Tin nổi bật

Chúc mừng Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10: Nghĩ về bản sắc doanh nhân Việt

3:56 sáng | 15/10/2021

1.Từ bình minh cội nguồn dân tộc, cha ông ta luôn lấy việc giao thương làm trọng. Câu chuyện cổ tích chàng Mai An Tiêm, một hoàng tử của Vua Hùng đã trồng được dưa hấu nơi cô đảo và khi có trái chín thì chàng không những dùng nuôi thân bị lưu đày giữa mênh mông sóng nước mà còn khắc dấu vết vào quả dưa thả xuống biển ngoài khơi cửa Thần Phù, Thanh Hóa để chúng dạt vào đất liền, để chúng trôi ra khắp bốn phương. Đó là biểu hiện mưu lược, là phẩm cách giao thương của một “doanh nhân” thời tiền sử đầy thông minh nhằm quảng bá một loại cây quả có ích và hy vọng được người đời biết đến, cứu thoát chàng khỏi tình thế hiểm nghèo…

Nghiên cứu về các di sản còn lại của cổ thành Luy Lâu (Bắc Ninh) như các truyền thuyết, thần phả, văn bia, đều thấy có những ghi nhận từ buổi đầu công nguyên, người Việt ta đã sản xuất ra được những vật dụng quý giá, đủ tầm để trao đổi thương mại với thương nhân một số quốc gia Đông Nam Á như Chà Và (Indonesia), Mã Lai (Malaisia), Ai Lao (Lào)… và với các nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc…

 Sách Đại Việt sử ký toàn thư, chép về vua Lý Thái Tông như sau: “Tháng 2, năm Canh Thìn, niên hiệu Càn Phù Hữu Đạo (1040), vua đã dạy cung nữ dệt được gấm vóc, tháng ấy xuống chiếu phát hết gấm vóc của nhà Tống trong kho ra để may áo cho các quan từ ngũ phẩm trở lên…. Việc làm này để tỏ là vua không dùng gấm vóc của nhà Tống nữa…” (Toàn thư, NXB Văn hóa – Thông tin, HN, 2009, trang 183). Nhà sử học Ngô Sĩ Liên, tác giả sách trên đã bàn về sự kiện quan trọng đó như sau: “Việc làm này của vua trong cái tốt lại còn cái tốt nữa, không quý của lạ, tỏ ra giữ đức kiệm ước…” (Toàn thư, sách đã dẫn).

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1874 – 1932)

Từ quyết định tự chủ sản xuất và tiêu thụ hàng gấm vóc, lụa là nội địa của vua Lý Thái Tông, một vùng Kinh Bắc đã hình thành rất nhiều các nôi tầm tang canh cửi sầm uất như các huyện Yên Phong, Từ Sơn, Thuận Thành… (Bắc Ninh); như các làng dệt lụa xung quanh đô thị Hà Đông cũ đều có lên mở đầu bằng chữ La (Lụa). Và, sau đó không lâu, các trấn, thành, xứ, phủ… trong cả nước đều có những làng nghề trồng dâu nuôi tằm và nhiều loại làng nghề khác. Ngay trên đất kinh kỳ Thăng Long, có xuất hiện nhiều làng nghệ nghề mang tính sản xuất, kinh doanh, giao thương khá nổi tiếng như đúc đồng Ngũ Xã, giấy Yên Thái, hoa Ngọc Hà, Nhật Tân…

Các triều đại nối tiếp trong lịch sử như Trần, Hậu Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn bên cạnh việc chăm chỉ khuyến nông vẫn không ngừng phát triển ngành nghề thủ công và mở mang giao thương… Nhờ thế, đã hình thành nhiều trung tâm thương cảng như Thần Phù, Cửa Triều, Phố Hiến, Cửa Đại, Hội An…

Bằng con mắt nhìn nhận về doanh nhân, doanh nghiệp hôm nay, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng, hình thái doanh nghiệp, doanh nhân của Việt tộc ra đời rất sớm và song hành cùng tiến trình xây dựng, gìn giữ và phát triển đất nước trải dài hàng nghìn năm lịch sử. Qua đó thấy rằng, thời kỳ nào, đất nước mở mang giao thương, ưu đãi cởi mở khuyến công, khuyến thương thì thời kỳ đó, kinh tế và văn hóa phát triển vượt bậc. Có lẽ thế mà kho tàng tục ngữ và dân ca Việt Nam đã đúc kết thành một câu đầy thực tiễn chân lý: Phi thương bất phú!

