Lai Châu

Bừng sáng Tam Đường

5:01 sáng | 08/09/2017

Cuối thu, tiết trời se lạnh, bên đường lá rừng ngả vàng rung rinh trước gió. Đường từ thị trấn Sa Pa lên đỉnh đèo Hoàng Liên, hai bên đường, từng cung đoạn như đại công trường bề bộn, ngổn ngang vật liệu xây dựng. Từng đoàn xe du lịch lẫn xe chở vật liệu xây dựng bấm còi inh ỏi, chen chúc, khó khăn nhích dần từng bước…
Đến gần đỉnh đèo Hoàng Liên, nơi ranh giới 2 tỉnh Lào Cai – Lai Châu, đường thoáng hơn, chiếc xe 7 chỗ của chúng tôi nhấn ga tăng tốc… Bất chợt không khí trong xe cảm giác mát lạnh. Khoảng đường trước xe bừng sáng, thông thoáng với con đường ngoằn ngoèo, quanh co, uốn lượn như dải lụa mềm vắt qua các sườn núi… Ai đó trong xe reo lên “Tam Đường” Ô! Tam Đường đây ư! cách đây 15 năm đỉnh đèo Hoàng Liên với con đường nhỏ bé vừa đủ một chiếc “xe tải” đi qua, chênh vênh, gập ghềnh leo qua sườn núi khô cháy, nóng rát, không bóng cây rừng, trần trụi, trọc lốc dưới ánh nắng gay gắt, giờ đã rợp bóng cây rừng (sơn tra, tống quá sủ, thông…) chen chúc, đan xen, vươn lên che mát con đường… cảm giác rạo rực, ngỡ ngàng, phấn chấn pha chút bâng khuâng, man mác, trầm tư, hoài niệm, pha trộn xộc lên cay cay sống mũi…
Ôi Tam Đường! Hai tiếng mến thương với tình người đằm thắm, yêu thương, bao dung, nồng ấm, da diết trong tôi cảm xúc khó nói nên lời. “Đường rộng và đẹp mê ly”. Tiếng ai đó thì thầm, thoảng qua cắt ngang dòng suy tư trong tôi…. Con đường nhỏ hẹp rải cấp phối, lộc cộc đá, sỏi gập ghềnh, “ cua gấp” với “ ổ voi”, “ổ gà” sóc bật người…. biến đâu mất, thay vào đó mặt đường rải nhựa bóng loáng rộng 7 – 8 m trải dài mênh mang, mềm mại, uốn lượn chào đón từng đoàn xe lướt đi êm du như thuyền trôi trên mặt nước hồ thu trong vắt. Rạo rực trong tôi niềm vui khó tả, thời gian ơi, sao trôi nhanh vậy! Mới đó Tam Đường đã bước vào tuổi 15 sau khi chia tách thành lập mới từ huyện Phong Thổ cũ (21/9/2002). Nhớ buổi ban đầu mới chia tách, thành lập huyện, Tam Đường đứng trước muôn vàn bộn bề khó khăn, thách thức: Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các ban ngành mới, thiếu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cực kỳ thiếu thốn, khó khăn, trung tâm hành chính huyện sơ sài, hoang vắng, giao thông từ trung tâm huyện đến xã, bản 100% là đường đất, nắng thì bụi, mưa lầy lội, cheo leo, dốc đứng… Phương tiện phù hợp nhất là leo bộ bật móng chân, chùng đầu gối… kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp lạc hậu, tự cấp, tự túc. Tình trạng thiếu đói thường xuyên xảy ra, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Tình hình An ninh – trật tự có nơi còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội…


