Tin nổi bật

Chiến lược nào phát triển ngành xây dựng Việt Nam

8:05 sáng | 07/07/2023

VHDN: Công nghiệp xây dựng toàn cầu là một thị trường rất lớn và đầy tiềm năng cho chúng ta khai thác, và nếu thành công trong việc khai thác thị trường này, Việt Nam sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng sản phẩm và dịch vụ liên quan trong ngành xây dựng cùng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, làm sao để Việt Nam chinh phục thị trường xây dựng tiềm năng rộng lớn này?

Ngày 6/7 vừa qua, trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà Thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Danh dự Hội Kỹ sư Xây dựng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã có những phát biểu cho rằng cần có chiến lược mang tầm quốc gia để công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Kỳ Văn hoá doanh nhân xin được đăng tải bài phát biểu của ông Hải với chủ đề: Chiến lược phát triển ngành xây dựng Việt Nam – Thời cơ và thách thức trong số tháng này.

Ngành xây dựng đóng góp rất hiệu quả cho nền kinh tế đất nước…

Việt Nam đã khai thác rất tốt thời cơ ngành xây dựng bùng nổ sau 50 năm không phát triển và đã làm chủ công nghệ bằng cách khai thác lợi thế của người đi sau. Đó quả thật là một cơ hội vô cùng quý giá. Từ vai thầu phụ chuyển sang đối tác liên danh, trong một thời gian ngắn các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đã nhanh chóng trưởng thành, đủ năng lực làm tổng thầu những công trình có qui mô lớn và yêu cầu kỹ thuật cao như: Nhà máy thủy điện Sơn La, Cầu Bãi Cháy, Hầm Đèo Cả, Nhà máy Thép Hòa Phát, Nhà máy Ô tô Vinfast, Nhà máy Lego, Cao ốc Landmark 81, Cao ốc Saigon Centre, Vietinbank Tower, Empire City,… tổng thầu thiết kế và thi công nhiều dự án lớn của các chủ đầu tư trong nước và nước ngoài như Gamuda, MIK, TNR, Ecopark…

Ngành xây dựng Việt Nam đã không đi theo con đường phát triển bình thường mà có thể nói là nhảy vọt khi được xây dựng trên nền tảng những công cụ và hệ thống hiện đại nhất; đồng  thời, dựa vào nỗ lực học hỏi, tích hợp tinh hoa về khoa học kỹ thuật công nghệ trong ngành xây dựng từ nhiều nguồn khác nhau trên thế giới như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, và nhiều nước ở các Châu Âu, Mỹ, Úc,… 

Gần 10 năm trở lại đây, các nhà thầu nội với đội ngũ kỹ sư có trình độ tay nghề cao đã thay thế nhà thầu ngoại ở hầu hết các dự án có quy mô lớn và yêu cầu kỹ mỹ thuật cao. Doanh nghiệp xây dựng nội đã gần như chiếm lĩnh thị trường trong nước và đem lại lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho nền kinh tế khi giảm được suất đầu tư đáng kể cho rất nhiều dự án với giá thành thấp hơn rất nhiều so với các tổng thầu nước ngoài. Ví dụ vào những năm 90 của thế kỷ trước, những cao ốc được thực hiện bởi các nhà thầu ngoại giá thành không dưới 2.000 USD/m2 trong khi hiện nay chi phí nhân công và vật tư đều tăng cao nhưng giá thành xây dựng các cao ốc hạng A chỉ trong khoảng 1.000 USD/m2.

Ngoài ra, chúng ta có một lực lượng kỹ sư xây dựng rất hùng hậu với số lượng gấp ba lần mức trung bình của thế giới: 9.000 kỹ sư xây dựng trên 1 triệu dân trong khi mức trung bình thế giới là 3.000. Hiện nay có đến 67 trường đại học có các khoa chuyên ngành liên quan đến xây dựng bao gồm kỹ sư xây dựng, cầu đường, thủy lợi, kiến trúc sư, thiết kế nội thất, quản lý dự án, kinh tế xây dựng,… Đây là một lợi thế cho công nghiệp xây dựng Việt Nam khi trên thế giới giới trẻ quay lưng với ngành xây dựng và rất nhiều nước phát triển hiện thiếu hụt nguồn nhân lực này.

KTS Lê Viết Hải phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp ngày 6/7

nhưng đang có nguy cơ tụt hậu

Từ năm 2015 đến nay, thị trường xây dựng trong nước đã không còn nhiều nhà thầu nước ngoài tham gia thi công xây dựng, chúng ta đã làm chủ thị trường nhưng lại mất cơ hội học hỏi. Trong khi đó, công tác nghiên cứu phát triển của Việt Nam còn yếu kém. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến chúng ta bị tụt hậu. Nếu không có một chiến lược phù hợp, Việt Nam sẽ lại mất thị trường nội địa vào tay những nhà thầu quốc tế thêm một lần nữa.

Những biến động tiêu cực của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng suốt những năm qua khiến cho các doanh nghiệp xây dựng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Từ năm 2017 có rất ít dự án nhà ở đô thị được cấp giấy phép xây dựng, trong khi đó nguồn nhân lực trong ngành vẫn cứ tăng liên tục nhưng nguồn việc thì không tăng mà ngược lại sụt giảm rất mạnh.

