Từ rất lâu thế giới đã công nhận cà phê chồn là loại cà phê tốt nhất, ngon nhất. Cà phê chồn được ví như tinh hoa của đất trời mà không phải quốc gia nào cũng có. Không phải cứ có cà phê chín và có con chồn thì sẽ có cà phê chồn, những ai nuôi chồn không hiểu biết rõ về loài này thì rất dễ thất bại.
Nếu nghĩ rằng bảo tồn là nhốt chồn vào chuồng để nó không chạy mất, làm sao cho nó sống mà không chết thì hoàn toàn sai. Khái niệm bảo tồn là duy trì một giống (loài) để nó không bị mất đi đồng thời duy trì được tất cả bản năng vốn có của giống (loài) đó.
Trong môi trường tự nhiên, chồn phải tự tìm kiếm thức ăn và có tính tự vệ rất cao. Khi tính tự vệ cao bao nhiêu thì tính tự do cao bấy nhiêu. Chồn vốn là loài thú hoang dã, ăn tạp, cho nên nó không chỉ ăn cà phê mà còn ăn nhiều thức ăn khác như thịt, trứng, một số ít côn trùng và hoa quả, và một điều rất đặt biệt là chúng chỉ ăn những hoa quả chín tự nhiên. Cà phê chỉ là một loại thức ăn bổ sung chứ không phải là thức ăn thay thế. Chúng ta không thể nào tìm sẵn thức ăn và bắt ép nó ăn theo ý muốn.
Đầu tư cho chồn không phải là bài toán dễ tính, ngoài tiền mua con giống khá đắt bởi số lượng chồn hiện nay không nhiều và chi phí cho thức ăn tự nhiên thì việc tạo một môi trường sống của chồn là tốn kém nhất. Vườn phải đủ rộng lớn, đủ thoải mái để chồn thực hiện bản năng hoang dã, đồng thời phải an toàn, an toàn ở đây với những loài thú ăn thịt khác và với cả con người hay săn bắt chúng. “Chúng tôi xây dựng chuồng rất khác, chuồng không phải để nhốt mà là nơi mà chồn có thể ra vào thoải mái, chạy nhảy được, ấm về mùa đông mát về mùa hè,… Một thực tế chứng minh là nếu chúng ta đáp ứng được những yếu tố đó thì con chồn mới khỏe mạnh, sống lâu và sinh sản tốt”, Ông Hoàng Mạnh Cường, giám đốc Công ty TNHH MTV Kiên Cường cho biết.
Xác định ngay từ đầu và kiên quyết thực hiện cho được tiêu chí bảo tồn loài chồn trước tiên, Công ty Kiên Cường đã tiến hành tập huấn cho 200 hộ nông dân và đưa ra những điều kiện khi làm phải đặt trách nhiệm tính nhân văn lên hàng đầu thì công ty mới dám đầu tư. Đến nay, tỷ lệ số hộ đáp ứng được các điều kiện trên không nhiều. Ông Hoàng mạnh Cường nhìn nhận: “Nhiều người cho rằng cà phê chồn là siêu lợi nhuận, nhưng khi bắt tay vào làm thì mới vỡ kế hoạch, chi phí đầu tư rất lớn trong khi thành phẩm không bao nhiêu. Hiện cà phê chồn chỉ chiếm 10% sản lượng cà phê mà công ty bán ra”.
Với giá thành khá cao thì việc nhiều người đang lạm dụng tên gọi cà phê chồn là điều không tránh khỏi và người tiêu dùng hiện cũng hết sức hoang mang, không biết đâu là thật, đâu là giả. Chia sẽ về điều này, đại diện công ty Kiên Cường khuyến cáo: “Chúng tôi nghĩ rằng người tiêu dùng hiện nay có nhiều điều kiện tìm hiểu về cà phê chồn, thậm chí là nhiều điều kiện tìm hiểu hơn chúng tôi nữa. Do vậy chúng tôi chỉ khuyến cáo người tiêu dùng là đối với những sản phẩm cao cấp như cà phê chồn thì khi mua, người tiêu dùng nên đặt nhiều câu hỏi cho đơn vị sản xuất, không có gì phải gấp gáp mua một sản phẩm đắc đỏ trong khi họ dùng hoàn toàn có quyền được biết về sản phẩm trước khi mua, và đơn vị sản xuất có trách nhiệm phải cung cấp thông tin của sản phẩm”. Cho nên, khi khách hàng đến với công ty TNHH MTV Kiên Cường, không chỉ đơn giản là được thưởng thức cà phê chồn mà sẽ được nghe nhiều hơn về những kinh nghiệm trong những lần thất bại và thậm chí ông Cường đã phải trả giá rất nhiều cho những lần thất bại đó.
Tuy nhiên sau tất cả những cố gắng nỗ lực của Doanh nghiệp thì vẫn chưa đủ, trăn trở và khao khát của mỗi Doanh nghiệp chính là tăng cường hơn nữa công tác quản lý các cấp nhà nước, cần quyết liệt hơn, tinh gọn nhanh hơn và chuyên nghiệp hơn nữa, siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm và minh bạch trong thông tin. Theo phía công ty Kiên Cường, đơn vị hiện đang trông chờ vào các cơ quan quản lý, công tác kiểm soát vẫn đang được tiến hành tuy nhiên làm sao phải minh bạch thông tin, cần phải chính xác thông tin trên bao bì sản phẩm cà phê chồn và cà phê tẩm ướp hương chồn, đó là 2 loại hoàn toàn khác nhau và giá trị cũng chênh nhau rất lớn để người tiêu dùng phân biệt được. Bởi mọi thông tin gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng đều vi phạm pháp luật. Những trường hợp gây hiểu nhầm để trục lợi, lừa gạt túi tiền của người tiêu dùng cần phải xử phạt nặng hơn nữa.
Bản thân gắn bó với cây cà phê từ nhỏ, ông Hoàng Mạnh Cường cũng như rất nhiều người nông dân ở Đắk Lắk luôn trăn trở bởi giá cà phê khá ảm đạm. Theo thời gian, người nông dân đã cải thiện được sản lượng nhưng khi sản lượng càng cao bao nhiêu thì giá bán càng thấp bấy nhiêu. Cái chính ở đây vẫn là chất lượng, cà phê của Việt Nam ra thị trường luôn thấp hơn so với các nước khác, nếu chúng ta tạo ra được cà phê có chất lượng thì chắc chắn người nông dân cũng đỡ phải lấy công bù lỗ. Tây Nguyên không thiếu cà phê, nếu nhà nhà làm tốt và ý thức được chất lượng thì cải thiện giá cả rất nhiều. Lợi thế hiện nay là Đắk Lắk đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho cậy cà phê, cùng với sự quản lý giám sát của nhiều người nhiều cấp thì chất lượng cà phê Việt Nam sẽ được thế giới công nhận../.
PV