Tin nổi bật

Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 – 20/11/2021: Tiến sĩ sinh học Trần Đoan Trang và ứng dụng nguyên tắc Pareto vào dạy môn sinh học

9:06 sáng | 16/11/2021

Nguyên tắc Pareto khá phong phú nhưng có thể lấy một số ví dụ nhỏ dưới đây để làm rõ tỷ lệ 20/80 hoặc ngược lại 80/20: 80% đất đai ở Ý là thuộc quyền sở hữu của 20% dân số nước này nhưng số dân 20% đó lại chiếm hữu đến 80 tổng GRDP của cả nước, hoặc, với bức họa Mona Lisa, họa sỹ lừng danh Leonardo de Vinci đã dùng 20% thời gian của mình để hoàn thiện 80% bức họa. Có thể Mona Lisa sẽ chẳng trở thành kiệt tác của nhân loại như hiện hữu nếu như vị họa sỹ thiên tài này không đầu tư gấp nhiều thời gian của mình để hoàn thiện những chi tiết nhỏ nhất trên bức họa…

Tiến sĩ sinh học Trần Đoan Trang (Ảnh Nguyễn Tân Tiến)

1. Trên con đường khai tâm để tiếp nhận học vấn từ đại học, cao học rồi nghiên cứu sinh để nhận bằng Tiến sĩ Sinh học, tôi luôn may mắn có được sự giúp đỡ, khuyến khích rất từ tâm, rất cơ duyên từ cha mẹ, từ những người thầy người bạn, thậm chí cả những người nông dân, ngư dân ở các vùng quê xa lắc, nơi tôi đến thực tập, kiến tập, điền dã. Rồi cũng là dịp rất may mắn, tôi đã gặp được cơ duyên hợp tác với tổ chức N21 (Network TwentyOne) của Mỹ để thực hành nghiệp vụ kinh doanh. Tại đây, tôi hằng tâm chí thú với học thuyết 80/20 của nhà kinh tế học xuất sắc người Ý, Wifretdio Pareto (1848-1923), một học thuyết hiện nay đang được xem là cách quản lý kinh tế và nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục, phát triển công nghệ… có hiệu quả mà người ta gọi là Nguyên tắc Pareto (Pareto Principle).

Nguyên tắc Pareto khá phong phú nhưng có thể lấy một số ví dụ nhỏ dưới đây để làm rõ tỷ lệ 80/20 hoặc ngược lại 20/80. Anh bạn nhà văn đồng niên khá khiêm tốn của tôi tự nhận mình nghèo dưới mức hàn sỹ nhưng rất yêu khám phá tự nhiên đã có lần ví von, người ta có thể có nhiều bộ quần áo nhưng chỉ có một số bộ là ưng ý, là tự tin khi mặc, còn tôi thì nói tỉ lệ đó là 20/80. Tôi đã dùng Nguyên tắc Pareto để chứng minh cho anh bạn rõ hơn, 80% đất đai ở Ý là thuộc quyền sở hữu của 20% dân số nước này hoặc, bức họa Mona Lisa của họa sỹ lừng danh Leonardo da Vinci đã dùng 20% thời gian của mình để hoàn thiện 80% bức họa. Có thể Mona Lisa sẽ chẳng trở thành kiệt tác của nhân loại như hiện hữu nếu như vị họa sỹ thiên tài này không đầu tư gấp nhiều thời gian của mình để hoàn thiện những chi tiết nhỏ nhất trên bức họa… Hay trong lĩnh vực kinh doanh cũng vậy 20% khách hàng lớn đóng góp vào 80% doanh thu của công ty, 20% nhân viên ưu tú đóng góp tới 80% vào kết quả doanh lợi của công ty đó…

Nghe thế, anh bạn nhà văn trẻ cười ngất nhưng sau đó một thời gian giật liền mấy giải văn chương và đến tặng tôi tập sách mới với lời tự thú, trước đây, anh ta giành ra 80% thời gian để viết và 20 % để đọc lại và sửa chữa, kết quả viết được nhiều trang dòng nhưng thứ phẩm là chủ yếu; từ khi làm ngược lại, viết quả nào đậu quả ấy, ít nhưng tinh, và… ngon lành.

