VHDN Người phụ nữ mạnh mẽ này được gắn với những biệt danh như “Nữ hoàng cá tra”, “Bà trùm thủy sản” vì những thành tựu rất đáng tự hào trong kinh doanh xuất khấu thủy, hải sản. Bà từng được tạp chí danh tiếng Forbes ghi nhận là 1 trong 2 người Việt Nam lọt top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực châu Á năm 2020 (Asia’s Power Businesswoman). Trên thương trường bà vô cùng nhạy bén, quyết đoán, với tham vọng luôn giữ vị trí đứng đầu ngành kinh doanh thủy, hải sản nhưng trong đời thường bà lại là một người hết sức gần gũi, giản dị, giàu lòng trắc ẩn, luôn chia sẻ với cộng đồng. Bà là Trương Thị Lệ Khanh- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC).
PV: Thưa bà, ở thời điểm thành lập doanh nghiệp, điều gì thôi thúc bà quyết định dấn thân vào kinh doanh ngành hải sản?
Khi tôi bắt đầu khởi nghiệp năm 1996 cũng là giai đoạn Việt Nam bắt đầu mở cửa hội nhập với khu vực và thế giới. Với nền tảng có sẵn về ngành thủy sản, tôi cùng với một số anh chị em có kinh nghiệm về quản lý sản xuất, xuất khẩu, thu mua nguyên liệu… cùng với vài khách hàng quen biết tín nhiệm ủng hộ đã tổ chức sản xuất và xuất khẩu những lô thủy sản đầu tiên đi thị trường Nhật, Hồng Kông, Úc. Ngành chế biến xuất khẩu thủy sản là lựa chọn tốt cho quyết định khởi nghiệp của tôi với các yếu tố thuận lợi về con người, năng lực, vùng nguyên liệu và thị trường thời điểm bấy giờ. Tôi nhìn thấy được cơ hội cho việc lập nghiệp với các yếu tố cốt lõi giúp cho sự thành công. Tuy bước đầu vất vả và gian nan, nhưng việc tổ chức sản xuất và bán hàng rất thuận lợi và nhanh chóng ổn định, tăng trưởng. Tôi nghĩ yếu tố hoàn cảnh đã chọn ngành này cho sự nghiệp của tôi và tôi vô cùng biết ơn số phận về cơ duyên này.
Bà Trương Lệ Khanh tặng máy tính bảng trong chương trình máy tính cho em
PV: Những năm qua, dưới sự dẫn dắt của bà, Tập đoàn Vĩnh Hoàn đã vươn lên trở thành doanh nghiệp dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cá tra. Kinh nghiệm lớn nhất của bà khi hợp tác làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài trong thời kỳ hội nhập là gì?
Tôi nghĩ rằng trong làm ăn với các đối tác không kể trong hay ngoài nước thì chữ tín là yếu tố quan trọng hàng đầu. Từ quản lý chất lượng, tuân thủ hợp đồng, giữ cam kết và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của doanh nghiệp sẽ tạo được niềm tin với khách hàng, từ đó sẽ mở rộng cánh cửa cho quan hệ hợp tác làm ăn phát triển. Chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng thay đổi và phát triển, vì vậy doanh nghiệp cũng phải không ngừng cải tiến theo kịp và định hướng được chiến lược phát triển của mình để nắm bắt cơ hội.
PV: Nhìn một cách tổng quát, xin bà cho biết những thành tựu cơ bản nào của ngành xuất khẩu thủy hải sản của nước ta có được trong hành trình vươn khơi trong những năm hội nhập, đổi mới vừa qua?
Tôi cho rằng, thành tựu lớn nhất là chúng ta đã thay đổi tư duy của những người làm trong ngành thủy sản về nhận thức yêu cầu an toàn thực phẩm. Ngành thủy sản là một trong những ngành hội nhập sớm nhất của Việt Nam, các doanh nghiệp được đào tạo và cải tiến liên tục, đã xây dựng điều kiện sản xuất và nuôi thủy hải sản đạt được các chứng nhận về sản xuất và an toàn thực phẩm đạt điều kiện tương đương với các nước Âu Mỹ. Trình độ của đội ngũ lãnh đạo và quản lý được đào tạo và nâng cao theo kịp xu thế của thị trường.
Bà Trương Lệ Khanh nhận giải thưởng Woolworths
PV: Theo bà, tiềm năng kinh doanh xuất khẩu thủy hải sản ở nước ta hiện nay được đánh giá như thế nào?
Cho đến nay, thủy hải sản đã là ngành đóng góp quan trọng vào GDP của Việt Nam, đã tạo được công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động và là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Thủy, hải sản của Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai. Theo tôi, các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng đang là một không gian lớn đầy tiềm năng để các doanh nghiệp khai thác gia tăng thị phần xuất khẩu.
PV: Và đâu là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp Việt khi làm ăn với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực hải sản, thưa bà?
