Hơn 17 năm thành lập, Công ty TNHH MTV Thạnh Thới đã luôn đề cao tiêu chí “An toàn – Tiện nghi – Nhanh chóng” trong từng hoạt động. Và đến nay đơn vị đã đầu tư trên 800 tỷ để thực hiện các hạng mục đáp ứng nhu cầu giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương cũng như ngành du lịch tỉnh Kiên Giang. Phải kể đến thành công nhất của đơn vị chính là việc xây dựng bến phà Thạnh Thới – một trong những phà hiện đại bật nhất tại Việt Nam có thể vận chuyển số lượng lớn hành khách và nhiều loại xe từ Hà Tiên đi đảo Phú Quốc.
Ông Nguyễn Ngọc Thới – TGĐ Công ty TNHH MTV Thạnh Thới
Tầm nhìn lớn
Công ty TNHH MTV Thạnh Thới là một công ty đang hoạt động theo mô hình tư nhân một thành viên do ông Nguyễn Ngọc Thới làm tổng giám đốc. Với sự lèo lái tài tình của ông Thới cũng như ban lãnh đạo, cùng sự giúp sức với chính quyền địa phương không chỉ giúp doanh nghiệp đạt được nhiều thành công mà còn tạo nhiều dấu ấn lớn, phải kể đến là việc xây dựng bến phà Thạnh Thới. “Nhớ lại giai đoạn đầu, mục tiêu lúc đó chỉ là hưởng ứng kêu gọi đầu tư của tỉnh nhà trong xây dựng các bến cảng, phương tiện, trong đó có phà vận chuyển ô tô ra Phú Quốc. Xét thấy tình hình cấp thiết của địa phương, cũng như năng lực nội tại của Công ty, tôi cũng như ban lãnh đạo đơn vị đã quyết định thực hiện ý tưởng nối liền biển đảo với đất liền, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa cho người dân địa phương – Dự án phà Thạnh Thới vì thế ra đời. Thực tế quyết định này là vô cùng mạo hiểm. Bởi lúc đó miền Nam hầu như chưa có doanh nghiệp nào làm tàu biển, phà… Đặc biệt là để xây dựng phà vừa vận tải hàng hóa, xe cộ, con người… thì đòi hỏi mức độ thực thi, kỹ thuật khó lại càng khó hơn nhiều. Nhưng không nản lòng, Công ty đã quyết định đưa các kỹ sư của đơn vị đi học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển trong công cuộc này, đặc biệt là Nhật Bản. Trên cơ sở đó trong quá trình thực thi chúng tôi cũng đã thay đổi một vài khâu kỹ thuật để phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Và cũng đã tiến tới nghiên cứu xây dựng bến cứng, đảm bảo an toàn, với 3 cấp tùy vào mức độ thủy triều lên xuống để đơn vị hướng đến phát triển cho phù hợp” – Ông Thới chia sẻ.
Song song với đó, Công ty cũng gặp không ít trở ngại trong quá trình thực hiện. Bởi vào thời điểm trên ngân hàng hầu như chưa có những chính sách cụ thể để hợp tác cùng doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án phà, bến… Nhưng chính sự quyết tâm, nguồn vốn tự có, bến phà Thạnh Thới cũng đã Công ty thực thi và vào hoạt động, đã trở thành một phần đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế Kiên Giang. Chiếc phà đầu tiên đánh dấu bước ngoặc quan trọng đó là Thriving 1, tiếp đó là Thriving 2. Hiện nay 2 phà đã có sức chứa tương đương nhau là 389 hành khách và khoảng 40 xe ô tô các loại với hàng trăm tấn hàng hóa để phục vụ đảo Phú Quốc. Tàu có chiều dài lớn hơn 50m và chiều rộng 14m, được trang bị động cơ hai máy chính, tổng công suất 2 máy là 2000Kw, đạt tốc độ trung bình trên 14 hải lý/giờ. Cả hai tàu Thriving 1 và Thriving 2 đều được thiết kế đóng mới, đi được trong điều kiện sóng gió cấp 8, đáp ứng các quy định về an toàn tàu biển và các tiêu chuẩn quốc tế.
