“Văn hóa chính là mạch nguồn, là thương hiệu của mỗi quốc gia trên hành trình hội nhập toàn cầu.” Đây chính là lời nhận định của CEO Lê Thị Thùy Anh (Amy Lê Anh) – Giám đốc Trung tâm phát triển kinh tế – văn hóa nghệ thuật quốc tế (CIECA) với Văn hóa Doanh nhân về văn hóa và thương hiệu.
CEO Amy Lê Anh đã thực hiện nhiều chương trình kết nối giao thương tại nhiều nước Châu Âu
PV: Thưa bà, bà có quan điểm như thế nào về vai trò của văn hóa trong hội nhập kinh tế toàn cầu?
Văn hóa là “gốc rễ” của mọi hoạt động trong đó có giáo dục, y tế, kinh tế thương mại,… Và quan trọng hơn hết đối với mỗi quốc gia, văn hóa chính là mạch nguồn, là thương hiệu của mỗi quốc gia trên hành trình hội nhập toàn cầu.
Đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam hiền hậu và thân thiện, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua tà áo dài đã trở thành một “thương hiệu riêng có” cho nét đẹp văn hóa của đất nước với bạn bè khắp năm châu. Bởi đó, tôi cho rằng văn hóa là yếu tố tiên quyết trong mọi hoạt động.
Đặc biệt là với tôi, khi đã đạt được các thành tựu với vai trò là Hoa hậu, diễn viên, ca sĩ thường xuyên lưu diễn tại Hải Ngoại thì sứ mệnh mang trong mình là điều tất yếu, và tôi chọn văn hóa Việt Nam là mạch nguồn cho hành trình của riêng mình mang tên: “Hành trình Văn hoá – Thương mại Việt Nam trên toàn cầu”. Tôi tin tưởng rằng, bản thân tôi cũng như hàng triệu phụ nữ Việt khác đều đã, đang và sẽ làm đẹp, làm giàu cho gia đình, cho xã hội và làm đẹp cho hình ảnh của quốc gia.
Khi bắt đầu với một vai trò là nhà sáng lập các chuỗi chương trình kết nối giao thương về văn hóa, thương mại giữa Việt Nam và các nước, tôi tự nhận thấy rằng đây là một hành trình không dễ dàng. Và càng khó hơn khi mình hiểu được sứ mệnh của mình chính là đại diện của hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, mình có trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy vai trò văn hóa Việt khi đến với các nước bạn.
Tôi đã tổ chức rất rất nhiều chương trình để giới thiệu văn hóa Việt Nam tại nhiều nước như: Mỹ, Pháp, Anh, Đức, … Và tôi sẽ tiếp tục hành trình này thông qua việc hợp tác với rất nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tại các nước tổ chức để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
PV: Bà có thể chia sẻ kế hoạch cho chương trình kết nối giao thương văn hóa và thương mại nào giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nước trong thời gian tới?
Tháng 5/2024 này, tôi sẽ tham gia một chương trình Triển lãm ảnh Quốc tế với chủ đề: “Vietnam 2024” do Pháp tổ chức tại lâu đài Albert Kahn. Tham gia chương trình này cũng có sự có mặt của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Nhàn – hội viên Hội nhiếp ảnh Quốc tế. Trong đó, tôi thực hiện một sứ mệnh vô cùng trân quý chính là hóa thân trong bộ trang phục của Nam Phương Hoàng Hậu. Bộ sưu tập Nam Phương sẽ là chủ đề chính trong chương trình triển lãm này nhằm gửi đến bạn bè quốc tế một cái nhìn chân thực về xã hội, con người, văn hóa Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn.
Chương trình này là chương trình đặc biệt dành cho du khách người Pháp và du khách nước ngoài tại Pháp. Họ sẽ được giới thiệu về lịch sử văn hóa Việt Nam dưới Thế kỷ XIX. Và quan trọng hơn hết chính là giao lưu văn hóa Việt – Pháp, để du khách yêu mến và biết đến Việt Nam nhiều hơn… Điều đó cũng cho thấy, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam từ xưa luôn là một nét đẹp cao quý. Thế hệ trẻ hôm nay như chúng ta phải biết yêu, biết trân trọng những gì lịch sử để lại, biết giữ gìn văn hóa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tôi cho rằng, người phụ nữ hội nhập đóng góp vai trò vô cùng quan trọng trong hành trình phát triển đất nước. Và tôi tự thấy mình chính là một nhân tố nhỏ bé trong hàng triệu người phụ nữ Việt Nam đang không ngừng học tập, cống hiến và hi sinh hết mình cho gia đình, cho xã hội và cho đất nước.
