Năm 2018, Tổng thu NSNN là 8.464,247 tỷ đồng đạt 111,23% so với dự toán năm 2018 và bằng 119,93% so với cùng kỳ năm trước, các khoản thu đều đạt và vượt dự toán thu NSNN, trong đó thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 131,57%, thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 108,76%.
Triển khai nhiệm vụ công tác thuế 2019
Lý giải về kết quả này, ông Phùng Văn Minh – Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Tiền Giang cho biết: “Năm 2018, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Tiền Giang đã có những chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế đạt khá cao so với kế hoạch đề ra, cùng với các lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ như: tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,5%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng phi nông nghiệp và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,1%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,5%; lĩnh vực dịch vụ có nhiều tiến bộ, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá tăng 7,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, yếu tố tăng trưởng kinh tế, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Tổng cục thuế, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, Cục thuế thực hiện nghiêm kỷ cương, kỹ luật trong chỉ đạo điều hành quản lý thu ngân sách; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, thực hiện chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu, đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế”.
Bên cạnh các thành tích về thu NSNN, Cục Thuế còn thực hiện đồng bộ các mặt như: Tuyên truyền tập trung vào tuyên truyền về chính sách, pháp luật về thuế để người dân và công đồng người nộp thuế hiểu nâng cao ý thức tuân thủ chính sách pháp luật thuế; Công tác triển khai thuế điện tử: kê khai, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử,…; Công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa ngành thuế, tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của ngành thuế Tiền Giang năm 2018, công tác xây dựng lực lượng, tăng cường kỷ luật trong thi hành công vụ của công chức thuế, những kết quả đạt được của ngành thuế đóng góp vào thành tựu chung của đất nước,…Qua đó xây dựng hình ảnh về ngành thuế năng động, chuyên nghiệp, đổi mới.
Từ những kết quả trên, UBND tỉnh Tiền Giang đã có quyết định tặng cờ thi đua cho Cục Thuế tỉnh vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 2018; đồng thời Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã tặng bằng khen cho Cục Thuế về thành tích hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2018.
Theo ông Phùng Văn Minh – Phó Cục trưởng Cục Thuế, năm 2019, Cục Thuế tỉnh Tiền Giang quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu nội địa được Bộ Tài chính, HĐND, UBND tỉnh Tiền Giang giao là 8.925 tỷ đồng. Để có thể hoàn thành chỉ tiêu được giao, Ngành thuế đưa ra 8 giải pháp cơ bản trọng tâm nhằm thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2019 như sau:
Thứ nhất: Triển khai thực hiện kịp thời các Nghị quyết của Trung ương và các Nghị quyết, quyết định của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về công tác thu ngân sách trên địa bàn. Tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan nhằm tuyên truyền, hỗ trợ đối với người nộp thuế, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện tốt việc kê khai, nộp thuế theo quy định.
Thứ 2: Thường xuyên tập trung, phân tích, đánh giá nguồn thu, đặc biệt phân tích cụ thể nguyên nhân, hoạt động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn từng lĩnh vực thu, từ đó tổng hợp kết quả thu, từ đó tổng hợp báo cáo kết quả thu và tổ chức thu đúng với thực tế phát sinh. Đồng thời, xác định cụ thể các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý thuế hiệu quả, kiến nghị với UBND các cấp chỉ đạo các ngành ở địa phương cùng thực hiện.
Thứ ba: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thu, triển khai mở rộng dịch vụ nộp thuế điện tử phát triển doanh nghiệp từ hộ kinh doanh, triển khai kịp thời các quy định về thuế sửa đổi, bổ sung, thực hiện các cơ chế liên thông giữa thủ tục hành chính thuế với một số thủ tục hành chính khác có liên quan, nhằm tạo thuận lợi và giảm thời gian thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký khai thuế cho doanh nghiệp và người dân.
Thứ tư: Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra giám sát tuân thủ đối với người nộp thuế. Chú ý phân tích đánh giá đúng các nhân tố dẫn đến rủi ro, qua đó tập trung công tác thanh tra để qua đó có biện pháp xử lý vi phạm, đôn đốc thu nộp ngân sách kịp thời các khoản mà thanh tra, kiểm tra đã kết luận.
Thứ năm: Tăng cường công tác đôn đốc thu nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế nhằm hạn chế nợ mới phát sinh. Thực hiện việc công khai thông tin người nộp thuế không nộp tiền thuế đúng hạn trên các phương tiện truyền thông đại chúng theo quy định của luật quản lý thuế. Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ năng để giám sát quản lý, cưỡng chế nợ thuế, giải quyết chính xác, kịp thời các trường hợp khiếu nại, tố cáo về thuế; thực hiện thống nhất theo quy trình; xây dựng và triển khai áp dụng thống nhất toàn ngành hệ thống đánh giá chất lượng quản lý nợ thuế.
Thứ sáu: Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, tập trung việc theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ cán bộ công chức thuế trong quá trình thực thi công vụ.
Thức bảy: Công khai hóa việc đầu tư, mua sắm tài sản, vật tư, chi tiêu tài chính, việc tuyển dụng, đề bạt, nâng lương, khen thưởng và kỷ luật cán bộ, thực hiện tốt việc kê khai, minh bạch hóa tài sản và thu nhập theo quy định.
Thứ tám: Làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho công chức nhằm nâng cao nhận thức chính trị và trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”. Chú trọng việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phẩm chất đạo đức của công chức viên chức, ưu tiên cho các công chức làm việc tại các chức năng quản lý thuế cơ bản và bộ phân thường xuyên tiếp xúc với NNT./.