Là bộ đội phục viên, trên tay chỉ có một ít tiền thanh toán chế độ xuất ngũ. Ông Ngô Trần Ngọc Quốc bước chân vào kinh doanh, xây dựng kinh tế. Trải qua nhiều lần vấp ngã, nhưng với sự nhiệt quyết của tuổi trẻ, sự nhạy bén trong tư duy, nắm bắt xu thế phát triển của thị trường, đã giúp ông gặt hái được nhiều thành công. Hiện nay công ty mang tên của ông trở thành nhà cung cấp dịch vụ Logistics hàng đầu tại Tây Ninh và các địa phương lân cận. Trên cương vị là Chủ tịch Hội Doanh Nhân Trẻ tỉnh nhà. Đồng thời, còn là Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh Tây Ninh. Ông vừa là người tiếp thêm “lửa” cho đội ngũ doanh nhân trẻ Tây Ninh mạnh dạn thực hiện ý tưởng và làm giàu trong kinh doanh, vừa là người đại diện tiếng nói cử tri cho nhân dân, góp phần xây dựng trên các lĩnh vực xã hội địa phương .
Cách đây không lâu, Chúng tôi có dịp gặp gỡ và trao đổi cùng ông Ngô Trần Ngọc Quốc – Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vận tải XNK Trần Quốc tại Tây Ninh, với ông mỗi ngày trôi qua là những bộn bề lo toan cho những kế hoạch mới, nghe ông kể như thể đang lật từng trang sách quý, càng đọc càng lôi cuốn đến kỳ lạ, đưa chúng tôi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, bởi những ý tưởng kinh doanh, những mô hình đầu tư táo bạo, những cách quản lý, điều hành và tổ chức doanh nghiệp của ông khiến người ta phải trầm trồ thán phục. Nhớ lại vào giai đoạn năm 2004, khi mới thành lập doanh nghiệp, lúc bấy giờ tại Tây Ninh, dịch vụ Logistics còn khá hạn chế, manh mún. Trong khi Logistics lại đóng góp quan trọng vào quá trình phân phối hàng hoá từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng và là cầu nối thương mại toàn cầu, một mắc xích rất quan trọng trong toàn bộ chuỗi giá trị hàng hóa. Nắm bắt được xu thế này, ông Quốc bắt tay vào thành lập doanh nghiệp vận tải mang tên Trần Quốc. Ban đầu chỉ vài đầu phương tiện phục vụ cho các khách hàng nhỏ lẻ tại tỉnh, do đó hầu như trong giai đoạn những năm đầu công ty hoạt động khá khó khăn. Tuy nhiên với tầm nhìn dài hạn, công ty dần đẩy mạnh đầu tư đổi mới phương tiện, thay đổi phương thức hoạt động, tối ưu hóa phương thức vận chuyển nhằm tiết giảm chi phí đến mức thấp nhất cho doanh nghiệp lẫn khách hàng, qua đó tạo lập uy tín thương hiệu của Trần Quốc với đối tác. Qua hơn 15 năm phát triển, Trần Quốc đã vươn lên trở thành thương hiệu có tiếng tại Tây Ninh nói riêng và khu vực phía Nam nói chung. Công ty hiện sở hữu hàng trăm đầu phương tiện đa dạng, đa tải trọng phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, lực lượng nhân sự trẻ trung, giàu năng lượng và là đối tác chiến lược của hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Trần Quốc còn mạnh dạn đầu tư hệ thống mặt bằng, bến bãi chuyển đổ, trạm sửa chữa để nâng cao năng lực hoạt động và chuyên nghiệp hơn trong từng dịch vụ vận tải của Trần Quốc.