Tôi nghĩ các hàng rào phi thuế quan để bảo hộ của các nước là rào cản mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam luôn phải đối mặt và hiện vẫn còn đang khá bị động. Ngoài ra, chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu đủ mạnh để có được giá trị tối đa, cũng như chưa thực sự khác biệt để có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối trên thị trường nước ngoài. Hai điểm này, nếu chúng ta có thể làm tốt hơn chắc chắn sẽ tạo lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp Việt.
PV: Năm 2020 bà được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020 (Asia’s Power Businesswomen). Đây là một niềm tự hào không chỉ của riêng cá nhân bà, mà là của cả giới doanh nhân Việt, đặc biệt là các doanh nhân nữ. Nhân ngày 8/3 bà có thể chia sẻ những kinh nghiệm của bà vừa giỏi kinh doanh vừa giữ lửa ấm cho gia đình với các nữ doanh nhân, đặc biệt là những người đang khởi nghiệp?
Điểm cân bằng giữa gia đình và sự nghiệp là bài toán khó với người khởi nghiệp – giai đoạn mà doanh nhân thực sự phải dồn rất nhiều tâm trí và thời gian cho đứa con tinh thần của mình. Tôi nghĩ sự thấu hiểu và đồng hành của gia đình là niềm động viên rất lớn cho các nữ doanh nhân. Nếu có thể, chúng ta cố gắng chia sẻ thật nhiều để gia đình thấu hiểu và nhân ngày 8/3 tôi cũng gửi lời tri ân đến vai trò then chốt của cánh mày râu đã giúp các bông hồng có thể an tâm thăng hoa và gặt được những thành tựu ở thương trường.
Bà Trương Lệ Khanh nhận Top 50 Forbes
PV: Một sự nghiệp dù thuận lợi đến đâu cũng không thể tránh khỏi những giai đoạn khó khăn, và đôi lần thất bại. Với riêng bà, thời điểm khó khăn nhất trong vai trò thủ lĩnh của Vĩnh Hoàn là thời điểm nào?
Thị trường của Vĩnh Hoàn là thị trường ở nước ngoài nên việc các nước nhập khẩu đột ngột ra các chính sách, thuế quan mới hay hàng rào kỹ thuật để bảo hộ thị trường là các khó khăn mà doanh nghiệp khó có thể biết trước. Do vậy, để hạn chế được những rủi ro, Tập đoàn Vĩnh Hoàn luôn chủ trương đa dạng hóa thị trường để tránh bị động và phụ thuộc vào một thị trường.
PV: Cụ thể trong thời gian dịch bệnh hoành hành vừa qua, doanh nghiệp của bà đã trải qua những biến động như thế nào? Bà đã chuẩn bị những gì để Vĩnh Hoàn sẵn sàng trở lại cuộc đua trên thương trường, giữ vị trí hàng đầu như đã có?
Trước tiên tôi xin tri ân đến toàn bộ cán bộ công nhân viên đã cùng tôi đồng hành trong giai đoạn vô cùng khó khăn vì dịch bệnh để duy trì sản xuất kinh doanh. Ngay trung tuần tháng 7, khi đi vào hoạt động ba tại chỗ, các anh chị em cán bộ công nhân viên của Vĩnh Hoàn đã phải chấp nhận xa gia đình để duy trì sản xuất. Nhờ sự đồng lòng của các anh chị em, Vĩnh Hoàn mới có thể duy trì giao hàng cho khách hàng, giữ lời cam kết với khách hàng theo hợp đồng. Không ai khác, chính người lao động của Vĩnh Hoàn đã giúp chúng tôi khép lại năm 2021 nhiều khó khăn nhưng thành tựu cũng rất đáng tự hào. Tôi cảm thấy rất tự hào về họ, và cảm kích rằng trong suốt thời gian dịch bệnh, nhà máy vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đầu năm mới 2022, chúng tôi đã động thổ nhà máy chế biến rau củ quả Thành Ngọc. Hy vọng rằng trong thời gian tới, Vĩnh Hoàn sẽ mở rộng ngành hàng thực phẩm, không chỉ cung cấp thủy sản mà còn thực phẩm nói chung cho thị trường.
Bà Trương Lệ Khanh tham dự Khóa Đào tạo Dale Carnegie
PV: Một hướng đi mới của Vĩnh Hoàn là thực hiện chiến lược đầu tư cho cơ hội gia tăng lợi nhuận thông qua chuỗi giá trị, sản xuất những sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao giàu collagen và gelatin chế biến từ da cá, phục vụ cho ngành dược phẩm, mỹ phẩm. Bà kỳ vọng như thế nào vào hướng đi mới này?
Khai thác tối đa chiều sâu từ chuỗi giá trị và phát triển kinh tế tuần hoàn luôn luôn là hướng đi để Vĩnh Hoàn ngày càng tăng trưởng và là xu thế tất yếu của doanh nghiệp có quy mô lớn. Đây cũng là mô hình phát triển của Vĩnh Hoàn trong chiến lược phát triển đến năm 2025.