Bỗng người dồn về phía trước, xe dừng lại, tiếng bác tài xế oang oang “Mời các bác xuống xe, tản bộ chiêm ngưỡng thị trấn Tam Đường”. Ô thị trấn Tam Đường đây ư! Ai nấy sững sờ, ngạc nhiên. Ông bạn già ngồi cạnh tôi đẩy cao cặp kính lão, xúc động lắp bắp, lẩm bẩm “lạ quá, lạ quá!” Ờ lạ thật! Những quả đồi bát úp với lùm cây lúp xúp, những mái nhà lợp cỏ ranh, rơm rạ, vách gỗ, tre nứa biến đâu mất, thay vào đó là những dãy nhà xây 2 – 3 tầng thậm chí có cả “cao ốc” 11 tầng khang trang sừng sững hiện ra như trong cổ tích. Đường phố nhộn nhịp xe con, xe tải, xe máy đan xen đi lại như mắc cửi.
Hai bên đường bảng hiệu hàng hóa lấp lóa, tràn trề muôn màu sắc có lẽ không thiếu thứ gì… Chợ Tam Đường được xây dựng khang trang sạch sẽ, ngăn nắp, điểm thêm dãy nhà sàn xinh xắn thơ mộng, mang nét riêng có đặc thù bản sắc văn hóa vùng cao miền núi… Bảng lảng khói chiều, nưng nức, phưng phức mùi thơm từ khu quán ăn nhộn nhịp người ra vào như đánh thức, trêu đùa dạ dày lép kẹp của chúng tôi sau một ngày đường xa tới… Em chào các chú ạ! Mấy em gái người Mông khoảng 19, 20 tuổi xúng xính trong bộ váy áo mới, cổ, tay đeo vòng bạc lấp lánh, bụm miệng cười, tinh nghịch cất tiếng chào, làm chúng tôi ai nấy đều cảm thấy trẻ lại ở lứa tuổi đôi mươi. Ông bạn già đeo kính lão, giơ máy ảnh định làm một “pô” chợt mấy em gái bẽn lẽn, khoác vai nhau vùng chạy, để lại tiếng cười lảnh lót tươi vui tràn trề sức trẻ…
Khách sạn 7 tầng sừng sững hiện ra với dòng chữ “Putaleng kính chào quý khách”. Nghe nói là tên đỉnh núi cao 3.049 m (so với mực nước biển) ở địa bàn xã Hồ Thầu của huyện Tam Đường, độ cao chỉ kém đỉnh Phan Xi Păng của Sa Pa, Lào Cai 100m. Đón chúng tôi ở tiền sảnh khách sạn là cô gái trạc tuổi 30-35 nước ra trắng hồng, tươi cười bắt tay từng người, được giới thiệu là Phó Chủ tịch UBND huyện Tẩn Thị Quế. Đoàn chúng tôi được mời lên tập trung ở tầng 6 của khách sạn. Chà! Kém gì khách sạn của Hà Nội đâu! Cũng “2 sao”, cũng thang máy vun vút. Lên tầng 6 được bố trí quầy Bar cà phê, qua lớp kính bảo vệ, không gian như rộng mở, bừng sáng, cảm giác lâng lâng, tầm mắt phóng xa đắm chìm trong cảnh vật tĩnh lặng thần tiên, bình yên của thị trấn miền núi đã mang hơi hướng, dáng dấp, sắc thái của một thị xã trong tương lai.
Theo cô Phó Chủ tịch UBND huyện: Thị trấn Tam Đường được quy hoạch xây dựng năm 2004. Tuy vẫn còn nhiều hạng mục cần phải tiếp tục bổ sung, chỉnh trang đô thị, song mấy năm gần đây, đặc biệt từ năm 2015-2017 thị trấn đã bắt đầu bước vào phát triển mạnh, dân cư đông đúc hơn. Nhiều công trình, nhiều nhà mới cao tầng bề thế, khang trang đã san sát mọc lên. Tốc độ phát triển của thị trấn nói riêng và tốc độ thay đổi phát triển chung của huyện được các cấp, các ngành của Trung ương, của Tỉnh đánh giá là tương đối nhanh, bộ mặt của huyện ngày càng đổi thay khang trang, văn minh, hiện đại…
