Công ty công trình giao thông Đồng Tháp là doanh nghiệp Nhà nước với ngành nghề kinh doanh, sản phẩm chính là xây dựng các công trình giao thông (cầu, đường, cống); Sản xuất, cung cấp và thảm bê tông nhựa nóng tất cả các loại cấp phối…. Đến năm 2004, Công ty Công trình giao thông Đồng Tháp được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần xây dựng công trình giao thông (CPXDCTGT) Đồng Tháp trực thuộc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Trong quá trình hình thành và phát triển, trải qua nhiều thăng trầm và biến đổi, có những lúc tưởng chừng như cái tên Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình giao thông (CPXDCTGT) Đồng Tháp sẽ không còn. Tuy nhiên, ở từng thời điểm, ban lãnh đạo mới của Công ty đã đưa ra nhiều quyết định sáng suốt, đúng lúc mở ra những bước ngoặc phát triển về sau.
Trầm ngâm và suy tư khi nhớ đến lịch sử của Công ty, Ông Hồ Thanh Sang – TGĐ Công ty CPXDCTGT Đồng Tháp phải mất khoảng vài phút mới có thể bắt đầu câu chuyện. “Giai đoạn 2007-2011, người lao động rất khổ. Tình hình tài chính của Công ty CPXDCTGT Đồng Tháp gặp nhiều khó khăn do nợ lũy kế từ nhiều năm trước, nợ quá hạn ngân hàng, nợ thuế, nợ Quỹ đầu tư phát triển với số tiền cả trăm tỷ đồng không có khả năng chi trả, nợ lương và BHXH – BHYT của người lao động, các công trình đã thi công hoàn thành hoặc đang thi công dở dang không thu hồi được vốn,… Tài chính kiệt quệ, ban lãnh đạo hầu tòa, nội bộ mất đoàn kết. Ai cũng chuẩn bị sẵn tâm thế cho tình huống xấu nhất là giải thể Công ty”.
Tháng 6/2011, Tổng công ty SCIC tổ chức đại hội cổ đông để công ty CPXDCTGT Đồng Tháp bầu lại ban giám đốc nhằm tìm hướng đi mới, hoặc chờ cơ hội tái cơ cấu hoặc sẽ giải thể công ty. Tuy nhiên, sau đó tình hình Công ty vẫn không có chuyển biến tích cực.
Thời điểm năm 2012, tài sản của Công ty CPXDCTGT Đồng Tháp bị phát mãi do nợ quá hạn ngân hàng. Công trình thì không có để thi công, ban lãnh đạo mới của Công ty CPXDCTGT Đồng Tháp cố gắng huy động mọi nguồn lực, tìm mọi giải pháp, tranh thủ nhận các công trình, thực hiện các dịch vụ dù là nhỏ nhất, chủ yếu để có công ăn việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, Công ty tiến hành rà soát lại năng lực đội ngũ lao động và cố gắng sửa chữa, nâng cấp các phương tiện hiện có phù hợp khả năng tài chính để nâng cao hiệu năng công việc cũng như cho thuê để tăng doanh thu hoạt động, thậm chí lãnh đạo Công ty CPXDCTGT Đồng Tháp phải tìm đến Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đơn vị có chức năng mua và xử lý nợ tồn đọng để kiến nghị cứu giúp doanh nghiệp ngay thời điểm khó khăn nhất nhằm tiếp tục duy trì hoạt động của Công ty CPXDCTGT Đồng Tháp chờ tái cơ cấu doanh nghiệp. Vào thời điểm này, Giám đốc cũng phải đi tiếp thị sản phẩm, bán hàng như nhân viên, tích cực tìm đối tác, “Không có khó khăn nào không trải qua. Tất cả đều ý thức được từ cái nghèo đi lên, phải cùng nhau vững tin và đồng lòng vượt qua giai đoạn khó khăn này” – Ông, Hồ Thanh Sang nhớ lại.
Các cấp ban ngành cũng như UBND tỉnh hiểu được những khó khăn của Công ty lúc bấy giờ nhưng chưa thể giúp được nhiều, bởi xét về năng lực thì Công ty CPXDCTGT Đồng Tháp là đơn vị có năng lực tại địa phương với thế mạnh là bê tông nhựa nhưng do vật lực lúc đó còn quá yếu. Sau nhiều năm nỗ lực, phấn đấu bằng cả tâm huyết của tập thể lãnh đạo và người lao động công ty đến năm 2014 Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị thành phố Cao Lãnh đã nhìn nhận chất lượng cũng như mỹ quan các công trình tương tự mà Công ty đã thi công nên chấp thuận cho Công ty đưa sản phẩm bê tong nhựa vào thi công dự án nâng cấp đô thị nội ô Tp Cao Lãnh. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Công ty vì để tham gia được dự án đòi hỏi Công ty phải có mức giá sản phẩm hợp lý và phải có trạm bê tông nhựa từ 80 tấn trở lên, xe rải thảm nhựa phải đạt công suất 130 cp trở lên. Để đầu tư mua sắm máy móc thiết bị có giá trị lớn 7 tỷ đồng trong khi tình hình tài chính khó khăn, thiếu trước hụt sau thì quả thật cần phải đắn đó suy nghĩ, bởi đầu tư không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả.