Bên cạnh các hoạt động này, tôi sẽ phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và một số nước thực hiện nhiều chương trình thiết thực để tìm kiếm cơ hội quảng bá thương hiệu Việt đi khắp năm châu. Trong đó, không thể không nói tới sự hợp tác với Nhà thiết kế (NTK) Quỳnh Paris. Cô là Đại sứ ngành thời trang Việt Nam tại Cicon HCM City 2023 vừa qua, đồng thời cũng là cố vấn nghệ thuật và chiến lược của CIECA. NTK Quỳnh Paris là một trong những người phụ nữ đã truyền những năng lượng tích cực trong việc lan tỏa giá trị bản sắc văn hóa Việt trong mỗi trang phục được thiết kế.
Trong thời gian tới, tôi sẽ cùng với NTK Quỳnh Paris thực hiện nhiều chương trình kết nối giao lưu văn hóa đến bạn bè quốc tế để cùng nhau lan tỏa thông điệp ý nghĩa đến với thế hệ trẻ về văn hóa Việt, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa hướng đến sự phát triển bền vững.
Nếu như năm vừa qua tôi đã thực hiện các chương trình giới thiệu lịch sử văn hóa Việt đến Ba Lan thì trong năm nay tôi sẽ thực hiện chương trình “Kết nối đầu tư thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ” thông qua các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
PV: Tại sao bà lại chọn chương trình kết nối tháng 9/2024 tại Mỹ là các sản phẩm nông nghiệp? Các thương hiệu nông sản Việt sẽ được hỗ trợ như thế nào, thưa bà?
Tôi là người yêu nét đẹp văn hóa Việt Nam và muốn quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam đến với các nước trên thế giới, tôi chưa bao giờ dừng lại trên hành trình kết nối giao thương này. Nét đẹp của Văn hóa Việt còn có cả nét đẹp của lao động, sản xuất, của những người nông dân. Hơn hết, nông nghiệp là một trong những nền kinh tế đặc biệt được chú trọng của Việt Nam. Sau thời gian tìm hiểu về các sản phẩm nông nghiệp cũng như văn hóa nông nghiệp tôi cảm thấy yêu hơn, tự hào về những đóng góp của bà con nông dân trong sự phát triển kinh tế. Và tôi thấy trân trọng hơn với việc giữ gìn nếp sống văn hóa thuần Việt từ xa xưa.
Do đó, việc lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp không chỉ bắt nguồn từ văn hóa mà còn là một xu thế phát triển, là thế mạnh của Việt Nam trong hội nhập toàn cầu. Tại chương trình này, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sẽ được hỗ trợ truy suất nguồn gốc, được chứng nhận sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn để xuất hiện trên các sập, kệ trong các siêu thị tại Mỹ.
Trong đó có thể kể tới đơn vị phối hợp tổ chức chương trình này là Ibenetor USA – Bến Thành Plaza, một trong những siêu thị lớn nhất Texas. Các doanh nghiệp sản xuất, thương mại và chuyển đổi số của Việt Nam sẽ được Phòng thương mại Mỹ hỗ trợ trực tiếp thông qua diễn đàn “Thương hiệu việt – Chuyển đổi số kinh tế đối ngoại”. Đây cũng là lần đầu tiên giá trị OCOP VIỆT sẽ được nâng lên vị thế mới thông qua Hội Chợ Mùa Thu với chủ đề “Festival OCOP Việt Nam-Hoa Kỳ”- một chương trình được tổ chức hàng năm tại đây.
Ngoài ra còn nhiều chương trình hấp dẫn khác sẽ có trong chương trình. Tôi mong rằng các thương hiệu nông sản Việt Nam sẽ từ đó được chắp cánh thương hiệu, khẳng định về chất lượng và uy tín tại thị trường các nước khó tính như Mỹ.
PV: Xin cảm ơn bà!
Thùy Vân