Này cô bé cho xin một cốc trà Matcha! Tiếng ai đó gọi trà vang lên, kéo sự chú ý của mọi người vào quầy trưng bày hàng của Bar. Chao ơi! Cơ man là các mẫu chè mang nhãn hiệu Tam Đường Tea của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển chè Tam Đường được bao gói, đóng hộp nhiều màu sắc, sắp xếp bắt mắt, nào là Hồng chè, nào là Matcha, Sencha… lôi kéo thị hiếu, kích thích người dùng. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, cô Phó Chủ tịch UBND huyện giải thích: Sản xuất nông nghiệp của huyện hiện nay đang đi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo vùng, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp khép kín các khâu từ gieo trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch, chế biến, bao tiêu sản phẩm như sản phẩm chè các bác đang thấy ở đây. Hiện nay huyện đã có vùng chè gần 1.300 ha, vùng lúa gần 5000 ha, vùng cây ăn quả trên 400 ha… Bức tranh nông thôn đã có nhiều đổi mới, khởi sắc. Các xã, thị trấn đều có trụ sở làm việc được xây dựng hai tầng khang trang, từ trung tâm huyện đến xã, thậm trí đến gần hết các bản trong huyện đường giao thông đã được rải nhựa hoặc đổ bê tông, ô tô, xe máy đi lại được cả 4 mùa. Thuận tiện quá! Chẳng bù cho mình thời trước đi công tác xuống trung tâm xã là đã phải đi bộ căng bắp chân, tê đầu gối, tối về cứ phải “chườm” suốt, bất giác tôi nắn nắn đôi bắp chân như vẫn còn cảm giác căng tức khi xưa. Nông dân Tam Đường bây giờ hiện đại lắm các bác ạ! Tiếng cô Phó Chủ tịch UBND huyện đầy phấn khích, tự hào. Các bác nhé! Làm ruộng có máy cày, máy bừa, máy cắt cỏ, máy gặt đập, về nhà thì điện sáng trong nhà, tivi réo rắt, máy xay xát ngô, gạo đỡ bao nhọc nhằn vất vả. Cần gì cứ vào mạng Internet gõ “bác” Google là kỹ thuật gieo trồng, phòng trừ sâu bệnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm có cả… Nhà nào, từ người lớn đến trẻ em cũng đều có điện thoại di động cầm tay gọi nhau đi làm, đi học, đi họp không phải bắc loa miệng í ới mệt người, giờ cứ một cú phone là xong…
Bất chợt có đoàn khách nước ngoài từ thang máy bước vào gọi Cafe, chúng tôi tròn mắt! Sao lại có khách nước ngoài đến đây? Họ làm gì? như hiểu sự ngạc nhiên của chúng tôi, cô Phó Chủ tịch UBND huyện tươi cười nhỏ nhẹ: thưa các bác! Hiện nay du lịch Tam Đường đang khởi sắc, là điểm đến lý tưởng thu hút nhiều khách trong nước và nước ngoài. Tính sơ bộ từ đầu năm đến nay đã có gần 40 ngàn lượt khách du lịch đến với Tam Đường, tăng trên 30 ngàn lượt khách so với cả năm 2002, doanh thu gần 10 tỷ đồng. Hiện nay trên địa bàn huyện có 6 doanh nghiệp đang khảo sát đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch. Huyện có 9 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh công nhận. Có những điểm nổi tiếng như thác cầu mây, thác Tác Tình, đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn, Động Tiên Sơn, cọn nước Nà Khương, bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, hay mới đây nhất là điểm view ngắm cảnh kết hợp với Showroom chè Tam Đường ở xã Nùng Nàng được ví “Nùng Nàng đệ nhất view” đang thu hút du khách tìm đến…
Tự hào quá! Tam Đường ơi! Tam Đường ơi! Niềm tự hào, niềm vui trào dâng trong tôi cứ réo rắt, hừng hực, đầy phấn khích… mới có 15 năm chia tách thành lập mới, Tam Đường đã vươn lên thay đổi không ngờ, từ lạc hậu, đói nghèo, Tam Đường đã vươn lên hiện hữu ngày càng trù phú thịnh vượng… Thị trấn chợt bừng sáng ánh điện long lanh, lung linh chào đón chúng tôi có một buổi tối yên bình, nồng ấm, đậm thắm tình quê, tình người Tam Đường.

Tam Đường tháng 8 năm 2017
Từ Hữu Hà