Đứng chân trên địa bàn 2 huyện Ea Kar và M’Đrắk – một trong những vùng nguyên liệu tốt nhất cả nước, thời gian qua Công ty CP Mía Đường 333 đã tận dụng rất tốt những lợi thế này, tự tin vươn lên trở thành thương hiệu lớn của ngành mía đường khu vực Tây Nguyên, góp phần phát triển bền vững ngành mía đường Đắk Lắk, vùng Tây Nguyên và cả nước.
Ông Đoàn Ngọc Sơn – TGĐ
Đi lên bằng sự năng động, sáng tạo
Công ty CP Mía Đường 333 tiền thân là đơn vị quân đội – Sư đoàn 333 thuộc Quân khu 5 – Bộ Quốc phòng, thành lập tháng 10/1976. Trải qua vài lần đổi tên, đến ngày 28/6/2006 Mía Đường 333 chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Sau 13 năm cổ phần hóa, Công ty không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, chất lượng lẫn hiệu quả hoạt động; đồng thời từng bước đa dạng hóa về ngành nghề sản xuất kinh doanh gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, mạnh mẽ khẳng định vị thế thương hiệu trên thị trường.
Tổng Giám đốc Công ty CP Mía Đường 333 – Đoàn Ngọc Sơn cho biết sau khi cổ phần 100% vốn tư nhân, Công ty CP Mía đường 333 tập trung tái cơ cấu lại công tác tổ chức và đầu tư đổi mới toàn bộ trang thiết bị hiện đại cho Nhà máy để thích nghi với tình hình sản xuất kinh doanh trong thời kỳ hội nhập. Theo đó Công ty đã thực hiện đầu tư thay mới toàn bộ hệ thống máy móc của Nhà máy Đường 333 bằng thiết bị hiện đại hàng đầu của Ấn Độ và châu Âu, nâng công suất chế biến lên 3.500 tấn/ngày, gấp 7 lần so với những năm đầu hoạt động. Thông qua nỗ lực đầu tư đổi mới công nghệ đã giúp Công ty tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, hướng đến sản xuất sản phẩm đường mới với tiêu chuẩn vượt trội so với các sản phẩm cùng loại; đồng thời giảm thiểu được những tác động xấu đến môi trường, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, hướng đến một nền sản xuất xanh bền vững và hiệu quả.
Để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, Công ty CP Mía Đường 333 cũng chú trọng đa dạng hóa các sản phẩm sau đường thông qua sản xuất bánh kẹo, nước khoáng đóng chai Vina 333….Đặc biệt phát huy tính sáng tạo trong tận dụng các phế phẩm, Nhà máy Đường 333 đã tự sản xuất được nguồn điện sinh khối từ phế phẩm bã mía với công suất 7 MW; qua đó không chỉ đáp ứng đủ điện cho hoạt động của Nhà máy mà còn cung ứng điện ra bên ngoài, mang về nguồn lợi nhuận về cho Công ty. Ngoài sản xuất điện sinh khối, Mía Đường 333 còn sản xuất thêm cồn ethanol pha xăng E5, phân vi sinh…để tăng nguồn thu, qua đó góp phần ổn định việc làm và cải thiện thu nhập cho người lao động.
Đồng hành cùng nông dân phát triển vùng nguyên liệu bền vững
Hiện Công ty CP Mía Đường 333 có vùng mía nguyên liệu rộng lớn hơn 8.000 ha ở 2 huyện Ea Kar và M’Đrắk. Để tạo lợi thế cạnh tranh, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty đang thực hiện cơ giới hóa một phần, giúp giảm 30% chi phí thu hoạch mía. Mía Đường 333 cũng đã phối hợp với UBND huyện Ea Kar triển khai thí điểm mô hình “Dồn điền đổi thửa” trên diện tích 50 ha, đầu tư toàn bộ giống mía mới, phân bón, chi phí sản xuất cũng như tập trung cơ giới hóa toàn bộ diện tích cho người nông dân.