Từ thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã gây bất lợi rất lớn cho các nhà thầu; thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt khiến các doanh nghiệp xây dựng không còn lợi nhuận.

Trong thời gian gần đây, tình trạng chậm thanh toán của các chủ đầu tư ngày càng trầm trọng hơn khiến nhiều nhà thầu suy yếu, điêu đứng do không thể cân đối được dòng tiền để duy trì nguồn lực sản xuất, thậm chí nhiều doanh nghiệp xây dựng và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng bị phá sản hoặc có nguy cơ phá sản.

Cần có chiến lược mang tầm quốc gia để công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Hiện nay, thị trường xây dựng thế giới có giá trị khoảng 13.500 tỷ USD và theo dự báo đến năm 2030 sẽ lên đến 19.000 tỷ USD, trong khi đó ở Việt Nam trong 3 năm gần đây tổng sản lượng ngành xây dựng chỉ vào khoảng 80 tỷ USD, tức là chỉ xấp xỉ 0,6% quy mô của thị trường thế giới, nếu thành công trong việc khai thác thị trường này, xây dựng sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia với mục tiêu chiếm khoảng 1,8% thị trường này, tức nâng sản lượng xây dựng lên gấp 3 lần (240 tỷ USD).

Không chỉ đem lại lợi ích kinh tế nói trên, phát triển công nghiệp xây dựng ra thị trường toàn cầu đồng thời còn giúp giải quyết bài toán dư thừa trầm trọng nguồn nhân lực trình độ cao trong ngành.

Phát triển công nghiệp xây dựng ra thị trường toàn cầu còn là phương cách hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp xây dựng Việt Nam, đảm bảo chúng ta luôn có được cơ hội tiếp thu và tích hợp kịp thời tinh hoa của cả thế giới. Đây là một yếu tố quan trọng mang tính chiến lược giúp chúng ta luôn đủ mạnh để bảo vệ được thị trường nội địa.

Vì vậy, chúng ta cần phải có giải pháp nuôi dưỡng và liên tục nâng tầm ngành xây dựng để công nghiệp xây dựng có thể chinh phục được thị trường nước ngoài và từ đó trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia.

Những giải pháp được kiến nghị bao gồm 7 nhiệm vụ chiến lược của công nghiệp xây dựng Việt Nam tôi đã  trình bày trong cuốn sách “Thập kỷ vàng-Trang sử mới “ được xuất bản cách đây vừa tròn 3 năm, theo tôi đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng cơ hội này chỉ đến một lần vì nếu chậm chân chúng ta sẽ không thể thành công bởi giai đoạn dân số vàng với những thuận lợi về nguồn nhân lực dồi dào sẽ qua đi rất nhanh chóng, dự báo kết thúc vào năm 2034, và cơ hội đó sẽ mãi mãi không bao giờ trở lại. Bỏ lỡ cơ hội này thật khó cho Việt Nam chúng ta vượt qua được bẫy thu nhập trung bình.

Chúng tôi nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp xây dựng trong việc thực hiện chiến lược này và sẽ mang mọi nỗ lực để cùng Chính phủ, cùng các đồng nghiệp, các hiệp hội và các chuỗi cung ứng thực hiện thành công mục tiêu chiến lược nói trên.

Ngoài ra, với tư cách là Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam và với kinh nghiệm thực tiễn của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình tôi cũng xin lưu ý rằng để có thể trụ lại qua mọi cuộc khủng hoảng, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh và thực hiện khát vọng vươn tầm quốc tế bền vững, cộng đồng doanh nghiệp  Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xây dựng nói riêng, cần hết sức quan tâm và thực thi văn hoá doanh nghiệp với những tiêu chuẩn do Hiệp hội chúng tôi đã dày công nghiên cứu và soạn thảo. Cần xác định văn hoá doanh nghiệp, văn hoá kinh doanh là một giải pháp đột phá như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo.

KTS Lê Viết Hải cũng đưa ra 07 nhiệm vụ chiến lược Nhà nước cần thực thi để công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quốc gia.

1/ Hỗ trợ thông tin thị trường toàn cầu qua các cơ quan của Bộ Ngoại giao Bộ Công thương (Đại sứ, tổng lãnh sự, tham tán kinh tế, tham tán thương mại)

2/ Tạo điều kiện thuận lợi trong các hiệp định thương mại. Không chỉ chú trọng sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản, khoáng sản mà còn cần chú trọng công nghiệp xây dựng

3/ Có cơ chế chính sách đặc biệt, cải cách thủ tục hành chính giúp ngành công nghiệp xây dựng bao gồm sản xuất kinh doanh VLXD đứng vững và cạnh tranh trên thị trường thế giới

4/ Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng ra nước ngoài cọ xát với thực tế để tự nâng cao năng lực

5/ Thiết lập hệ sinh thái kinh doanh tối ưu cho công nghiệp xây dựng Việt Nam bao gồm sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế quản lý giám sát công trình xây dựng, cung cấp dịch vụ thầu phụ chuyên ngành,…

6/ Tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp xây dựng trong nước làm tổng thầu các dự án đầu tư công quy mô lớn như sân bay, cầu cảng, các công trình công nghiệp nặng…

7/ Chú trọng đầu tư cho việc quảng bá thương hiệu quốc gia, lan tỏa văn hóa tốt đẹp của dân tộc thông qua hoạt động xây dựng ở thị thường toàn cầu.

Long Châu