Thực hiện chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giúp nhiều hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn ở Tiền Giang vươn lên thoát nghèo, quan trọng hơn hết, người dân đã biết sử dụng vốn vay đúng mục đích, áp dụng phương thức sản xuất phù hợp để từng bước ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Hoàng – Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh (người đứng bên trái)
Hiện nay, NHCSXH tỉnh Tiền Giang đang triển khai thực hiện 12 chương trình tín dụng chính sách. Tính đến tháng 9/2019, tổng dư nợ cho vay các chương trình là 2.464 tỷ đồng với 110.135 khách hàng còn dư nợ. Trong đó: dư nợ cho vay hộ nghèo: 286 tỷ đồng; dư nợ cho vay cận nghèo: 367 tỷ đồng; dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo: 352 tỷ đồng, dư nợ cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn: 443 tỷ đồng; dư nợ cho vay giải quyết việc làm: 229 tỷ đồng; dư nợ cho vay NS&VSMTNT 542 tỷ đồng,… Kết quả thực hiện các chỉ tiêu hoạt động tín dụng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, chất lượng tín dụng tiếp tục được nâng lên.
Hằng năm, trên cơ sở xây dựng kế hoạch tín dụng của chi nhánh, NHCSXH Việt Nam giao chỉ tiêu KH các chương trình để chi nhánh thực hiện. Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng Trung ương chuyển về, hằng năm UBND tỉnh có dành 1 phần vốn từ ngân sách để chuyển cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tính đến nay, nguồn vốn tại chi nhành 2.475 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH là 155 tỷ đồng, tăng 53 tỷ đồng so với đầu năm.
Ông Nguyễn Văn Hoàng – Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: “Nếu hộ nghèo có phương án sản xuất kinh doanh, có sức lao động, có nhu cầu vay vốn được cơ sở và được chính quyền địa phương xác nhận, bình xét đều được NHCSXH xem xét giải quyết cho vay. Mức cho vay tối đa cho mỗi hộ là 100 triệu đồng và lãi xuất cho vay là 0,55%/tháng. Nhìn chung về cơ bản hiện tại nguồn vốn của NHCSXH đáp ứng được nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng chính sách”.
Để đảm bảo việc triển khai chính sách tín dụng chặt chẽ và thực hiện có hiệu quả, lãnh đạo hoạt động tín dụng Chính sách trên địa bàn là Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh (cấp huyện). Trưởng ban là đ/c Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND tỉnh (huyện). Mô hình hoạt động cho vay của NHCSXH được thực hiện cho vay ủy thác qua 04 tổ chức chính trị xã hội là Hội nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội cựu chiến binh và Đoàn thanh niên. Chính sự tham gia quản lý của cả hệ thống chính trị nên việc triển khai tín dụng chính sách rất thuận lợi và có rất hiệu quả, chất lượng tín dụng hiện tại của chi nhánh tốt. Mặc khác, vốn chính sách xã hội được giải ngân kịp thời, đúng đối tượng đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên.
Chia sẻ về thuận lợi khi triển khai các chương trình chính sách, “Hoạt động của Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện và chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tín dụng CSXH, gắn tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học – kỹ thuật… nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn”, ông Nguyễn Văn Hoàng phấn khởi.
Ngoài ra, Chi nhánh cũng tích cực phối hợp cơ quan báo đài trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền bằng nhiều hình thức, công khai tại các Điểm giao dịch xã,… Nên người dân rất dễ tiếp cận với nguồn vốn tín dụng Chính sách.
Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị nhận ủy thác để phát hiện các tồn tại, có kiến nghị, chấn chỉnh và xử lý kịp thời; hướng dẫn các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác các cấp, các Tổ tiết kiệm và vay vốn về quy trình, nghiệp vụ tín dụng chính sách để phối hợp triển khai tại cơ sở; phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng CSXH đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng…/.