Năm 2018, mặc dù gặp vô vàn thách thức và bất lợi từ thị trường, giá dầu thế giới; xu thế hội nhập thế giới; Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị hàng đầu của ngành Dầu khí Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh vào 17h30 ngày 23/11/2018 – “về đích sớm” 38 ngày so với KH năm 2018.
Tăng trưởng trên nền tảng KHCN
Theo kết quả sản xuất kinh doanh 11 tháng, BSR sản xuất 6,4 triệu tấn sản phẩm; đạt doanh thu hơn 103 nghìn tỉ đồng (vượt 32,9% so kế hoạch cả năm 2018); Sau 8 năm vận hành Nhà máy, Công ty BSR đã đóng góp cho NSNN khoảng 7 tỉ USD, gấp 3 lần tổng mức đầu tư ban đầu. Giá trị nộp ngân sách của BSR đã đóng góp tới 80% giá trị nộp ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi và theo đánh giá của Tổ chức Vietnam Report thì: BSR đứng thứ 7 trong danh sách bảng xếp hạng đánh giá các Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017 (VNR500) sau các tập đoàn kinh tế; BSR đứng thứ 14/500 trong danh sách bảng xếp hạng đánh giá các Doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018 (PROFIT500).
Đóng góp vào những kết quả trên đầu tiên phải kể đến giải pháp “Tăng sản xuất hơi HP tại phân xưởng RFCC nhằm giảm lượng hơi HHP, góp phần giảm tiêu thụ nhiên liệu tại các lò hơi của khu vực phụ trợ, giảm chỉ số EII của NMLD Dung Quất”. Sáng kiến này giúp tiết kiệm được khoảng 290.163 USD/năm cho Nhà máy. Một giải pháp nữa đã đưa vào áp dụng và tiết kiệm cho công ty khoảng 413.910 USD/năm (tương đương khoảng 10 tỷ đồng/năm), đó là giải pháp giảm lưu lượng hơi nước sử dụng tại tháp T-1901 và tăng nồng độ H2S trong Lean amine. Giải pháp thứ ba góp phần làm lợi cho Công ty là giải pháp: “Thử nghiệm tối ưu áp suất vận hành mạng hơi thấp áp Nhà máy (LPS) phù hợp với áp suất hơi cho phép của phân xưởng PP”.
Trong công tác tối ưu hóa công nghệ, Công ty BSR tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác tối ưu hóa vận hành, tối đa hóa sản xuất xăng RON 95 nhằm tối đa hóa lợi nhuận và đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng trong giai đoạn chuyển đổi sử dụng xăng RON 92 sang xăng sinh học E5 RON 92, đa dạng hóa chủng loại dầu thô chế biến.
Cơ hội rộng mở sau IPO
BSR là đơn vị khai mạc cho phiên IPO thành công đầu tiên của năm 2018 vào ngày 17/1/2018 tại Sàn giao dịch Chứng khoán TP HCM. Có hơn 242 triệu cổ phiếu đã được bán cho các nhà đầu tư, tương đương gần 8% cổ phần BSR, thu về cho Nhà nước hơn 5.414 tỷ đồng. Ngày 21/6/2018, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu tiên và Công ty chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần vào ngày 1/7/2018. Theo đánh giá của đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: “Thành công lớn nhất của BSR là chuyển đổi sang công ty cổ phần – giúp Công ty có thêm động lực mới, nguồn lực mới cho sự phát triển trong thời gian tới. Đây là cơ hội để BSR tái cơ cấu, siết lại tổ chức, để PVN mạnh mẽ hơn, chuyên nghiệp hơn”.
Nhà đầu tư không chỉ “mua” giá trị hiện tại của BSR mà còn kỳ vọng vào tương lai như Dự án Nâng cấp, mở rộng (NCMR) NMLD Dung Quất; cơ hội mở rộng hóa dầu.
NCMR NMLD Dung Quất sẽ giúp nhà máy lựa chọn được nguyên liệu đầu vào rẻ hơn, chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm rẻ hơn, trong khi giá thành vẫn tính theo giá thị trường, giúp BSR dự báo sẽ có lợi nhuận rất cao. Nguyên liệu càng rẻ, lợi nhuận mang về cho công ty càng cao. Sau nhiều năm nghiên cứu, BSR đã đánh giá và lựa chọn danh sách 67 loại dầu thô đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật để chế biến tại NMLD Dung Quất, có nhiều loại dầu thô có thể đạt tỷ lệ phối trộn trên 50% như Azeri (Azerbaijan); Qua Iboe, Escravos, Bonny Light (Nigeria); Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Chim Sáo (Việt Nam),… Điều này sẽ mở ra cơ hội to lớn cho nhà máy trong việc lựa chọn nguồn cung cũng như khả năng thay thế phần lớn dầu thô Bạch Hổ. Như vậy, nguồn cung dầu thô của NMLD Dung Quất sau NCMR sẽ được mở rộng đáng kể so với hiện tại. Khi việc NCMR dự kiến hoàn thành năm 2021, công suất chế biến NMLD Dung Quất sẽ tăng lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm.
Đức Chính