PV: “Mục tiêu trở thành một công ty đa quốc gia không chỉ mở rộng vùng nuôi và tăng cường chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm mà còn trực tiếp bán cho siêu thị với thương hiệu của mình tại nhiều quốc gia” là tham vọng của bà với tư cách thuyền trưởng của doanh nghiệp Vĩnh Hoàn. Con đường biến mục tiêu đó trở thành hiện thực sẽ có một lộ trình như thế nào, thưa bà?
Hiện tại chúng tôi đã cung cấp trực tiếp nguồn hàng cho nhiều chuỗi siêu thị. Chúng tôi đã bắt đầu xây dựng thương hiệu BasaMaster cho thị trường trong nước. Việc mở rộng thương hiệu ra nước ngoài là bước tiếp theo của Vĩnh Hoàn.
Bà Trương Lệ Khanh tại Hội thi ẩm thực cá tra
PV: Ngoài công việc kinh doanh, được biết bà còn thường xuyên tham gia vào các hoạt động thiện nguyện. Nhưng bà ít khi nói về công việc này? Bà quan niệm thế nào về trách nhiệm của một doanh nhân với cộng đồng và việc chia sẻ với những mảnh đời khó khăn không may mắn có ý nghĩa như thế nào với bà?
Trách nhiệm với cộng đồng và các hoạt động thiện nguyện là một trong những giá trị cốt lõi của Vĩnh Hoàn thể hiện qua hai chữ “Chia sẻ”. Tôi tự thấy rằng công tác thiện nguyện là một việc làm tự tâm và tự nguyện, tôi đã truyền tải tinh thần này đến cán bộ nhân viên công ty để mọi người thấy được ý nghĩa, giá trị và cùng thực hiện với nhiều phương cách khác nhau theo khả năng của mỗi cá nhân mà không cần phải hình thức.
PV: Công việc của một doanh nhân điều hành một doanh nghiệp lớn gồm 6 nhà máy và hàng ngàn nhân viên chắc chắn là vô cùng bận rộn. Một ngày của nữ tướng Trương Thị Lệ Khanh được hình dung như thế nào?
Cuộc sống của tôi chắc cũng không khác với các phụ nữ khác xoay quanh công việc và gia đình. Có khác hơn chắc là ở đặc điểm, tôi di chuyển nhiều hơn do các mảng kinh doanh của Vĩnh Hoàn nằm ở nhiều vị trí địa lý khác nhau.
PV: Vào những thời gian được nghỉ ngơi, rảnh rỗi bà thường làm gì?
Tôi có đam mê với thực phẩm nên nếu có thời gian rảnh, tôi thích đọc các sách về ẩm thực và nấu nướng. Ngoài ra tôi cũng dành thời gian để tịnh tâm thư giãn.
PV: Một số liệu thống kê cho thấy: “Lực lượng nữ doanh nhân của Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, chiếm hơn 30% trong tổng số doanh nhân của cả nước, là tỷ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đứng thứ 6/54 quốc gia có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ. Đặc biệt, số doanh nhân nữ thành công, ít bị phá sản, đình trệ hơn nam giới”. Bà nhận xét gì về các nữ doanh nhân Việt trong hiện nay?
Theo tôi, thì người phụ nữ Việt Nam là những người có đức tính hy sinh, chịu thương, chịu khó, chu đáo. Những đức tính này đã giúp các nữ doanh nhân quản trị doanh nghiệp ít rủi ro hơn. Các nữ doanh nhân trẻ hiện nay cũng rất năng động không thua kém nam giới và nhạy bén trong công việc. Nhân ngày 8/3, tôi chúc các doanh nhân nữ có một ngày Quốc Tế Phụ Nữ hạnh phúc và luôn luôn tươi trẻ.
PV: Ngày hôm nay, chúng ta nói nhiều về yếu tố “Văn hóa doanh nghiệp”. Mỗi người đứng đầu sẽ có một triết lý riêng trong kinh doanh cũng như điều hành doanh nghiệp của mình. Khi nói đến văn hóa doanh nghiệp thì Vĩnh Hoàn hướng tới những giá trị gì, thưa bà?
Lòng biết ơn là giá trị cốt lõi của văn hóa Vĩnh Hoàn. Chúng tôi tâm niệm ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây nên chúng tôi luôn đặt sự tri ân trong mỗi thành công của mình đến đội ngũ lao động đã đóng góp, tri ân đến sự âm thầm hy sinh của gia đình các bạn để các bạn an tâm làm việc và tạo ra giá trị cho xã hội, cũng như tri ân đến các cơ quan ban ngành, các tổ chức trong và ngoài nước, các khách hàng đối tác, nhà cung cấp, các nhà đầu tư…
Xin cảm ơn doanh nhân Trương Thị Lệ Khanh đã trả lời phỏng vấn của Tạp chí DĐDN – Kỳ Văn hóa Doanh nhân chúng tôi!
Thực hiện: Vũ Quỳnh Trang – Thu Hạnh