2.Tuổi nữ sinh những năm học phổ thông của tôi thật nhiều mơ ước. Là con gái của một nhà giáo, nhà thơ lại được sinh ra ở một vùng biển có nhiều ngọn núi, dòng sông, đường quê đẹp như nét vẽ “thu thủy, xuân sơn”, nên có lúc tôi đã đắm đuối mơ mộng văn chương. Nhưng rồi tôi đã gặp được một người thầy dạy môn Sinh vật, thầy Nguyễn Hữu Thành, một nhà giáo có cách lý giải đến mê ly đời sống của nhiều loại sinh vật gần gũi với con người và con người cần phải luôn đối xử bằng nhân tâm với vạn vật. Sự hấp dẫn mang tính thần tượng đó khiến tôi chọn sinh học cho phần tiếp theo con đường học vấn sau phổ thông của mình.

3. Tôi bước vào cổng trường đại học trong lúc kinh tế gia đình và sức khỏe cha mẹ gặp vô vàn khó khăn; Một suất lương giáo viên cấp 1 của cha tôi nuôi ba con học Đại học. Lần hồi những tháng năm ấy, tôi và người anh trai thứ hai đã sống ở Hà Nội bằng thu nhập của nghề gia sư.

Nhờ sự trải nghiệm của việc dạy thêm, tôi được rèn luyện năng lực truyền đạt kiến thức, sự tự tin trong giao tiếp nên khi đi kiến tập và thực tập Sư phạm tôi không bị bỡ ngỡ như một số bạn cùng khóa. Ngày ra trường hồn nhiên nhận quyết định biên chế vào một trường cấp 3 tận cùng “biên giới” Thanh Nghệ tức là vùng Khe Nước lạnh giáp giới hai tỉnh.

Những năm đầu đời đi dạy xa nhà hơn trăm cây số với đồng lương ít ỏi nhưng tôi rất yêu nghề và luôn nghĩ đến cách thức khơi nguồn cảm hứng môn Sinh học mà thầy Nguyễn Hữu Thành đã dạy chúng tôi thời phổ thông trung học.

Nhân giống Mẫu Đơn đại đóa (Ảnh Nguyễn Tân Tiến)

Một cơ duyên mới, năm 2005, được chuyển công tác về ngôi trường đã từng học, tôi được gần gia đình, được ăn bát cơm từ mẹ nấu, được báo ơn thầy cô giáo cũ. Nhưng rồi thấy kiến thức sinh học của mình ngày càng trở nên phiến diện trước thời đại công nghệ phát triển đầy tốc lực, tôi đã quyết tâm học lên tiếp.

Khỏi nói về khó khăn của một phụ nữ quê nghèo, tỉnh xa, sức khỏe không tốt lắm, vừa nuôi con nhỏ vừa học tập nghiên cứu ở Hà Nội nhưng tôi luôn tâm niệm: “Không có việc gì là không khó chỉ cần phải tìm ra cách để vượt khó mà thôi”.

Có lần trong tay chỉ duy nhất có một số điện thoại của ông Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vân Đồn, Quảng Ninh do thầy hướng dẫn cung cấp, tôi đã lặn lội đi xe đò chạy đêm từ Thanh Hóa ra Vân Đồn để sáng hôm sau kịp chuyến tàu ra đảo Bản Sen, nơi tôi thu gom giống hải sản Tu hài về nghiên cứu. Tôi xem đây là những bài thi đầu tiên mà thầy hướng dẫn đặt ra để thử thách. Và cũng là bài luyện năng lực để tôi dạy học trò, con cái sau này. Với châm ngôn của người Nhật “dưới bóng mát của hoa anh đào không có ai là người xa lạ” tôi đã được những ngư dân hiền lành, tốt bụng vô tư giúp đỡ như người trong nhà.