Hiểu được cơ hội quý giá này lãnh đạo Công ty hết sức cân nhắc, đắn do 5, 7 lượt và họp bàn với Hội đồng quản trị, cuối cùng đi đến quyết định là phải mua mặc dù khi ấy Công ty không có đủ tiền. Với số vốn tự có, công ty đã mua và trả trước 50% tiền thiết bị gồm có: 01 dây chuyền sản xuất BTN công suất 100 tấn/h, 01 xe trải bê tông nhựa nóng Voegele S1900 và 01 xe lu hai bánh thép Sakai SW800, 50% tiền còn lại xin trả dần vào 6 tháng sau. Theo ông Sang, đây chính là tài sản quý nhất của công ty từ khi ông điều hành Công ty đến bây giờ. Và cũng chính nhờ các thiết bị này mà Công ty lấy lại được thương hiệu, lấy được lòng tin ở tại địa phương.
“Tôi hay nói với các anh em, mặc dù mình là Công ty nhỏ nhưng làm gì thì mình cũng phải giữ chất lượng, mặc dù lợi nhuận ít nhưng phải giữ uy tín, xem chất lượng là yếu tố hàng đầu” – Ông, Hồ Thanh Sang khẳng định. Kiên định mục tiêu và lấy chất lượng làm đầu, những giá trị cốt lõi mà Công ty CPXDCTGT Đồng Tháp mang lại cho khách hàng là: “Chất lượng, tiến độ và chữ tín”. Bằng cái tâm của người làm xây dựng, tập thể Công ty CPXDCTGT Đồng Tháp hoàn thiện công trình đúng tiến độ và đảm bảo yêu cầu mỹ quan, chất lượng. Không phân biệt bất cứ công trình nào dù là nhỏ nhất, từ đó mà người lao động có công việc ổn định hơn và doanh thu của Công ty cũng khởi sắc hơn.
Không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực cốt lõi mà Công ty còn hướng đến xây dựng giá trị nền tảng vững chắc về văn hóa doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững. “Trong giai đoạn khó khăn này, chúng tôi cũng luôn tự tạo ra cho mình những động lực tốt để thúc đẩy tinh thần làm việc của cán bộ công nhân viên, tạo cho cán bộ công nhân viên sự tin tưởng, hiểu những khó khăn của doanh nghiệp và lắng nghe những ý kiến đóng góp để có sự điều chỉnh, định hướng doanh nghiệp phát triển đúng theo kế hoạch đã được hoạch định”. Cùng với những kết quả khả quan, Công ty cũng quan tâm hơn đến công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, tạo sự tin tưởng, đoàn kết nhất trí, quyết tâm của toàn thể cán bộ công nhân viên, phấn đấu vì lợi ích chung, mục tiêu chung của Công ty.
Tất cả những yếu tố trên chính là bàn đạp để Công ty vực dậy sau cuộc khủng hoảng và nhanh chóng lấy lại tốc độ phát triển. Điều đó càng cho thấy được trách nhiệm, quyết tâm và một bản lĩnh khác của Công ty CPXDCTGT Đồng Tháp sau tái cơ cấu. “Đến thời điểm này Công ty cũng còn nợ và đang trả dần. Trong 3 năm trở lại đây Công ty hoạt động đều có lãi, trong đó năm vừa rồi doanh thu khá tốt nhưng còn nợ ngân hàng cho nên chưa có chia cổ tức được. Hy vọng sang năm sẽ có thể trả cổ tức cho các cổ đông. Khi đó công ty sẽ có thể tham gia đấu thầu các dự án lớn và thể hiện năng lực của mình nhiều hơn nữa.” – Ông Hồ Thanh Sang (cười).
Qua 15 năm hình thành và phát triển, trải qua không ít thăng trầm, biến cố đã ghi dấu ấn đậm nét cho lịch sử của Công ty CPXDCTGT Đồng Tháp. Công ty đã đạt được những kết quả đáng trân trọng trong việc thi công các công trình cơ sở hạ tầng, trong đó có nhiều công trình có vốn đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn Đồng Tháp như: Gói thầu CL-PW-2.9 Cầu Lý Thường Kiệt và đường Phạm Hữu Lầu, TP. Cao Lãnh; Gói thầu CL-PW-2.13: Nâng cấp, cải tạo đường đường Lý Thường Kiệt, đường 30/04, đường Trần Hưng Đạo, hẻm 60 và đường Nguyễn Huệ, TP. Cao Lãnh; Công trình đường Nguyễn Tất Thành, TX. Hồng Ngự…và gần đây nhất là Thi công bó vỉa, vỉa hè, cung cấp và thảm BTNN đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Đốc Binh Kiều phục vụ đi lại của người dân và đại biểu trong tuần lễ du lịch Thành phố Cao Lãnh – Thành phố Hội An từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 7năm 2019. Ngoài những dự án nội ô thành phố và thị xã trực thuộc tỉnh Đồng Tháp thì Công ty chúng tôi đã và đang cung cấp & thảm bê tong nhựa cho tuyến quốc lộ 30 đoạn An Hữu đến Thành phố Cao Lãnh.
Với mục tiêu lâu dài là một nhà thầu chuyên nghiệp, Công ty CPXDCTGT Đồng Tháp sẽ liên tục không ngừng đổi mới về công nghệ, thiết bị, nâng cao trình độ quản lý, cải thiện điều kiện làm việc nhằm nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, cải thiện mức lương và bảo vệ sức khoẻ người lao động, bảo vệ môi trường và đóng góp vào việc nâng cao vị thế của công ty tại ĐBSCL cũng như khu vực phía Nam./.