Trên cơ sở xác định rõ vùng nguyên liệu là vấn để sống còn của doanh nghiệp mía đường, thời gian qua Công ty Mía Đường 333 đã có hàng loạt chính sách đúng đắn phù hợp với người trồng mía trong thu mua và đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo hướng giữ vững diện tích, tăng năng suất và chất lượng mía. Để khuyến khích người nông dân trồng mía, Công ty đã xây dựng 6 Trạm đầu tư-thu mua gồm nhà làm việc, kho chứa phân bón; qua đó tạo tiện ích cho người dân trực tiếp ký hợp đồng đầu tư, bán mía, thanh toán và hưởng các chính sách hỗ trợ với Công ty không thông qua thương lái.
Ngoài ra Mía Đường 333 cũng thực hiện chính sách đầu tư trọng điểm cho người trồng mía với suất đầu tư từ 17 triệu cho mía gốc và 32 triệu đồng cho mía trồng mới (giá trị đầu tư hàng năm từ 90 – 100 tỷ đồng); cho vay và ưu đãi lãi suất mua máy cơ giới hóa trồng, chăm sóc và thu hoạch mía. Công ty còn triển khai các chính sách hỗ trợ không hoàn lại như: hỗ trợ địa phương các xã, thị trấn 1.000 đồng/tấn mía sạch nhập về Nhà máy; tạo kinh phí cho địa phương cùng tham gia quản lý vùng nguyên liệu; sửa chữa đường giao thông nội đồng hàng năm từ 300 – 500 triệu đồng/năm; hỗ trợ ĐTTT bằng bã bùn, tiền mặt (trồng mới 2 triệu đồng/ha; hỗ trợ mía gốc 500.000 đồng/ha; diện tích mía bị chết do nắng hạn hỗ trợ 50% tiền mía giống trồng lại; hỗ trợ 50% tiền lãi phát sinh cho giá trị nhận đầu tư bằng phân bón). Ngoài ra Mía Đường 333 còn thực hiện chuyển giao cho nông dân bộ giống mía mới (KK3, K95-156, VNO8-270 K88-65) cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống hạn và ít sâu bệnh; qua đó góp nâng cao đáng kể năng suất, chất lượng mía trong vùng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chuyển đổi từ đất trồng cây khác không hiệu quả sang trồng mía.
Tuy nhiên theo chia sẻ của ông Sơn, khó khăn hiện nay là các nhà máy trong khu vực đang thiếu nguyên liệu trầm trọng, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh thông qua hệ thống thương lái gây khó khăn cho công tác quản lý đốn chặt, kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty Mía Đường 333. Trong bối cảnh đó, chủ trương xuyên suốt của Công ty là đẩy mạnh đầu tư trực tiếp để cho người dân trực tiếp ký hợp đồng đầu tư, bán mía, thanh toán và hưởng các chính sách hỗ trợ với Công ty không thông qua thương lái. “Đến nay tỷ lệ người dân ký hợp đồng trực tiếp với chúng tôi đã tăng đáng kể. Việc mua bán mía thực hiện bằng hợp đồng góp phần tạo điều kiện tốt nhất để người dân bán mía trực tiếp về Nhà máy; hạn chế hoặc không mua trôi nổi để đảm bảo hợp đồng đã ký với nông dân” – ông Sơn cho hay.
Ngoài ra Công ty CP Mía Đường 333 còn thực hiện phương thức mua xô theo chế tài giảm giá đối với mía kém chất lượng do chặt mía non (mía dưới 8CCS); minh bạch trong việc đo kiểm tra chất lượng; giá mua mía hài hòa theo giá đường từng thời điểm nhằm đảm bảo quyền lợi cho bà con nông dân (3 vụ gần đây giá thu mua luôn bằng hoặc cao hơn các nhà máy trong khu vực)
Thông qua các chương trình, giải pháp phát triển vùng nguyên liệu bền vững, tăng cường mối liên kết chặt chẽ với bà con nông dân, Công ty CP Mía Đường 333 đã trở thành nhân tố quan trọng của Chương trình hỗ trợ nông dân gắn liền với cây mía, thực hiện bao tiêu sản phẩm giúp người nông dân gắn an tâm trồng mía, đảm bảo lợi nhuận cho bà con; đồng thời góp phần tích cực vào công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà gắn với xây dựng Nông thôn mới.
Trọng Quân