4. Những ngày đầu trở về đi dạy sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, tôi rất lấy làm buồn là tại sao học trò hầu như không thích môn Sinh học, thậm chí còn ghét và sợ nữa, mặc dù bản chất cốt lõi của Sinh học là sự sống, là nhân học; là gốc rễ căn cốt liên quan đến từng giây cuộc sống của mỗi con người? Tôi đã trăn trở hàng đêm trước thực tại, điểm môn Sinh của các em thường đạt trên 70% khá giỏi mà hỏi gì cũng không biết làm? Tại sao học rất nhiều bài về dinh dưỡng khoáng chất mà tỉ lệ học sinh không ăn sáng đi học cao trên 60%? Mỗi lần đặt câu hỏi như thế, tôi lại nhớ đến một câu nói của một người nổi tiếng: “Thời gian đầu tư ở đâu thì thành tựu ở đó!”. Nếu đầu tư thời gian học lý thuyết thì bạn chắc chắn sẽ có bảng điểm cao hoặc nhiều bằng cấp nhưng trong thực tiễn khi ra đời thì bạn sẽ phải làm việc với con người, với những công việc cụ thể chứ không phải với con chữ hay con số.

Đưa Sầu Riêng về vùng đất cát (Ảnh Nguyễn Tân Tiến)

Tôi đã áp dụng những hiểu biết về não bộ của con người, về sự kết nối kỳ diệu của nó để giải thích lý do chán học và sợ học của học sinh. Não trái có khả năng làm việc với con số, con chữ; não phải thích hình ảnh, màu sắc và sáng tạo… Từ đó tôi đem nguyên tắc Pareto vào giảng dạy sinh học với tỷ lệ phân chia 20/80 cho học và hành, nghĩa là phần lý thuyết chiếm 20% thời gian học, phần thực hành chiếm 80%. Trước hết tôi biến mình thành sản phẩm của sản phẩm, bởi giáo viên là người làm gương, là dạy những gì mình làm chứ không phải dạy những gì mình được học.  Ngoài những buổi dạy chính, thời gian còn lại tôi dành trọn vẹn cho khu vườn của mình, nhân giống bằng những phương pháp khác nhau, vun vén, chăm sóc cho Hệ sinh thái V-A-C của gia đình và cũng là cái vườn sinh học giúp học trò thực nghiệm. Tôi dần thay thế những hình ảnh sưu tầm trong soạn giảng bằng những hình ảnh chân thật từ quá trình lao động của mình.

Cảm hứng học tập của học sinh bắt đầu thay đổi, các trò cùng bắt tay vào làm; dù trong phân phối chương trình không có nhiều bài thực thành nhưng các em tận dụng tối đa quỹ thời gian rảnh rỗi của mình ở nhà để làm; các em bắt đầu quen dần với câu nói của cô “kết quả là chân lý chuẩn mực” hay “sản phẩm thực tế là bảng điểm quan trọng nhất của cuộc đời các em”.

Thay kiểm tra bài cũ bằng những câu hỏi thì các em lần lượt nộp sản phẩm thực hành… Thay bằng đọc sách giáo khoa trả lời câu hỏi thì học sinh tự khai thác hình ảnh trong sách kết hợp với dữ liệu trên internet để hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy kèm theo sản phẩm minh họa. Sau đó, các em lần lượt gửi hình ảnh vào email và messenger cho tôi hàng ngày. Có những hôm 11 giờ đêm vẫn còn học trò nhắn tin, hỏi quy trình làm thực hành của mình đã chuẩn chưa. Những giờ học trở nên sôi nổi hơn, học sinh biết đợi chờ đến tiết học để báo cáo, để thuyết trình hoặc đặt ra những câu hỏi trao đổi khá thú vị và thiết thực.

Kết quả của ngày hôm nay là cảm hứng cho ngày mai! Được quan sát sự thay đổi năng lực hành động của học sinh hàng ngày, được chiêm ngưỡng những sản phẩm sáng tạo của các em là niềm hạnh phúc viên mãn của một người thầy. Tôi xem mình chỉ như một sứ giả mang cơ hội thay đổi đến với các em bởi “bản chất của người dạy không phải đem kiến thức của thầy chuyển vào đầu của trò mà là đem sự ảnh hưởng của mình truyền cho học sinh tình yêu lao động, cảm hứng sáng tạo và động lực của những ước mơ lớn. Tôi dần đan xen những phương trình, công thức thành công trong cuộc sống vào tiết dạy khích lệ các em hỏi nhiều hơn. Có những câu hỏi của trò giúp tôi tìm ra học sinh xuất sắc bởi tôi thường thực hành theo phương thức “Xét người qua câu hỏi chứ không xét người qua câu trả lời”.