2.Trong lịch sử hiện đại, đặc biệt là từ khi đất nước tiến hành đổi mới, Việt Nam ta đã có một đội ngũ doanh nhân, một khối lượng doanh nghiệp khổng lồ, không những rất đông đảo hùng hậu về số lượng mà còn hàm chứa nguồn lực tiềm tàng, đa dạng, đủ tầm vóc, đủ trọng lượng để làm rường cột cho nền kinh tế quốc gia và đề kháng hữu hiệu trước những cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khu vực. Đây là thành tựu chưa từng có của công cuộc canh tân đất nước theo hướng văn minh và hiện đại, phồn thịnh và nhân văn; đó còn là sản phẩm của nền kinh tế thị trường, là nhu cầu phát triển, mở cửa hội nhập với thế giới trong thời kỳ công nghệ 4.0.

Nhân đây, chúng tôi vẫn muốn thêm một lần được nhắc lại, đội ngũ Doanh nhân Việt Nam, mỗi ngày một thêm vóc vạc và đa dạng nhiều giai tầng. Bên cạnh những doanh nghiệp lớn, siêu lớn, có tài sản, có quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh xuyên quốc gia, hoặc vươn tỏa khắp nhiều tỉnh thành trong nước, với nguồn lực to lớn đủ để tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh nhiều đại dự án ngàn vạn tỷ đồng với hàng chục nghìn, chục vạn người làm công còn có một đội ngũ vô cùng đông đảo các doanh nhân, doanh nghiệp khác, đó là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vừa, nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Nhỏ nhưng là muôn ngàn cây xanh góp nên rừng cây rậm rạp, chịu được nắng gió, bão bùng, liên tục bám rễ sinh sôi trên mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Họ xuất hiện ở các thôn làng, thị tứ…, vốn xưa chỉ là các địa chỉ “sau lũy tre”, nơi “cây đa bến nước sân đình” khép kín, bình lặng; Họ còn khởi nghiệp thành công ở nơi phố thị, phố thành, vùng sâu, vùng xa, biên cương, hải đảo… Các doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ, chỗ vài trăm người, vài chục người, thậm chí có nơi chỉ mươi người làm công, tài sản không lớn nhưng họ đã hàng ngày tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, có tích lũy để đổi đời và đóng thuế cho ngân sách. Chính các doanh nghiệp nhỏ nhoi này đã góp phần quan trọng để gương mặt nông thôn Việt Nam thay đổi, phồn thịnh lên khá nhanh, là một trong những động lực chính để xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới thành công, giúp người dân bản địa ly nông mà không phải ly hương.

3.Là một thành phần quan trọng trong xã hội, bao gồm nhiều giai tầng xuất thân từ công nhân, nông dân, trí thức, cựu chiến binh, người hưu trí…, Doanh nhân Việt Nam có những phẩm chất thấm đẫm văn hóa Việt với những phát lộ thật đáng khâm phục:

Đó được phát huy từ truyền thống “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”, Thương người như thể thương thân”. Đó là tinh thần yêu nước nồng nàn. Từ xa xưa, khi Linh Từ quốc mẫu Nguyễn Thị Dung lo xây dựng vùng hậu phương an toàn cho vợ con cha mẹ tướng sỹ, quan chức triều đình, lo tích trữ lương thảo ở miền Sơn Nam Hạ, Yên Quảng để hậu thuẫn cho quân dân Nhà Trần đánh tan các đạo quân Nguyên Xâm lược, có biết bao nhà buôn bán, nhà cự phú giúp tiền, giúp gạo, xe, ngựa, vũ khí, xây dựng đồn trại, nơi ăn chốn cho binh sỹ dốc lòng kháng chiến.

Khi Vua Lê Thái Tổ dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn, hàng chục nhà buôn xuyên biên giới Đại Việt – Ai Lào đã hiến cho nghĩa quân hàng nghìn ngựa chiến, nhiều thớt voi, nhiều cân sắt để rèn vũ khí.

Trong tuần lễ Vàng giúp Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Doanh nhân Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Quỹ đến 5000 lượng vàng.