Không chỉ làm hài lòng và thỏa mãn được mong đợi của người dân huyện đảo Phú Quốc và Hà Tiên nói riêng, vùng ĐBSCL và cả nước nói chung; mà Công ty còn góp phần tăng nhanh lượng khách du lịch đến Hà Tiên và Phú Quốc, thỏa mãn được tiêu chí ngành công nghiệp tàu biển “An toàn – Tiện nghi – Nhanh chóng”. Trước thành công này, ông Thới cho biết đơn vị đã tiếp tục đầu tư, tổng cộng đến nay được 7 phà cao tốc chất lượng. Đặc biệt mới nhất là phà Thriving 7 có hành trình Hà Tiên – Phú Quốc, đạt tốc độ cao, nhanh hơn 60 phút so với các phương tiện phà khác. Ông Thới cho biết, chuỗi phà này được thiết kế đúng tiêu chuẩn tàu biển, 3 khoang, có thể chở cùng lúc 250-400 khách, 200-250 mô tô và 30 ô tô. Đặc biệt, bắt đầu từ Thriving 2, Công ty đã đầu tư thiết kế nội thất theo tiêu chuẩn 5 sao, đảm ứng nhu cầu khách du lịch. Điều này không chỉ cải thiện bộ mặt đơn vị, mà còn là điểm nhấn trong việc phát triển ngành du lịch tỉnh nhà.
“Nối nhịp cầu vui”
Những năm gần đây, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến Việt Nam cũng không nằm ngoài hệ lụy chung. Theo đó đại đa số các nhà đầu tư trong nước rơi vào tình trạng khốn đốn, tiến độ triển khai các dự án cũng bị chững lại. Công ty TNHH MTV Thạnh Thới cũng không tránh khỏi “vòng xoáy” này. Mặc dù được sự quan tâm giúp đỡ của nhà nước và các cơ quan chức năng trong tỉnh, tạo điều kiện nhanh chóng trong khâu thủ tục để đơn vị thực hiện nhanh các hạng mục dự án đưa vào khai thác. Song trở ngại lớn nhất của đơn vị cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong vùng chính là tình trạng thiếu bến neo đậu. Do vậy ông Thới cũng hy vọng các cơ quan chức năng sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến điểm bến để giảm tải lượng tàu, phà ra vào; hướng đến đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân địa phương, du khách.
Bên cạnh kiến nghị trên, ông Thới cũng nhấn mạnh thêm “Thời gian tới Công ty sẽ còn mở rộng thêm quy mô hoạt động, phục vụ cho hành khách trong cũng như ngoài nước. Đặc biệt là coi trọng công tác đào tạo nhân viên, từng bước nâng cao cư xử văn hóa doanh nghiệp, tạo điều kiện cho CBCNV tiếp cận những khóa học để phục vụ trong công tác chuyên môn, hướng đến mục tiêu phục vụ tốt hơn cho du khách. Ngoài hướng đến mục tiêu phục vụ khép kín từ nhà hàng, khách sạn đến siêu thị…; đơn vị cũng sẽ xây dựng các kho và cửa hàng xăng dầu để phục vụ cho công tác tàu biển. Cũng như phối hợp với chuyên gia của các nước để khi thực hiện dự án, những công trình như cảng, nhà ga, phòng vé…. được sắp xếp một cách văn minh, sạch sẽ, theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong tương lai không xa, Công ty sẽ còn mở rộng mô hình này, để đảm bảo không chỉ phát triển kinh tế tại địa phương mà còn để cho những vùng hải đảo trên khắp cả nước được nối nhịp bờ vui với đất liền”./.
Tiến Bảo