Qua 10 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới (2010-2020), huyện Gò Quao đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, phát triển kinh tế – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn ngày càng thêm khởi sắc, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao.
Gò Quao là 1 trong 3 huyện điểm xây dựng huyện Nông thôn mới của tỉnh Kiên Giang theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020). Đây là địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 33,28% dân số toàn huyện) với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống: Kinh, Khmer, Hoa, Chăm, Tày, Mường. Trong quá trình triển khai Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, Gò Quao tập trung chỉ đạo xây dựng xã Nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nhằm phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách toàn diện, nhanh, bền vững. Huyện cũng không ngừng đẩy mạnh công tác giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, các vùng; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế – văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để nâng cao hiệu quả xây dựng Nông thôn mới, Gò Quao đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân về chủ trương xây dựng Nông thôn mới; nhất là tuyên truyền các giải pháp, định hướng để mọi tầng lớp, người dân thấy được xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng Nông thôn mới; ưu tiên tuyên truyền về: xây dựng cảnh quang môi trường, xử lý chất thải rác thải, tuyến đường kiểu mẫu, thi đua sản xuất, giảm nghèo, vận động tham gia bảo hiểm y tế toàn dân. Bên cạnh đó, huyện thực hiện huy động nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án và vận động bà con phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng mới để nâng cao thu nhập. Từ năm 2010 đến nay, huyện Gò Quao huy động được nguồn vốn gần 1.462 tỷ đồng cho đầu tư cho xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn, trong đó: nhân dân đóng góp 102 tỷ đồng, huy động từ doanh nghiệp gần 42 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn ngân sách đầu tư và vốn lồng ghép từ các chương trình. Nguồn lực đầu tư chủ yếu tập trung cho phát triển hệ thống kết cầu hạ tầng nông thôn, giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, điện và phát triển sản xuất…
Trong tổ chức sản xuất, Gò Quao chỉ đạo thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu sản xuất, phát huy những cây trồng, vật nuôi có lợi thế của huyện. Thông qua tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đến nay huyện đã xây dựng được các sản phẩm mang tính chủ lực, gắn với xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ như mô hình: khóm – tôm tại xã Vĩnh Phước A; hồ tiêu xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, Vĩnh Hòa Hưng Nam; tôm càng xanh xã Vĩnh Tuy, Vĩnh Thắng. Huyện còn tích cực phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức thực hiện sản xuất theo cánh đồng lớn và liên kết tiêu thụ sản phẩm được 41.695 ha, góp phần ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới, đến nay huyện Gò Quao đã có 8/10 xã đạt chuẩn Nông thôn mới (Định Hòa, Định An, Vĩnh Hòa Hưng Nam, Vĩnh Phước A, Vĩnh Phước B, Vĩnh Tuy, Vĩnh Thắng, Vĩnh Hòa Hưng Bắc) và đang lập thủ tục đề nghị tỉnh xem xét công nhận 2 xã Thủy Liễu, Thới Quản đạt chuẩn Nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn huyện nhà ngày càng đổi mới, đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 46,87 triệu đồng/người/năm, tăng 27,64 triệu đồng so với năm 2010. Hộ nghèo toàn huyện năm 2018 còn 1.615 hộ, chiếm 5,18%, giảm 2.302 hộ, tương đương giảm 6,56% so với năm 2015.
Phát huy kết quả đạt được, huyện Gò Quao đang tập trung chỉ đạo xã Thới Quản, Thủy Liễu hoàn thiện hồ sơ minh chứng các tiêu chí đúng quy trình và đạt chất lượng trước khi trình tỉnh thẩm định để đủ điều kiện và thủ tục công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới theo kế hoạch; các xã còn lại tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, tham gia bảo hiểm y tế…Phấn đấu đến năm 2020, Gò Quao sẽ đạt chuẩn huyện Nông thôn mới; 2 xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc và Vĩnh Phước B đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao. Giai đoạn 2020 – 2025, Gò Quao có 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và có ít nhất từ 1-2 xã đạt chuẩn kiểu mẫu. Đến năm 2030, huyện có 10/10 xã đạt chuẩn nâng cao, 3-5 xã đạt chuẩn kiểu mẫu; phấn đấu đưa Gò Quao thành huyện Nông thôn mới nâng cao vào năm 2030.
Châu Nguyên Quân