Ngày nay, nhất là trong đại dịch Covid-19, cùng với toàn hệ thống chính trị xã hội đất nước, giới doanh nhân đã và đang có những đóng góp vô cùng lớn. Không kể là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân, ai ai cũng “tùy theo sức của mình” đóng góp nhiệt tình vô tư và đầy trách nhiệm. Người ủng hộ xây dựng bệnh viện dã chiến, người đóng góp cho quỹ vaccine, người gửi hàng hóa, thuốc men đến các địa chỉ đỏ phòng dịch và chống dịch. Riêng quỹ đóng góp cho Quỹ Vaccine đã lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.

AHLĐ Lê Văn Tam

Doanh nhân Việt Nam có tính tự chủ, sáng tạo rất cao. Còn nhớ khi nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi khởi nghiệp, ông đã rất khôn khéo dựa vào tinh thần tự tôn dân tộc của người dân trong nước mà lật được thế cờ tưởng chừng như đã bị đè bẹp bởi các thương nhân, chủ sở người Hoa, người Pháp, trường vốn liếng, đầy mưu mô xảo quyệt trong cuộc cạnh tranh vận chuyển khách trong giao thông đường thủy, trong khai thác than và trong nhiều dịch vụ doanh thương khác…

Vào đầu những năm 1980, vì nhiều lý do, phía Cộng hòa Pháp rút bỏ kế hoạch đầu tư Nhà máy Mía đường 4000 tấn mía/ngày ở Lam Sơn, Thanh Hóa, ngành Mía đường Việt Nam, bà con tám huyện vùng trung du và miền núi Thanh Hóa đứng trước một tình thế trắng tay khi nửa triệu dân đã dốc công sức vốn liếng cho việc trồng mía nguyên liệu. Anh hùng Lao động Lê Văn Tam cùng với các cộng sự của mình đã dốc lòng dốc sức, đôn đáo khắp nơi tìm thầy, tìm thợ, tìm vốn… Thế là nhà máy được tái sinh, hình thành một vùng công nông nghiệp đô thị sầm uất, hình thành một đội ngũ công nhân nông nghiệp đông đến vài chục vạn người. Hình thành một góc trụ cột trong bản đồ kinh tế Tứ Sơn của tỉnh Thanh Hóa, bao gồm: Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Lam Sơn và Nghi Sơn.

Doanh nhân Việt Nam có tinh thần dám nghĩ dám làm, dám tạo ra thế đột phá, chuyển bại thành thắng, chuyển không thành có. Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, công cuộc đổi mới đất nước được thúc đẩy sâu rộng trong giới tài chính ngân hàng, bởi trước đó, nhiệm vụ của bốn ngân hàng thương mại quốc doanh: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( AGRIBANK), Ngân hàng TMCP Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Công thương chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ cấp phát theo chỉ định dự án của Nhà nước, trong đó, có ngân hàng đứng trước nguy cơ giải thể hoặc sáp nhập vì “gối chồng” nhiệm vụ với đơn vị khác. Trước tình thế đó, các ngân hàng đã chuyển hướng đi vay để cho vay, thay vì chỉ làm nhiệm vụ cấp phát và giám sát sử dụng đồng vốn cấp phát đến công trình, đến dự án chỉ định kế hoạch. Cùng với phương cách đi vay để cho vay, BIDV còn nhận nhiệm vụ trước Chính phủ “vay” 300 tỷ đồng của Nhà nước, giải ngân theo thể thức “có vay có trả” để cứu sản xuất, vực sản xuất lên. Đây là một bước đi tài chính ngân hàng chưa từng có trước đó. Với 300 tỷ đồng đó, BIDV thực sự đã cứu được nhiều doanh nghiệp trước bờ vực phá sản trong ngành than, trong hệ thống thủy lợi, quai đê, lấn biển và tạo dựng được nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh mới, trong đó Thủy điện Duy Sơn II ở Quảng Nam là một thành công đầy ý nghĩa. Nhờ được vay 500 triệu đồng (Thời giá năm 1990) của BIDV, những người nông dân hợp tác xã Duy Sơn 2, tỉnh Quảng Nam đã làm được thủy điện, có điện để phục vụ xưởng may mặc xuất khẩu, điện sinh hoạt trong xã và còn dư điện để bán cho điện lực quốc gia. Với điều kiện kinh tế xã hội thời khó khăn 1989-1990, sự khởi nghiệp của một làng quê dưới chân núi căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến đầy khó khăn gian khổ hy sinh mới thấy sự chuyển hướng ngoạn mục của đồng vốn ngân hàng trong nhiệm vụ cứu sản xuất, vực sản xuất lên. Đây là bài học quý giá để các ngân hàng thương mại quốc doanh chuyển sang cơ chế đi vay để cho vay thay cho nhiệm vụ cấp phát và giám sát đã tồn tại nhiều thập niên trước đó.

