Cửa hàng Thêu Việt (64 A Tôn Đức Thắng, Hà Nội) lung linh sắc màu về đêm
Nghề thêu – một nghề truyền thống có từ lâu đời, ẩn chứa trong mỗi bức tranh thêu là tinh hoa văn hóa, là hồn người Việt. Với mong muốn lưu giữ và bảo tồn giá trị dân tộc, Công ty CP Tinh Hoa Thêu Việt đã ra đời và mang trong mình khát vọng vươn ra thị trường thế giới thể hiện qua những tác phẩm tranh thêu tinh tế và đầy trí tuệ. Dẫn đầu con thuyền ấy chính là vị thuyền trưởng Nguyễn Văn Công – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty. Lòng say mê, bền bỉ và khéo léo đã nuôi dưỡng tâm hồn anh, giúp anh gắn bó với nghề thêu tranh, nung nấu ấp ủ đưa văn hóa Việt đến gần hơn với quốc tế.
Chọn đường đi của riêng mình
Con đường kinh doanh gắn với việc bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa đối với nghề thêu chưa bao giờ dễ dàng, ngược lại, nó đầy gai góc. Nhất là trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày nay, con người bị cuốn theo khoa học – công nghệ và đang dần lãng quên những điều thuộc về làng nghề truyền thống. Vậy mà anh Nguyễn Văn Công – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Tinh hoa Nghệ thuật Thêu Việt lại chọn đi con đường ấy.
Sinh ra và lớn lên không phải ở làng nghề truyền thống thêu, gia đình cũng không ai theo nghề, nhưng ngay từ bé anh Công đã có những tình cảm và niềm đam mê với những tác phẩm tranh thêu. Những năm tháng học đại học Bách khoa Hà Nội, anh lại có cơ hội ở cùng khu ký túc với những sinh viên Đại học Mỹ thuật, được tiếp xúc với hội họa, điêu khắc và nhiều bộ môn nghệ thuật khác. Anh luôn nung nấu trong mình ước mơ được làm một việc gì đó liên quan đến nghệ thuật hội họa.
Doanh nhân Nguyễn Văn Công mang khát khao đưa tranh thêu Việt Nam
vươn tầm Thế giới
Sau khi ra trường anh Công đã kinh qua nhiều công việc, song niềm đam mê với tranh thêu vẫn cháy bỏng trong anh. Cho đến một lần, anh tìm đến làng nghề thêu, anh giật mình bởi số lượng người theo nghề ngày càng mai một, họ phải tìm các nghề khác để bươn chải, mưu sinh. “Làm sao để lưu giữ được sự tinh hoa, những nét đẹp truyền thống đã đi vào những vần thơ, câu văn mà anh đã được dạy tử thuở cắp sách đến trường?” là câu hỏi và niềm trăn trở của anh. Và đó cũng là lý do để ra đời Công ty Cổ phần Tinh hoa Nghệ thuật Thêu Việt. Những ngày đầu thành lập, khó khăn chồng chất, nhưng anh luôn được gia đình và bạn bè ủng hộ. Khó khăn nhất trong thời gian này phải kể đến là vốn đầu tư. Đầu tư cho tranh thêu đòi hỏi khá cao nhưng thu hồi vốn lại khá lâu. Mặt khác, trong giai đoạn nghề thêu đang bị mai một thì việc tìm và chiêu dụng được nghệ nhân có tay nghề cao thật không hề dễ dàng. Khó khăn không làm anh nản chí, ở đâu có làng nghề, ở đâu có nghệ nhân giỏi đều có dấu chân của anh ở đó. Đến đây, anh được nghe, được truyền thêm lửa đam mê, được hiểu cặn kẽ hơn về nghề thêu giúp anh định hướng đúng lối đi cho công ty mình.
