khi đã có dữ liệu số thì nhờ AI xử lý dữ liệu.

Trước những trao đổi của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ông Phạm Tấn Công khẳng định VCCI là đơn vị truyền thống về dám làm, dám tiên phong nên giờ đây sẽ tiên phong CĐS.

Bộ TT&TT và VCCI xúc tiến đầu tư – thương mại sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương chứng kiến lãnh đạo VCCI ký thoả thuận hợp tác đồng hành thúc đẩy CĐS với lãnh đạo 6 DN công nghệ số.

Thông tin về thỏa thuận hợp tác hỗ trợ xúc tiến đầu tư – thương mại sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam phục vụ CĐS, phát triển KTS-XHS giai đoạn 2024 – 2026, tầm nhìn 2030 giữa Bộ TT&TT và VCCI, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ TT&TT cho biết, thoả thuận tập trung các nội dung chính:

(1) Tư vấn, tham vấn xây dựng chiến lược, kế hoạch CĐS, môi trường chính sách phát triển:

Bộ TT&TT sẽ tư vấn, hỗ trợ xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình CĐS cho VCCI. VCCI sẽ đề xuất giải pháp, môi trường, chính sách tạo lập, hỗ trợ thị trường cho các DN công nghệ số Việt Nam.

(2) Hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam phục vụ CĐS, phát triển KTS-XHS đối với thị trường trong nước:

Các hoạt động sẽ được triển khai như: tuyên truyền, điều tra, khảo sát nhu cầu CĐS của DN, các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu…, đặc biệt sẽ có nội dung “lựa chọn, đặt hàng 10 sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam tiêu biểu trong 10 lĩnh vực để triển khai thí điểm phục vụ CĐS tại VCCI và DN Hội viên để từ đó đánh giá, nhân rộng triển khai các sản phẩm mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, DN…

(3) Hỗ trợ phát triển thị trường, đầu tư ra thị trường nước ngoài cho sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam:

Một số hoạt động sẽ được triển khai như: hỗ trợ đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ở nước ngoài; kết nối và giới thiệu đối tác thương mại, cung cấp thông tin, hướng dẫn, tư vấn cho DN và các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư ở nước ngoài…

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: VCCI sẵn sàng hỗ trợ kết nối các Hiệp hội DN và cộng đồng DN Việt Nam triển khai các sản phẩm phẩm công nghệ số Make in Việt Nam.

Nhấn mạnh về thoả thuận hợp tác này, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI khẳng định Lễ ký kết này đánh dấu sự khởi đầu hợp tác chặt chẽ giữa hai cơ quan trong việc hỗ trợ CĐS quốc gia, phát triển KTS và XHS. Việc ký kết Thỏa thuận này cũng là để thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho VCCI và Bộ TT&TT tại Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII đã đưa ra tầm nhìn xây dựng “DN vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng” là định hướng, là mục tiêu chiến lược trong hoạt động của VCCI và cộng đồng DN Việt Nam trong thời gian tới. Đại hội cũng đã đề ra 6 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, trong đó “Thúc đẩy hỗ trợ DN thực hiện CĐS, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh” được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược của VCCI trong nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Do vậy, Chủ tịch VCCI cho biết trong thời gian tới, VCCI sẵn sàng hỗ trợ kết nối các Hiệp hội DN và cộng đồng DN Việt Nam triển khai các sản phẩm phẩm công nghệ số Make in Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh đáp ứng yêu cầu thúc đẩy CĐS, phát triển KTS-XHS. Trong khi đó, Bộ TT&TT với vai trò cơ quan quản lý có chuyên môn sẽ tập hợp, định hướng, tạo môi trường thúc đẩy DN công nghệ số Việt Nam có sản phẩm Make in Viet Nam chất lượng cao để sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng DN trong ứng dụng CĐS.

Với sự chung tay, góp sức của hai cơ quan trong Chương trình phối hợp công tác hết sức có ý nghĩa và thiết thực này, Chủ tịch VCCI tin tưởng cộng đồng DN Việt Nam nói chung, DN công nghệ số Việt Nam nói riêng sẽ có những đóng góp quan trọng thực hiện mục tiêu lớn: thực hiện CĐS quốc gia thành công, góp phần đưa nước ta đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, phồn vinh, hạnh phúc, như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của nội dung ký kết hợp tác giữa Bộ TT&TT và VCCI, trong khuôn khổ sự kiện, lãnh đạo VCCI ký thỏa thuận hợp tác đồng hành thúc đẩy CĐS với lãnh đạo 6 DN điển hình là Viettel, VNPT, Mobifone, FPT, CMC và MISA.

Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ DN công nghệ số Việt Nam mở rộng thị trường, khai thác các cơ hội đầu tư, kinh doanh ở trong nước và nước ngoài thông qua thị trường có quy mô 200.000 DN hoạt động trong tất cả ngành, nghề kinh tế của Việt Nam và mạng lưới đối tác của VCCI trên thế giới và TT&TT, góp phần thúc đẩy CĐS, phát triển KTS-XHS tại Việt Nam mạnh mẽ, hiệu quả, tiến tới hiện thực hoá mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”./.

VHDN