Như con sông đã khơi dòng, như nguồn nước đã chảy theo chiều lợi thủy, vào những năm 1991, 1992, thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại quốc doanh chủ động liên kết với các đối tác tiền tệ nước ngoài, mở ra một kênh kinh doanh mới, BIDV là ngân hàng đầu tiên liên doanh với ngân hàng Công cộng của Malaisia thành lập Ngân hàng VIB-PUPLIK BANK. Kinh nghiệm và kết quả từ liên doanh này đã giúp BIDV rất nhiều nguồn lực và bản lĩnh để mở nhiều liên doanh với Ngân hàng LB Nga, HSBC Hồng Công, Deustbank (LB Đức), Lào, Mianmar, và hàng trăm định chế tín dụng, tiền tệ trên thế giới. Hai bước đột phá “đi vay để cho vay” hướng về sản xuất, vực sản xuất lên và hợp tác liên doanh với các định chế tài chính nước ngoài đã đưa vị thế của BIDV trở thành 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới hiện nay.

 

BIDV nhận cú đúp giải thưởng “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam”.

Doanh nhân Việt Nam còn có đức tính yêu quý chăm lo cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật. Rất nhiều doanh nhân đồng thời cũng là những nhà hoạt động văn hóa, thể thao, văn học, nghệ thuật tên tuổi. Lực lượng này đã trở thành một bộ phận đông đảo trong các Hội sáng tạo chuyên ngành từ trung ương đến địa phương. Họ đã có những đóng góp lớn, tài trợ lớn cho các sự kiện văn học nghệ thuật, cho những cuộc thi văn chương; đóng góp cho quỹ khuyến học, nuôi dưỡng những năng khiếu nghệ thuật mới chớm nở nụ chồi… Cao hơn thế là mảng Văn học Nghệ thuật nói riêng và Văn hóa doanh nhân nói chung đã và đang phát triển năng động từng ngày, tạo nên một phong cách thân thiện, lịch lãm nhưng đầy hào khí của bản sắc Văn hóa Doanh nhân Việt.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) luôn là bà đỡ mát tay, là định hướng cho Văn hóa doanh nhân Việt phát triển, đó là văn hóa tín nghĩa, lấy doanh lợi của khách hàng làm động cơ và mục đích kinh doanh, mang lợi ích thiết thân đến người lao động, chung vai chung lòng với từng vận mệnh nhân dân, vận hội của Đất nước.

59 năm qua, trong bất cứ hoàn cảnh nào, VCCI cũng có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Đến nay, VCCI trở thành tổ chức quốc gia có chức năng đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, VCCI cũng thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với gần 200 tổ chức đối tác quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm và làm việc tại VCCI

VCCI là thành viên tích cực của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Tổ chức Giới chủ quốc tế (IOE), Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Á – Thái Bình Dương (CACCI), Phòng Thương mại và Công nghiệp các nước ASEAN (ASEAN CCI) và các tổ chức khác của cộng đồng doanh nghiệp và giới chủ thế giới.

VCCI đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. VCCI được Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đánh giá là một trong những phòng thương mại và công nghiệp năng động nhất trong các nước đang phát triển.

Việc góp phần cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế sau đại dịch là một cuộc trường chinh. Với tư cách là tổ chức quốc gia, VCCI sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp trong cuộc trường chinh gian nan và quang vinh đó!

Trung tâm Văn hóa Doanh nhân – Kỳ Văn hóa Doanh nhân là địa chỉ tin cậy để tiếp nhận phản ánh và quảng bá một phần quan trọng những tấm gương sản xuất kinh doanh dịch vụ sôi động và văn hóa sâu sắc nhân văn của giới doanh nhân Việt Nam.

Mỗi năm đến Tháng Mười, giới doanh nhân trong cả nước lại thêm một lần tôn vinh truyền thống, phẩm giá, tài năng và tấm lòng vì dân vì nước, vì hình ảnh của một doanh nhân Việt Nam./.

                                            Trần Thị Hoài – Lê Ngọc Minh