Học và hành là đôi bạn thân! Các em không còn xem môn Sinh, môn Công nghệ, đặc biệt là môn Nghề phổ thông là môn phụ. Những chủ đề “đưa vườn học vào phòng thí nghiệm” hình thành trong các buổi học nghề. Các em háo hức đem các giống cây đến tập uốn thành thế cây cảnh hoặc giâm cành, chiết cành, ghép chồi mới và cũng là cách luyện kỹ năng thuyết trình những sản phẩm của mình trước tập thể. Với cách này học trò đã tự khẳng định mình bằng công thức: Tự tin = tự ti + n (n là số lần thực hành).

Cùng với đó, tôi mạnh dạn đưa ra những chủ đề “Đưa siêu thị vào lớp học” trong môn công nghệ 10 và định hướng học sinh tự xây dựng kế hoạch kinh doanh. Kết quả ngoài mong đợi… các em đã tạo ra được 15 loại Siro từ hoa quả và trưng bày như một tiểu siêu thị trong lớp học. Các trò rất tâm huyết với sản phẩm của mình và nỗ lực thuyết phục cô giáo trở thành “nhà đầu tư”. Hạnh phúc nhân đôi, tình cảm thầy trò ngày càng gắn chặt bằng những cái ôm gọi cô bằng mẹ, những tin nhắn tâm sự nhờ cô giúp hàng ngày…. Những chủ đề nhờ cô dạy như “Kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng kiểm soát thời gian, phương pháp đọc sách hiệu quả…” được đưa vào bài viết của các em.

Đồng thời các em đã neo được vào đầu cách học lý thuyết bằng hình ảnh, bằng sơ đồ tư duy, bằng thực hành nên không còn sợ bị kiểm tra nữa. Kết quả khảo sát về phương pháp 20/80 trên 255 học sinh khối 10 và khối 11 (gồm 6 lớp) của Trường THPT Chu Văn An, Thanh Hóa thì có đến 35 % học sinh rất thích, 64,85 % học sinh thích và 0,15% không thích; điểm số của những bài kiểm tra được thay đổi đáng kể (70% học sinh có điểm kiểm tra trên 8).

Niềm vui trái quả

5. Với những thu hoạch bước đầu còn rất khiêm tốn thôi nhưng với cá nhân tôi thì đây là cách học và hành mới có hiệu quả trong môn Sinh học nhằm tạo ra môi trường giảng dạy 20/80, hướng tới hiệu quả kinh tế khi làm khoa học kể cả khoa học giáo dục, cụ thể là: Biến vườn nhà thành vườn thực nghiệm, vườn sản xuất; biến sáng tạo của học trò biến thành hoa lợi và hơn thế là đánh giá được học sinh không riêng ở chỉ số điểm bài tập mà còn là chỉ số hạnh phúc (chỉ số cảm xúc- EQ và chỉ số đam mê -PQ).

Hy vọng tỷ lệ 20/80 của Nguyên tắc Pareto sẽ là chiếc chìa khoá mầu nhiệm để giúp thế hệ trẻ tương lai xây dựng chiến lược sở hữu kiến thức, kinh nghiệm và trí tuệ của nhân loại với tiêu chí kiến thức của thầy là hữu hạn, kiến thức của trò mới là vô hạn.

Khát khao cháy bỏng trong tôi là hướng tới một nền giáo dục khai phóng, thạo việc (thợ nhiều hơn thầy), giàu tình yêu thương, quý trọng thời gian và trọng nhân duyên, cơ duyên. Thầy trò môn Sinh học, học và hành theo tỷ lệ thời gian 20/80 ở Trường PTTH Chu Văn An, Thanh Hóa chúng tôi đang rất tự tin với những mục đích kỳ vọng đó./.

                                                                           Bút ký của TS. Trần Đoan Trang