Bên cạnh lĩnh vực thế mạnh là Logistics, ông Quốc còn mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực du lịch với Dự án “Nuôi trồng thủy sản kết hợp khu vui chơi giải trí sinh thái & ẩm thực Long Trung”. Ông đã cải tạo, biến hóa nơi này – từng là khu vực khai thác phún bỏ hoang trở thành khu thiên nhiên sinh thái. Phải nói đây là một dự án khá mạo hiểm do dự án được xây dựng tại một khu vực khá hẻo lánh, xung quanh là hồ sâu, cây tạp mọc um tùm, không có giá trị kinh tế. Trước đây cũng từng có một vài cá nhân tổ chức nuôi cá nhưng không hiệu quả và bị bỏ hoang. Cho nên khi ông Quốc chia sẽ muốn đem một dự án du lịch đặt tại đây nhiều người còn tỏ ra hoài nghi và cho là “điên” khi lấy tiền “ném tiền qua cửa sổ”. Tuy nhiên sau một thời gian ông Quốc bắt tay vào thực hiện, một làng quê nam bộ được tái hiện chân chất, từng chòi lá đơn sơ, gần gủi được đặt ngay trên mặt hồ thơ mộng xanh ngát trãi rộng. Tất cả vật dụng tại đây được thiết kế bằng tre, nứa, dừa nước, kết hợp với mảng xanh của không gian xung quanh, làm du khách buông bỏ hoàn toàn những áp lực trong cuộc sống thường ngày hòa mình tự nhiên mộc mạc, gần gủi, thưởng thức những món ăn dân dã, tươi sống thật khó quên. Thêm vào đó các chòi được đặt theo tên các tỉnh thành Việt Nam như: Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Bến Tre,… càng tạo thêm sự yêu thích trong lòng du khách. Hàng ngày KDL Long Trung tiếp đón hàng trăm lượt khách đến đây, ngày cuối tuần, lễ, tết con số đó lên đến hàng nghìn lượt.
Bên cạnh đó, với vai trò là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Tây Ninh, Ông Quốc luôn đồng hành, hợp tác, chia sẽ kinh nghiệm cho đội ngũ doanh nhân trẻ tỉnh Tây Ninh thực hiện thành công nhiều dự án quan trọng trên nhiều lĩnh vực như: du lịch phược; xây dựng mô hình trồng dưa lưới và một số loại rau củ quả khác theo hướng công nghệ cao; thành lập cửa hàng rau sạch mang tên Tani G.A.P bày bán những sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng Tây Ninh,… Đặc biệt gần đây Ông Quốc đang cùng giới doanh nhân trẻ Tây Ninh tích cực khôi phục lại vị thế cho trái Mãng cầu Bà Đen, một sản phẩm thế mạnh tại Tây Ninh và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý vào năm 2011. Mãng cầu Bà Đen được nhiều người tiêu dùng biết đến bởi những đặc điểm nổi bật như: trái to, cơm dày, thịt dai, vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng, tuy nhiên thời gian qua do việc tìm kiếm thị trường đầu ra khó khăn, giá cả bấp bênh, giá mãng cầu đạt tiêu chuẩn VietGAP được đánh đồng với mãng cầu thường,… do đó dần dần mất đi sự quan tâm đầu tư của nhà nước lẫn người dân canh tác. Đứng trước thách thức lớn này, ông Quốc đã vạch ra nhiều sách lược quan trọng cùng các doanh nhân trẻ Tây Ninh bắt tay vào thực hiện ngay các vấn đề sau: thứ nhất là khâu sản xuất phải đạt chuẩn theo mô hình vi sinh hữu cơ, quá trình canh tác vẫn trên nền tảng của tiêu chuẩn VietGAP nhưng hướng đến Organic, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ, các loại hoá chất. Thứ nhì là việc công nghệ hóa chế biến sau thu hoạch để tăng thời gian bảo quản trái mãng cầu tươi, đi kèm với đa dạng hóa sản phẩm sản suất từ mãng cầu như sản xuất Vang mãng cầu. Thứ ba là việc làm thương hiệu và phân phối sản phẩm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay dù dự án mới được khởi động cách đây không lâu, nhưng đã có dấu hiệu tích cực, trái mãng cầu Bà Đen đã dần có mặt tại nhiều địa phương trong cả nước, xuất hiện tại các siêu thị lớn, của hàng thực phẩm sạch,… quan trọng nhất là người tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu có một nhận thức nhất định về loại trái cây đặc sản này.