VHDN – Công nghiệp 4.0 là chủ đề mà các quốc gia đang tập trung để định hình tiến trình sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam và Ấn Độ cũng khẳng định mục tiêu công nghiệp 4.0 để nắm bắt cơ hội chuyển dịch sản xuất.
Bình Dương hướng đến công nghiệp 4.0
Tại các phiên thảo luận ở Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis năm 2022, công nghiệp 4.0 là chủ đề được nhiều diễn giả đề cập, là một giải pháp giúp Việt Nam và Ấn Độ thu hút làn sóng dịch chuyển đầu tư.
Theo TS. Phạm Tuấn Anh – Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương, việc thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp đã góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Bình Dương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bình Dương là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp trên cả nước. Trong ảnh: Khu công nghiệp VSIP 1 ở TP. Thuận An
Tuy nhiên, đằng sau những thành quả phát triển kinh tế nhanh chóng, Bình Dương cũng đối mặt với những thách thức không hề nhỏ, từ bẫy thu nhập trung bình; khoảng cách lớn giữa công nghiệp và thương mại dịch vụ; và hạ tầng giao thông quá tải.
Theo TS. Tuấn Anh, Bình Dương đang chịu nhiều sức ép trong việc tìm kiếm động lực phát triển mới cho nền kinh tế, thay thế động lực dựa trên nhân công giá rẻ.
Hơn ai hết, Bình Dương cảm nhận rõ hơi thở của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó là vai trò của đổi mới sáng tạo trong việc giải quyết bài toán năng suất lao động và chống lại sự tụt hậu.
Để thực hiện ý chí đó, Bình Dương đã hiện thực hóa bằng những hành động, dự án cụ thể trong đề án Thành phố thông minh Bình Dương.
Đề án nhằm hướng đến mục tiêu phát triển Bình Dương thành khu vực sản xuất công nghệ cao, có khả năng cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư.
Động lực phát triển mới của Bình Dương sẽ lấy con người mới, với kỹ năng mới, hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
“Qua đó, Bình Dương tạo giá trị gia tăng mới; chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ thâm dụng lao động, đất đai sang thâm dụng công nghệ, thâm dụng lao động có kỹ năng cao”, TS.Tuấn Anh chia sẻ.
Phiên thảo luận Cơ hội đầu tư tại Bình Dương ở Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis năm 2022, Bình Dương
Vai trò của Chính phủ giúp công nghiệp 4.0 giúp Việt Nam và Ấn Độ thu hút đầu tư
Tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis năm 2022, các diễn giả đánh giá, Ấn Độ có một lịch sử lâu dài với tư cách là một trục xoay của châu Á. Ấn Độ là một điểm cho các ý tưởng và thương mại của châu Á xoay quanh và phát triển.
Vị thế mạnh của Việt Nam là tương đối mới. Và vị thế này được xác định bởi các sáng kiến rõ ràng của Chính phủ.
Cả Việt Nam và Ấn Độ đều nổi bật sau Covid-19, có tinh thần kinh doanh và đổi mới mạnh mẽ.
Công nghiệp 4.0 là chủ đề mà các quốc gia trên thế giới đang tập trung để định hình lại toàn bộ tiến trình sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện trạng và tương lai nền sản xuất của Việt Nam và Ấn Độ có những điểm tương đồng khi đều khẳng định mục tiêu hướng đến công nghiệp 4.0 để đón đầu, nắm bắt cơ hội chuyển dịch sản xuất.
Và, cả 2 quốc gia có đều có thế mạnh về lao động, nhất là nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn kỹ thuật, nắm bắt công nghệ.
Giáo sư Pieter Perrett, trường Đại học Khoa học Ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ, (Thụy Sĩ) cho biết, châu Á đang hướng tới tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Và sau đó ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine.
Sự phục hồi sau dịch Covid-19 vẫn chưa rõ ràng. Và tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu. Công nghiệp 4.0 là sẽ là lĩnh vực giúp thu hút đầu tư và đổi mới nhiều hơn ở Việt Nam và Ấn Độ.
Tuy nhiên, Giáo sư Pieter Perrett cũng lưu ý, một trong những điều kiện để Việt Nam và Ấn Độ trở thành tâm điểm thu hút các nhà đầu tư là sự hỗ trợ, hậu thuẫn từ cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0.
Ông B Thiagarajan – Giám đốc điều hành Blue Star Limited (Ấn Độ) cũng cho biết, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, một bộ phận doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng, thua lỗ.
Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis năm 2022, Bình Dương
Chính điều này đã tạo ra áp lực, yêu cầu rất lớn buộc các doanh nghiệp phải nhận diện lại chính sách, chiến lược sản xuất kinh doanh, phương thức hoạt động của mình để có khả năng thích ứng.
Việc triển khai công nghiệp 4.0 vẫn trên nguyên tắc lấy doanh nghiệp là trung tâm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến nền sản xuất toàn cầu.
Song, để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông B Thiagarajan cũng cho rằng, các doanh nghiệp rất cần sự hậu thuẫn từ Chính phủ.
Đức Quân