Thiếu nữ thêu tranh
Đến thăm xưởng thêu của Công ty Cổ phần Tinh hoa Nghệ thuật Thêu Việt vào một ngày hè oi ả, con đường dẫn vào xưởng cũng là ngôi nhà riêng xinh xắn của gia chủ công ty nằm yên bình trong góc nhỏ làng Lụa Vạn Phúc làm tôi quên đi cái nắng bỏng rát và những ồn ào phố xá. Nơi đây tôi bắt gặp biết bao đôi tay kỳ diệu của từng nghệ nhân tạo nên những tuyệt tác của tranh thêu tay thủ công Việt Nam. Để có một tác phẩm tranh thêu tay hoàn hảo cả về nội dung và hình thức, đòi hỏi người nghệ nhân phải có tay nghề cao, đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ, tâm hồn vào bức tranh thêu. Tranh thêu truyền thống không phải là loại hình nghệ thuật đơn giản như các loại tranh bột màu, tranh đính đá, tranh thêu chữ thập… mà đây là dòng tranh thấm đẫm tinh hoa văn hóa dân tộc, kén chọn người thưởng thức. Chị Nguyễn Thị Thanh, nhân viên thêu tranh cho biết, mỗi bức tranh có thể mất vài tuần, vài tháng, hoặc vài năm để thực hiện, quá trình thêu đòi hỏi người thợ tập trung, đều tay không để xảy ra lỗi dù là nhỏ nhất vì có thể dẫn đến việc hỏng cả bức tranh. Giá thành của mỗi bức tranh cũng khác nhau so với hình thức, to nhỏ và yêu cầu độ tinh xảo. Có bức có giá vài triệu, có bức vài chục triệu hoặc có bức lên tới vài trăm triệu. Điển hình như bức Khát vọng ngàn năm với một nghệ nhân có tay nghề cao và làm việc liên tục thì thời gian hoàn thành sẽ là bốn hoặc năm năm. Nếu độ tinh xảo của tranh càng cao đòi hỏi nghệ nhân càng giỏi thì bức tranh càng trở nên giá trị.
Tranh thêu không đơn thuần là tạo bởi đường kim, mũi chỉ mà ẩn chứa bên trong là nghệ thuật phối màu, tạo khối, là công trình được thiết kế tinh xảo và chứa đựng cả yếu tố phong thủy trong từng bức tranh. Hay nói cách khác đó là cả một câu chuyện được ẩn chứa bên trong, được kể bằng sợi chỉ, mũi kim khiến người xem chạm tới ngọn nguồn cảm xúc. Tranh thêu của Công ty Cổ phần Tinh hoa Nghệ thuật Thêu Việt đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật thêu tranh truyền thống, được đông đảo khách hàng ưa chuộng, đồng thời cũng là nhà cung cấp chính các bức tranh thêu cao cấp cho Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và nhiều ban ngành khác. Những sản phẩm của công ty không những phục vụ cho khách hàng trong nước mà còn phục vụ các du khách nước ngoài khi sang Việt Nam du lịch.
Khát vọng vươn xa
Những năm gần đây thị trường tranh thêu có dấu hiệu phát triển. Lượng khách trong nước hàng năm đều tăng so với cùng kỳ, khách du lịch quốc tế ngày càng dành nhiều sự quan tâm, ưu ái cho các sản phẩm mang đậm tính truyền thống của người Việt. Doanh nhân Nguyễn Văn Công tiết lộ về khát vọng đưa tranh thêu của Việt Nam vươn tầm ra thế giới, đặc biệt là hướng đến thị trường nước Nga đang là mục tiêu sắp đến của công ty.
“Với mong muốn mở rộng mô hình, ấp ủ những điều mới mẻ trong kinh doanh là đồng hành cùng cộng đồng và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp nhân ái, môi trường làm việc văn hóa, công ty còn dự kiến mở lớp đào tạo cho những người thiếu may mắn trong cuộc sống như người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, người có tay nghề nhưng không có điều kiện phát triển bản thân sẽ được công ty ưu tiên tuyển dụng làm việc nhằm giảm chi phí giá cả tranh, đồng thời mang lại nguồn thu nhập ổn định cho từng nhân viên khi đến làm việc tại công ty”, anh Công bày tỏ.
CT CP Tinh hoa Nghệ thuật Thêu Việt đồng hành cùng trẻ em đến trường và trao quà cho các hộ khó khăn tại khu vực miền núi phía Bắc tron đợt Tết Canh Tý
Không chỉ tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn, Công ty Cổ phần Tinh hoa Nghệ thuật Thêu Việt còn để lại nhiều dấu ấn trong các chương trình từ thiện xã hội ở khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, Trung du và tiếp sức học sinh đến trường… Gần một thập kỷ hình thành và phát triển công ty đã khẳng định giá trị thương hiệu và uy tín lớn trong làng thêu Việt Nam và ngày càng hướng đến các thị trường thế giới.
Nhật Mai