Khu kinh tế (KKT) Vân Phong những ngày này như một đại công trường khi nhiều dự án đang rầm rộ triển khai tại đây. Đặc biệt mới đây, sự kiện khu vực Bắc Vân Phong được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương quy hoạch thành đặc khu kinh tế kỳ vọng sẽ tạo bệ phóng đưa KKT Vân Phong trở thành “đầu tàu” thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói riêng, Vùng kinh tế động lực miền Trung nói chung.
Trưởng Ban quản lý KKT Vân Phong – ông Hoàng Đình Phi
Phát huy vai trò động lực
Với lợi thế về vị trí địa lý, những ưu đãi đầu tư đặt biệt của Chính phủ cùng cơ chế hỗ trợ đặc biệt của tỉnh Khánh Hòa, sau hơn 10 năm thành lập, thu hút đầu tư vào KKT Vân Phong đã có nhiều khởi sắc. Hiện KKT đã trở thành “bến đỗ” của 154 dự án đầu tư (129 dự án trong nước, 25 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 1,48 tỷ USD, vốn thực hiện 637 triệu USD (đạt 43 % vốn đăng ký); trong đó có 83 dự án đã đi vào hoạt động và 71 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài ra Ban quản lý KKT đã thỏa thuận chủ trương đầu tư cho 2 dự án FDI quan trọng tại khu vực Nam Vân Phong gồm: Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 và Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong) với tổng vốn đầu tư 6,8 tỷ USD.
Về thu ngân sách trên địa bàn KKT Vân Phong giai đoạn 2011-2015 đạt khoảng 15.579 tỷ đồng (trong đó, từ hoạt động trung chuyển xăng dầu 14.841 tỷ đồng); bình quân mỗi năm KKT đóng góp cho ngân sách tỉnh Khánh Hòa khoảng 3.900 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 34% ngân sách của toàn tỉnh. Nhìn chung, tỷ lệ đóng góp cho ngân sách đạt mục tiêu đề ra (từ 30 – 40%). Doanh thu các doanh nghiệp trên địa bàn đạt 34.417 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 6.000 lao động. Qua những con số ấn tượng trên, có thể khẳng định KKT Vân Phong đã có những đóng góp đáng kể cho công cuộc phát triển KT – XH của tỉnh Khánh Hòa, nhất là lĩnh vực phát triển công nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động.
Để đưa KKT Vân Phong tiếp tục phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển KT – XH của tỉnh Khánh Hòa gắn với công tác đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Nam Trung bộ, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 11/7/2016 về phát triển KKT Vân Phong giai đoạn 2016 – 2020. Nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng khu vực Bắc Vân Phong trở thành Đặc KKT Bắc Vân Phong – Trung tâm dịch vụ du lịch, giải trí, thương mại, tài chính hiện đại của khu vực cũng như quốc tế; thu hút các dự án đầu tư cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và các ngành khoa học kỹ thuật công nghệ cao với các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội, tạo động lực phát triển cho địa phương, vùng và cả nước. Phát triển khu vực Nam Vân Phong trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển; là khu vực tập trung thu hút các dự án công nghiệp trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực như: lọc hóa dầu, công nghiệp điện, đóng tàu, cảng biển, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ…; cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch làm động lực phát triển cho KKT Vân Phong và cả tỉnh.
Nghị quyết cũng đề ra chỉ tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư mới vào KKT Vân Phong giai đoạn 2016 -2020 tối thiểu đạt 50.000 tỷ đồng, vốn giải ngân tối thiểu đạt 40.000 tỷ đồng. Đóng góp thu ngân sách trên địa bàn KKT chiếm khoảng từ 30 – 40%; giá trị công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 40% của tỉnh; giải quyết việc làm ổn định cho khoảng từ 10.000 – 12.000 người.
Điểm nhấn Đặc khu hành chính – kinh tế Bắc Vân Phong
Theo Trưởng Ban quản lý KKT Vân Phong – ông Hoàng Đình Phi, khu vực Bắc Vân Phong được lựa chọn xây dựng thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt nhờ những lợi thế so sánh về hạ tầng kết nối với cả nước và quốc tế. Bắc Vân Phong có vị trí thuộc trung tâm khu vực châu Á – Thái Bình Dương; gần các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng của thế giới; nằm ở vị trí cực Đông trên đất liền của quốc gia và cả bán đảo Đông Dương. Từ đây có thể kết nối giao thương hàng hoá thuận lợi với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước qua hệ thống giao thông trục chính sẵn có như: đường giao thông QL 1A, đường bộ cao tốc Bắc-Nam; QL 26 kết nối vùng Tây Nguyên. Khu vực Bắc Vân Phong cũng có nhiều thuận lợi trong giao thông khi gần tuyến đường sắt Bắc – Nam và Cảng hàng không Tuy Hòa (Phú Yên) kết nối với Khánh Hòa; đặc biệt là dễ dàng kết nối với các quốc gia trên bán đảo Đông Dương qua đường bộ, kết nối các quốc gia khác trong khu vực qua đường biển.
Ngoài ra Bắc Vân Phong có lợi thế so sánh về điều kiện phát triển cảng biển quốc tế. Là vịnh kín gió với quy mô diện tích lớn, Bắc Vân Phong ít chịu ảnh hưởng của bão, có độ sâu trung bình lý tưởng (20 – 27m) và không bị bồi lắng; gần các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng trong khu vực nên có điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải biển quốc tế.
Về điều kiện tự nhiên, khu vực Bắc Vân Phong có nhiệt độ trung bình tương đối ổn định (26-280C); mùa mưa ngắn kéo dài chỉ 2 tháng cuối năm, ít gió bão, do vậy thuận lợi cho việc khai thác các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp gần như suốt năm mà không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều kiện thời tiết. Đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi về môi trường để thu hút dân cư, chuyên gia, nhà khoa học của nhiều quốc gia đến sinh sống, học tập và làm việc.
Ông Phi cho biết những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện khí hậu của Bắc Vân Phong đã được khẳng định. Khu vực này đã được các nhà đầu tư, tư vấn quốc tế từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Mỹ, Ireland, Anh, UAE, Cayman… tổ chức khảo sát thực địa, đánh giá cao về tiềm năng vị trí địa lý và điều kiện khí hậu lý tưởng để xây dựng và phát triển mô hình Đặc khu hành chính-kinh tế tại đây. Với tiềm năng và lợi thế so sánh đặc thù, Bắc Vân Phong được định hướng trở thành khu vực đầu mối phát triển về cảng biển, dịch vụ Logistics và tài chính quốc tế; là trung tâm dịch vụ – du lịch vui chơi giải trí cao cấp, hiện đại có casino mang tầm khu vực và quốc tế. Mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Khánh Hòa tổ chức triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển KT – XH và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu vực Bắc Vân Phong theo định hướng phát triển thành đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. Theo Quy hoạch, Bắc Vân Phong cùng với Vân Đồn và Phú Quốc sẽ trở thành 3 đặc KKT của cả nước. “Với tiềm năng lợi thế dồi dào, Bắc Vân Phong vẫn còn dư địa lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, có sự đầu tư bài bản để giúp khu vực này có thể vươn lên phát triển vượt trội trong tương lai” – ông Phi khẳng định.
Công Luận